Do khó khăn trong vận chuyển hàng hóa, nông sản giữa dịch COVID-19, nông dân nhiều vùng ở Hải Dương đứng trước nguy cơ thiệt hại cả trăm tỉ đồng...
Sáng 21.2, thông tin với Lao Động, ông Phạm Thanh Hải - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương - cho biết, trên thực tế, hầu hết các chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tại cửa ngõ ra vào địa bàn các tỉnh, thành phố lân cận đều hạn chế xe hàng hoá ra vào Hải Dương. Nhiều xe hàng phải nằm chờ rất lâu, sau đó vẫn buộc phải quay đầu... dẫn đến việc vận chuyển hàng hóa bị gián đoạn, ách tắc; nông sản bị hư hỏng, vứt bỏ, vật nuôi, con giống bị quá hạn xuất chuồng - nhưng không vận chuyển thức ăn đến để tiếp tục duy trì nuôi sống đàn, nguyên liệu, vật tư phục vụ sản xuất không có để công nhân làm; hàng xuất khẩu đến bạn phải giao hàng nhưng không đưa xuống cảng được...; gây thiệt hại rất lớn, tác động lâu dài đến sản xuất, kinh doanh và đời sống dân sinh.
Tính đến ngày 19.2, Hải Dương còn khoảng 90.000 tấn rau màu vụ đông cần tiêu thụ, chủ yếu là hành, tỏi, cà rốt, rau ăn lá. Diện tích cà rốt đang thu hoạch khoảng 500ha, trồng tập trung tại Cẩm Giàng, Nam Sách, Chí Linh và TP.Hải Dương, với sản lượng 30.000 tấn. Trong đó, 90% sản lượng cà rốt đã có đầu mối thu mua phục vụ xuất khẩu.
Đối với các loại như su hào, bắp cải, diện tích đang thu hoạch còn khoảng 200ha, sản lượng 7.000 tấn (5.000 tấn đã đến thời điểm thu hoạch).
Theo báo cáo ngày 20.2.2021 của UBND xã Đức Chính (Cẩm Giàng, Hải Dương), tổng diện tích trồng cà rốt vụ đông (trên địa bàn xã và người dân đi thuê đất ở địa phương khác) là hơn 1.100 ha với sản lượng 66.000 tấn. Đến thời điểm ngày 20.2, nhân dân thu hoạch gần 300ha, còn hơn 800 ha đã đến kỳ thu hoạch.
Tuy nhiên, do địa phương đang thực hiện cách ly do dịch COVID-19 nên từ 20.2, xe vận chuyển nông sản trong đó có cà rốt từ các địa phương khác về xã Đức Chính để sơ chế, đóng gói và xe container vào địa phương để nhập hàng vận chuyểnđưa đi tiêu thụ khó khăn trong lưu thông. Trong khi đó, toàn bộ diện tích cà rốt còn lại nếu không được tiếp tục thu hoạch sẽ hỏng ngay trên ruộng, gây thiệt hại rất lớn cho nông dân (ước tính thiệt hại gần 250 tỉ đồng).
Trước tình hình trên, ngày 19.2.2021, Sở Công Thương Hải Dương cũng đã có văn bản số 279/SCT-QLTM gửi Bộ Công thương để kiến nghị triển khai các biện pháp để hỗ trợ, tạo điều kiện cho lưu thông hàng hoá. Theo đó, Sở Công Thương Hải Dương đề nghị Bộ Công Thương có ý kiến với Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, báo cáo Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước xem xét, thống nhất cách áp dụng các biện pháp an toàn phòng dịch cho người, phương tiện và hàng hóa; xác định rõ các điều kiện để cho phương tiện vận chuyển hàng hóa được lưu thông thuận tiện qua địa bàn các tỉnh nói chung, cũng như trong vùng có dịch nói riêng. Cần xem xét đưa ra những điều kiện tạm thời (giải pháp mang tính tình thế) như: Áp dụng 5K, mặc quần áo bảo hộ y tế, sát khuẩn xe và đảm bảo các điều kiện phòng dịch khác..., để tạo điều kiện cho các xe lưu thông trong ngắn hạn (1-2 ngày); trước khi đưa ra các điều kiện chung áp dụng trong dài hạn để các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị.
Xem thêm: odl.061288-cat-nu-nas-gnon-iv-gnod-it-mart-gnah-iah-teiht-gnoud-iah-nad-gnon/gnourt-iht/nv.gnodoal