Dự án thủy lợi Cái Lớn đang được gấp rút thi công nhằm ngăn mặn, giảm thiệt hại cho người dân - Ảnh: CHÍ QUỐC
Theo dự báo của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, từ ngày 25-2 đến 4-3 mặn sẽ đạt đỉnh và có thể xâm nhập sâu hơn vào đất liền.
Đầu nguồn kênh cạn trơ đáy
Dù chỉ mới bước vào giữa tháng 2 nhưng nhiều kênh, rạch ở An Giang (khu vực đón đầu nguồn nước từ sông Mekong đổ về) đã cạn trơ đáy, số còn lại chỉ có một ít nước khiến việc tưới tiêu của bà con nông dân gặp nhiều khó khăn.
Ngày 19-2, chúng tôi dạo quanh một vòng kênh Vĩnh An, đoạn xã Phú Vĩnh (thị xã Tân Châu) có chiều dài gần 12km, được xem là kênh huyết mạch chứa nước phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp của vùng nhưng đã cạn kiệt nguồn nước, một số đoạn còn rất ít.
Ông Lê Thanh Tùng - phó chủ tịch UBND xã Phú Vĩnh - cho biết trước đây tuyến kênh này nước rất nhiều, người dân muốn bơm nước tưới tiêu lúc nào cũng được. Thế nhưng giờ đây bà con nông dân phải chờ nước dâng lên nhiều mới có thể bơm nước và thời gian tưới cũng lâu hơn, tốn chi phí nhiều hơn trước.
Ông Lưu Văn Ninh - giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh An Giang - cho biết dự báo lượng nước từ sông Mekong chảy về đầu nguồn sông Cửu Long trong các tháng mùa khô năm 2021 có khả năng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 10 - 20%. Mực nước tại các sông, kênh, rạch trong phạm vi tỉnh tiếp tục xuống ở mức thấp.
Còn tại Kiên Giang, dự báo độ mặn cao nhất vùng cửa sông có khả năng xuất hiện trong những đợt triều cường tháng 3 và 4. Do đó mặn sẽ xâm nhập các kênh, rạch vùng giáp ranh hai tỉnh An Giang và Kiên Giang qua hệ thống kênh nhánh, tại các khu vực chưa có hệ thống cống, đập ngăn mặn.
Độ mặn cao nhất tại hai huyện Tri Tôn và Thoại Sơn sẽ duy trì trong tháng 4, 5 và có khả năng ở mức 0,2 - 0,3 phần nghìn.
Chủ động "né" mặn
Khu vực đầu nguồn nước - tỉnh An Giang - đã xuất hiện tình trạng kiệt nước, do đó những tỉnh khu vực cuối nguồn như Cà Mau, Sóc Trăng... càng khô hạn hơn.
Ông Phạm Tấn Đạo - chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng - cho biết nhờ chủ động vận hành hệ thống cống, ngăn nước mặn trữ ngọt nên toàn bộ diện tích lúa đông xuân năm nay an toàn.
"Trước tết, canh thời điểm nước ngọt chúng tôi mở cống lấy nước vào nội đồng, sau đó đồng loạt đóng cống nên trà lúa đông xuân đủ nước ngọt đến cuối vụ. Hiện lúa đông xuân ở Sóc Trăng đang thu hoạch rộ, khoảng 10 ngày nữa kết thúc, không lo thiếu nước ngọt như năm rồi.
Ngành nông nghiệp tỉnh đã khuyến cáo diễn biến xâm nhập mặn thời gian tới phức tạp, nông dân không nên làm lúa vụ 3" - ông Đạo nói.
Tương tự tại Kiên Giang, ông Nguyễn Văn Dũng - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh - cho biết mặn xâm nhập tăng nhanh từ đầu tháng 2. Ranh mặn 4 phần nghìn xâm nhập sâu trên sông Cái Lớn khoảng 55km, ở mức xấp xỉ so với cùng kỳ năm 2016.
Do đó UBND tỉnh đã chỉ đạo sở vận hành hiệu quả hệ thống cống trên địa bàn tỉnh để ngăn mặn giữ ngọt, đảm bảo phục vụ sản xuất vụ lúa đông xuân và nước sinh hoạt cho đô thị, nông thôn.
"Nhờ chủ động, đến nay tỉnh chưa ghi nhận thiệt hại về sản xuất do hạn, mặn gây ra" - ông Dũng thông tin.
Còn tại Long An, ông Nguyễn Thanh Truyền - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh - cho biết từ giữa năm 2020 tỉnh đã nạo vét kênh, cải tạo hệ thống trạm bơm để trữ nước. Đến thời điểm hiện nay, hệ thống nước đảm bảo cho sản xuất và sinh hoạt của bà con.
"Vùng Tân Trụ, Thủ Thừa sẽ không bị ảnh hưởng. Còn các vùng phía nam của tỉnh có thay đổi cơ cấu cây trồng, gieo sạ sớm hơn nên không ảnh hưởng bởi hạn mặn" - ông Truyền nói.
Khả năng có mưa trái mùa
Theo ông Nguyễn Kiệt - trưởng phòng dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, từ ngày 5 đến 24-1 phía Trung Quốc cho bảo trì đập hồ chứa Cảnh Hồng và giảm lưu lượng xả ở mức 1.000m3/s.
Do đó từ nửa cuối tháng 1 đến cuối tháng 2, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong (tại trạm Kratie, Campuchia) về Đồng bằng sông Cửu Long có thể thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 5 - 15%.
Các đợt xâm nhập mặn cao nhất ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 2, từ ngày 10 đến 15-2, từ 26-2 đến 2-3. Riêng các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn hạn mặn đạt đỉnh vào tháng 3, 4, sau đó giảm dần.
Phạm vi xâm nhập mặn (4g/l) ở các cửa sông tại Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 55 - 75km, trên các sông Vàm Cỏ 80 - 95km, sông Cái Lớn 45 - 52km.
Tuy nhiên, cũng theo ông Kiệt, qua theo dõi dự báo của các cơ quan dự báo quốc tế cho thấy trong những tháng mùa khô năm nay, khả năng có nhiều cơn mưa trái mùa tại miền Nam. Mưa có thể sẽ mang lại lượng nước mặt, góp phần hỗ trợ "giải khát" cho Đồng bằng sông Cửu Long.
Dù vậy, ông Kiệt khuyến cáo không thể trông chờ vào "may mắn" từ trời, mà cơ quan chức năng tại các địa phương miền Tây cần có khuyến cáo người dân tích trữ nước để sử dụng trong mùa khô.
"Về giải pháp lâu dài, cần quy hoạch hệ thống đưa nước ngọt từ sông Tiền (vùng trên Mỹ Thuận - nơi không nhiễm mặn) về các khu vực nhiễm mặn để súc rửa vào mùa hạn mặn. Bởi giải pháp đắp đê ngăn mặn tuy có hiệu quả nhưng không thể triệt để vì ngoài xâm nhập mặn hệ thống nước mặt, nước mặn cũng thấm vào hệ thống nước ngầm" - ông Kiệt hiến kế.
LÊ PHAN
TTO - Phải có quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL để có tầm nhìn dài hạn hơn chứ không thể nóng đâu phủi đó, đối phó từng năm - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh khi làm việc với các địa phương ĐBSCL ngày 23-9.
Xem thêm: mth.60935047012201202-nam-nah-gnohc-yat-nax-yat-neim/nv.ertiout