Khi thị trường vàng trong cảnh ốc đảo, biến động giá giá thường bất lợi cho người mua, vì chẳng ai biết cung - cầu thật sự của vàng thế nào - Ảnh tư liệu: TTO
Ngày tết và sau khi khai trương nhiều người chúc nhau phát tài nhưng tránh nói chuyện làm ăn vì nhiều thứ không như mong muốn, phía trước còn nhiều khó khăn nào là sợ bất ngờ thành F1, F2, rồi khi nào hết dịch...
Người ta ít bàn về bất động sản, vốn thắng lớn ở vài năm trước, chẳng mấy ai còn nhắc đến vàng hay đôla, dù hai loại này giá cả đang bất thường. Nhưng gần đến mùng 10, vàng lại được truyền thông phản ánh chộn rộn như một "ngày mua... vàng".
Thật ra, hàng chục năm trước chẳng mấy ai biết đến "ngày mua vàng" sau tết. Khi đó, tất cả đều lo lắng đồng tiền mất giá, mua vàng chủ yếu là để giữ của.
Sau này, cuộc sống đã thay đổi, tiền tệ ổn định. Rồi không còn được kinh doanh vàng miếng, doanh nghiệp vàng với kỹ thuật chế tác hiện đại cho ra đời nhiều sản phẩm bắt mắt cùng công nghệ bán hàng của mình, họ đã biến mùng 10 thành "ngày mua vàng".
Nhưng sau "ngày mua vàng", báo chí cũng phản ánh là người mua thường bị... lỗ. Nhiều người xuề xòa, mua điều may mắn, không thể tính lời lỗ.
Thật ra ngày nay chuyện mua vàng "mẻ vốn" thường diễn ra mà giới chuyên gia gọi là rủi ro cho người mua vàng. Như mấy ngày trước và sau tết, báo chí nói nhiều đến chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới có lúc lên đến 7 triệu đồng/lượng. Rồi giá vàng thế giới lao dốc nhưng giá vàng trong nước vẫn neo ở mức cao...
So sánh thế thôi, chứ thật ra vàng trong nước giờ đây như ốc đảo, không còn "hội nhập" với thế giới như trước. Không thấy Nhà nước cho nhập vàng. Trước đây, vàng trong nước cao hơn thế giới tiền triệu là đã cho nhập vàng. Nay giá cao hơn 5 thậm chí 7 triệu đồng/lượng cũng mặc.
Phải thôi, ngoại tệ rất quý, cần cho phát triển đất nước, phải chi ra hàng trăm triệu đôla nhập vàng về cho dân cất giữ, chẳng có lợi gì.
Khi thị trường vàng trong cảnh ốc đảo, biến động giá giá thường bất lợi cho người mua, vì chẳng ai biết cung - cầu thật sự của vàng thế nào. Việt Nam phải nhập khẩu nhưng hiện vàng nhập chỉ về qua đường buôn lậu. Không hợp pháp cũng chẳng minh bạch, bên bán nắm đằng cán, người mua lầm chứ người bán chẳng bao giờ lầm là chuyện thường ngày của thị trường vàng.
Cũng may, người dân bây giờ không như trước có chút gì tích lũy cũng chuyển thành vàng. Đa số họ chọn gửi tiết kiệm, mua ít đất, chứng khoán hay bỏ vốn hùn hạp làm ăn. Ngay thói quen mua đôla lận túi cũng không được chuộng.
Người dân vẫn mua vàng nhưng là vàng trang sức hoặc mua vàng cầu may sau tết nên không quá nặng nề chuyện lời lỗ. Nếu người mua vàng một ngày nào đó bán được giá hơn, chẳng qua là gặp may.
Cuộc sống đã thay đổi. Ngày nào thứ gì cũng tính bằng chỉ, cây, nay ngay nhà đất cũng định giá bằng tiền. Đọc báo, xem truyền hình vẫn nói về vàng. Nghe giá vàng lên, cũng tấm tắc, biết vậy mua vàng. Nói vậy chứ chẳng mấy ai bỏ tiền ôm vàng về cất.
Những ngày giá nóng sốt, lượng vàng giao dịch cũng chỉ vài ngàn lượng, bằng số lẻ của doanh số hằng ngày trên thị trường chứng khoán.
Vì vậy, nếu không có thay đổi chính sách quản lý vàng, thị trường vàng trong nước vẫn là ốc đảo. Và tâm lý chung của mọi người mua vàng cũng có dáng dấp mục tiêu kép: trước là làm đẹp/cầu may, sau bán lại cũng vớt vát chút tiền!
Lúc này vàng không còn được chọn là kênh đầu tư, nhận định này xem ra cũng có lý!
TTO - Giá vàng thế giới tăng trở lại 14 USD/ounce vào hôm nay, 20-2 và kết thúc tuần giao dịch ở mức 1.784,6 USD/ounce. Chênh lệch giá vàng trong nước - thế giới đã về dưới mức 7 triệu đồng/lượng, nhưng vẫn quá cao so với thời điểm thông thường.
Xem thêm: mth.7243959012201202-gnav-oad-co/nv.ertiout