- Đồng chí, đồng bào viếng nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng
- Nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng từ trần
Từ tháng 10/2011, sau khi nghỉ hưu, đồng chí Trương Vĩnh Trọng bắt tay vào công việc ruộng vườn và trở thành một lão nông thực thụ. Ông được mọi người kính nể với cương vị một lãnh đạo cao cấp của Chính phủ, kiên quyết nói không với tham nhũng, chỉ đạo các cơ quan ban ngành quyết liệt trong công tác phòng chống, bài trừ tham nhũng. Ông Hai Nghĩa – cái tên thân mật, gần gũi mà người dân Bến Tre trân trọng gọi ông.
Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng tiếp Đoàn đại biểu gia đình chính sách, gia đình có công với Cách mạng của hai tỉnh Gia Lai và Kiên Giang, ngày 23/5/2007, tại Hà Nội. (Ảnh: Tùng Lâm/TTXVN) |
Dù đã về hưu, an hưởng tuổi già nhưng hằng ngày ông đều dậy sớm đọc sách, thăm và làm vườn. Ấn tượng sâu đậm nhất của nhân dân đối với ông là sự chân tình, gần gũi, yêu thương đối với mọi người, trước sau như một. Ông Hai Nghĩa – đồng chí Trương Vĩnh Trọng đảm nhiệm qua nhiều chức vụ quan trọng tại tỉnh Bến Tre, Đồng Tháp, Trung ương, tuy nhiên dấu ấn mà người dân nhớ đến ông Hai Nghĩa không chỉ là khi ông giữ những chức vụ quan trọng mà chính mà một trí thức, một chính trị gia mang phong cách đậm chất Nam Bộ, chân chất mà nhiệt thành, quyết đoán với tư duy mới, dám nghĩ dám làm dám chịu trách nhiệm.
Lễ tang nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng tổ chức tại nhà riêng tại ấp Lương Thuận, xã Lương Qưới, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. |
Ngày 20/2, tại nhà riêng của đồng chí Trương Vĩnh Trọng tại ấp Lương Thuận (xã Lương Qưới, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) rất đông người dân địa phương, cơ quan, đoàn thể đến viếng, chia buồn cùng gia đình với lòng thành kính về người cán bộ mẫu mực trong công tác, khi về hưu sống gần gũi, luôn giúp đỡ bà con, xóm làng. Hay tin ông Hai Nghĩa mất, bà Võ Thị Rành (SN 1959) cùng xóm giềng đến viếng. Thắp xong nén hương cho người hàng xóm, bà Rành bịn rịn không muốn ra về vì nhớ thương ông Hai Nghĩa.
Trong kí ức bà Rành cũng như người dân xã Lương Quới, ông Hai Nghĩa là người sống có tình có nghĩa. Từ lúc chú Hai (đồng chí Trương Vĩnh Trọng – PV) nghỉ hưu thì về đây sống, sinh hoạt cùng bà con nhân dân. “Hằng ngày, cứ lờ mờ sáng, chú Hai thức dậy tưới cây trong vườn rồi ra trước cửa cùng người dân chạy bộ tập thể dục. Sau đó, ông rủ mọi người về nhà uống nước trà, trò chuyện thân tình, thăm hỏi chuyện mần ăn, học hành của con cái. Có lần chú Hai qua nhà tôi, ông xuống bếp xem nhà có đồ ăn cơm không. Thấy không có, ông về nhà kêu người mang qua cho tô cá kho”, bà Rành xúc động nói.
Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến viếng nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng. |
Người dân ấp Lương Thuận đều có chung cảm nhận, từ hồi ông Hai Nghĩa về sinh sống, xóm làng vui hơn hẳn, bà con hàng xóm đoàn kết, yêu thương. Mỗi lần chú Hai tìm ra được giống cây trồng, vật nuôi nào mới, đạt năng suất, chất lượng cao thì đều kêu người dân đến chia cho mỗi người một ít về nuôi trồng.
Mỗi dịp Tết đến, người dân lại thấy hình ảnh người cán bộ hưu, sắn tay áo chăm bón cho luống hoa vạn thọ trổ bông đẹp, đều, sau đó vào chậu cẩn thận, rồi mang cho mỗi gia đình một cặp trưng Tết. “Nghe tin chú Hai Nghĩa nằm viện trị bệnh, bà con trong xóm điện hỏi thăm nhưng chưa kịp hỏi thì chú Hai đã hỏi thăm ngược lại. Chú Hai ra đi làm cả xóm bùi ngùi thương tiếc. Nhắc đến chú Hai là tôi không cầm được nước mắt” - bà Rành khóc. Nhớ lại hôm mùng 2 Tết, chú Hai Nghĩa còn gửi về cho bà con trong xóm mỗi nhà 2 đòn bánh tét. “Ông bệnh mà lúc nào cũng lo cho bà con”, bà Rành nói.
Nhìn đường sá ở ấp Lương Thuận sạch sẽ, cây cối xanh tươi, người dân nhớ hình ảnh ông Hai Nghĩa mặc áo sơ mi tay ngắn, quần cộc cầm theo cây kẹp đi theo dọc con đường bê tông nhặt từng miếng rác, chai lọ. “Chúng tôi thấy vậy không còn ai dám xả rác, thấy rác cũng ý thức nhặt bỏ vào thùng”, người hàng xóm đi cùng bà Rành cho biết, người dân huyện Giồng Trôm ai cũng biết chú Hai Nghĩa rất quan tâm đến công tác khuyến học, chăm lo đời sống cho người dân, an sinh xã hội.
Nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng tham quan công trình tôn tạo Khu di tích căn cứ Khu ủy Sài Gòn – Gia Định (giai đoạn I) tại xã Tân Phú Tây, huyện Mỏ Cày Bắc vào ngày 28/4/2012. (Ảnh: Hoàng Vũ) |
Đối với cán bộ địa phương, chú Hai Nghĩa luôn gần gũi, quan tâm, nhắc nhở cán bộ về tinh thần đoàn kết, quan tâm xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh và tập trung phát triển kinh tế xã hội để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Đồng chí Nguyễn Huỳnh Phụng, Chủ tịch UBND xã Lương Quới kể, trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương, những con đường, cây cầu đều có dấu ấn của bác Hai Nghĩa. Bác tích cực vận động người dân, các Mạnh Thường Quân cùng chung tay xây dựng nông thôn mới.
Bác là một tấm gương sáng để cán bộ trong xã học tập noi theo. Tại địa phương, bác Hai Nghĩa thường xuyên quan tâm thăm hỏi, dặn dò cán bộ địa phương cố gắng thực hiện tốt vai trò mà Đảng, Nhà nước phân công - đồng chí Phụng cho biết. Bản thân ông cũng như cán bộ, Đảng viên tại địa phương, khi tiếp xúc gần gũi với bác Hai Nghĩa đã học rất nhiều điều quý báu để vận dụng trong công tác lãnh đạo, điều hành tại địa phương, đặc biệt là vấn đề phát triển kinh tế của người dân, từng bước đưa xã nhà tiến tới hoàn thành xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.
Ông Nguyễn Văn Cạnh (SN 1951, nguyên Phó trưởng Công an huyện Giồng Trôm) cho biết, ông Hai Nghĩa luôn gần gũi, chăm lo đời sống cho người dân. “Anh Hai luôn dạy tôi và cán bộ địa phương làm cái gì có lợi cho dân thì ráng mà làm, làm cái gì mà không có lợi thì đừng làm. Anh Hai Nghĩa vốn quen với phong cách sống giản dị, gần gũi, chân tình nên khi về hưu ông hoà nhập rất nhanh với người dân quê. Dân thương, dân mến anh Hai Nghĩa bởi sự gần gũi từ con người chân chất, hiền lành”, ông Cạnh nói.
Nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng giới thiệu vườn cây ăn trái của gia đình thân thiện với môi trường. (Ảnh: Hoàng Vũ). |
Đồng chí Trương Vĩnh Trọng nổi tiếng là người luôn đưa ra những chủ trương, quan điểm mới táo bạo, mềm mỏng mà quyết liệt. Đồng chí Võ Thành Hạo, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre chia sẻ, đồng chí Trương Vĩnh Trọng là mẫu người cán bộ lãnh đạo có cái tâm rất trong sáng, tầm nhìn rất chiến lược, hết lòng vì dân, vì nước, dù ở bất cứ cương vị nào, thì đồng chí cũng thể hiện những phẩm chất đó.
“Tôi còn nhớ lúc anh Hai làm Bí thư Huyện ủy Giồng Trôm, ảnh là người lặn lội cùng với cán bộ để tìm hướng đi cho huyện nhà phát triển kinh tế, khôi phục lại quê hương sau chiến tranh và phát triển Giồng Trôm lúc đó trở thành một trong những địa phương rất năng động của tỉnh. Sau khi anh Hai nhận nhiệm vụ Chủ tịch UBND tỉnh, ảnh chính là người mở đường đột phá cho việc đưa điện quốc gia vượt sông Tiền về Bến Tre để phá thế không có năng lượng cho sự phát triển kinh tế của tỉnh. Cũng chính anh Hai là người nghĩ ra xây dựng cầu Bến Tre 2 để phá thế độc đạo của huyện Giồng Trôm, Ba Tri qua sông Hàm Luông. Anh Hai có tầm nhìn và niềm trăn trở lo cho dân như thế”, đồng chí Võ Thành Hạo xúc động khi nhớ về đồng chí Trương Vĩnh Trọng.
Nói về dấu ấn đồng chí Trương Vĩnh Trọng khi giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp vào năm 2000, ông Huỳnh Minh Đoàn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp chia sẻ, dù làm việc tại Đồng Tháp với khoảng thời gian ngắn chỉ khoảng 10 tháng, nhưng cách làm việc của đồng chí Trương Vĩnh Trọng luôn trách nhiệm, gương mẫu và tận tụy với công việc.
Đồng chí Trương Vĩnh Trọng nhắc anh em Cảnh vệ khi có người dân cần gặp dù vào lúc đêm khuya thì cũng đưa vào tiếp đón. Có trường hợp bức xúc nhưng được chú Hai Nghĩa phân tích, chia sẻ thì “hạ phèn” liền. “Tôi học tập anh Hai ở chỗ làm việc dân chủ, kỷ cương và quyết đoán. Anh Hai thu phục nhân tâm bằng lòng chân thành, trách nhiệm và tình cảm. Anh Hai quyết đoán chính xác, nhờ sâu sát thực tiễn, gần dân, hiểu dân, nắm bắt được tình hình”, đồng chí Huỳnh Minh Đoàn chia sẻ. |
Xem thêm: /874136-aihgN-iaH-uhC-ohN/us-ioht/nv.moc.dnac