vĐồng tin tức tài chính 365

Tại sao dịch vụ đòi nợ bị cấm theo Luật Đầu tư 2020?

2021-02-21 12:03

Tại sao dịch vụ đòi nợ bị cấm theo Luật Đầu tư 2020?

Nguyễn Công Phú (*)

(TBKTSG Online) - Từ một ngành, nghề vô hại, dịch vụ đòi nợ đã trở thành một ngành, nghề bị cấm do đã bị nhiều người lợi dụng để tiến hành các hoạt động phi pháp mà các cơ quan quản lý và cơ quan tư pháp không có cách nào khác để ngăn chặn.

Sau quá trình thu thập ý kiến và thảo luận tại Quốc hội, Luật Đầu tư năm 2020 (LĐT 2020) đã được Quốc hội thông qua, trong đó đã bổ sung một ngành, nghề vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Đó là ngành, nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ (thường được gọi là “đòi nợ thuê”).

Từ đòi nợ thuê thành cưỡng đoạt tài sản

Việc xác định ngành, nghề đầu tư kinh doanh bị cấm luôn là vấn đề được các nhà đầu tư trong cũng như ngoài nước quan tâm. Trước khi LĐT 2020 được thông qua, đã có nhiều ý kiến trái chiều giữa các chuyên gia và cả trong các đại biểu Quốc hội về việc có nên cấm ngành, nghề đầu tư kinh doanh này hay không, do quan điểm đánh giá tác động của nó đối với xã hội chưa đạt được sự thống nhất.

Thật ra, hầu như ai cũng hiểu rằng bản thân dịch vụ đòi nợ thuê không gây nguy hại cho xã hội nhưng điều mà nhiều người lo lắng chính là sự biến tướng của nó, hay nói một cách chính xác là sự lợi dụng việc đăng ký kinh doanh ngành, nghề này để tiến hành các hoạt động đòi nợ bằng các biện pháp trái pháp luật, mà trong đó nguy hại và phổ biến nhất là hành vi cưỡng đoạt tài sản của người bị cho là mắc nợ.

Trong thực tế đã xuất hiện nhiều tổ chức, cá nhân hành nghề dịch vụ đòi nợ thuê không hiểu hoặc cố ý không hiểu hai nguyên tắc cơ bản mà pháp luật đã quy định đối với các tổ chức, cá nhân khi giải quyết nợ, tức là giải quyết mối quan hệ quyền và nghĩa vụ tài sản với nhau.

Nguyên tắc thứ nhất, để giải quyết nợ, vấn đề cần phải giải quyết trước tiên là xác định khoản nợ, tức là xác định nghĩa vụ tài sản của một bên đối với bên kia. Trường hợp các bên liên quan không thống nhất ý kiến hoặc thống nhất ý kiến nhưng không thực hiện nghĩa vụ trả nợ, tức là đã phát sinh tranh chấp, thì vụ việc phải được đưa ra tòa án hoặc trọng tài để phân xử. Tuy nhiên, trong thực tiễn, nhiều chủ nợ và người đòi nợ thuê đã làm thay tòa án, trọng tài.

Nguyên tắc thứ hai, trường hợp đã xác định được nghĩa vụ trả nợ theo quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án hoặc phán quyết của trọng tài mà người mắc nợ vẫn không tự giác thi hành nghĩa vụ thì chủ nợ muốn thu hồi nợ phải có đơn yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền tiến hành thủ tục cưỡng chế thi hành án. Đáng tiếc là trong thực tiễn, nhiều chủ nợ và người đòi nợ thuê đã làm thay cơ quan thi hành án.

Và tất nhiên, một tổ chức, cá nhân không có chức năng hoặc thẩm quyền cưỡng chế mà lại áp dụng các biện pháp cưỡng bức người khác thực hiện nghĩa vụ tài sản thì hành động đó sẽ bị coi là hành vi cưỡng đọat hoặc cướp tài sản của người khác, tội danh được quy định trong Bộ luật Hình sự.

Khó chế tài dịch vụ đòi nợ thuê biến tướng

Vấn đề đặt ra ở đây là vì sao luật đã có chế tài hình sự đối với hoạt động cưỡng đọat tài sản núp bóng hoạt động đòi nợ thuê mà hiện tượng núp bóng đó vẫn ngang nhiên xảy ra ở nhiều nơi, đe dọa trật tư an toàn xã hội và Quốc hội không còn cách nào khác là phải chấp thuận bổ sung ngành, nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh quy định tại Điều 6 của LĐT 2020. Có phải vì chế tài hình sự chưa đủ sức răn đe hay việc phát hiện và xử lý hành vi phạm pháp này có gặp những khó khăn nào đó?

Theo tìm hiểu của cá nhân tác giả thì có lẽ không phải do luật không có chế tài hoặc chế tài không đủ mạnh mà là do các tổ chức, cá nhân hành nghề dịch vụ đòi nợ thuê chuyên nghiệp thường có đủ kinh nghiệm sử dụng những biện pháp đủ mạnh bạo để uy hiếp tinh thần của người bị cho là “con nợ”, buộc họ hoặc người thân của họ phải giao tài sản ngoài ý muốn của mình nhưng cũng đủ tinh vi để các cơ quan tố tụng không đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đọat tài sản.

Mặt khác, chế tài hành chính cũng không thể áp dụng ở đây vì hoạt động dịch vụ của họ được đăng ký kinh doanh hợp pháp. Thêm vào đó là tâm lý e ngại của người mắc nợ, họ ít khi dám tố giác hành vi cưỡng đoạt tài sản của các tổ chức, cá nhân hành nghề dịch vụ đòi nơ thuê do lo sợ bị trả thù.

Có lẽ vì những khó khăn nói trên mà các cơ quan quản lý đã buộc phải đề xuất và Quốc hội đã chấp thuận thông qua giải pháp cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ bằng LĐT 2020, một giải pháp được cho là hiệu quả nhất hiện nay để ngăn chặn, hạn chế tình trạng hoạt động cưỡng đọat tài sản núp bóng hoạt động đòi nợ thuê.

Như vậy là từ một ngành, nghề vô hại, dịch vụ đòi nợ đã trở thành một ngành, nghề bị cấm do đã bị nhiều người lợi dụng để tiến hành các hoạt động phi pháp mà các cơ quan quản lý và cơ quan tư pháp không có cách nào khác để ngăn chặn.

(*) Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Nguyên Phó Chánh tòa Kinh tế TAND TPHCM.

Xem thêm: lmth.0202-ut-uad-taul-oeht-mac-ib-on-iod-uv-hcid-oas-iat/398313/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Tại sao dịch vụ đòi nợ bị cấm theo Luật Đầu tư 2020?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools