vĐồng tin tức tài chính 365

Kỳ tích xuất siêu mở ra vị thế mới của Việt Nam

2021-02-22 06:31

“Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 song Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng ổn định trong hoạt động xuất nhập khẩu với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm thứ hai liên tiếp đạt mức trên 500 tỉ USD.

Chỉ tính riêng hoạt động xuất khẩu, với giá trị 281,5 tỉ USD, tăng 6,5% so với năm 2019, Việt Nam đã vượt lên là một trong những nền kinh tế có tốc độ xuất khẩu cao nhất trên thế giới trong bối cảnh đại dịch COVID-19; xuất siêu ở mức cao kỷ lục hơn 19 tỉ USD, qua đó ghi nhận năm năm liên tiếp thặng dư cán cân thương mại”.

Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công Thương, đã chia sẻ như trên với Pháp Luật TP.HCM nhân dịp đầu xuân Tân Sửu 2021.

Kỳ tích xuất siêu mở ra vị thế mới của Việt Nam - ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại lễ ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) ngày 15-11-2020. Ảnh: VGP

Củng cố và ổn định thế đứng của Việt Nam

. Phóng viên: Một trong những dấu ấn nổi bật của Bộ Công Thương trong nhiệm kỳ 2016-2020 là tăng trưởng hoạt động xuất nhập khẩu, tỉ lệ xuất siêu năm sau đều cao hơn năm trước. Để đạt được kết quả này hẳn không phải là điều dễ dàng, thưa ông?

+ Ông Trần Tuấn Anh: Giai đoạn 2016-2020 chứng kiến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu luôn ở mức rất cao và thậm chí là ở mức kỷ lục. Có những năm xuất khẩu tăng trưởng tới trên 20%-22%. Đó là con số có thể đủ sức gây ấn tượng với bất kỳ nhà kinh tế, doanh nghiệp (DN) nào trên thế giới.

Đặc biệt trong bối cảnh giai đoạn 2016-2020, tình hình thế giới phức tạp của chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ. Giai đoạn này cũng chứng kiến các liên kết của khu vực kinh tế liên tục được hình thành và một phần đóng góp vào việc tiếp tục củng cố, phát triển hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ; đồng thời cũng cho thấy xu thế co cụm và liên kết giữa các nền kinh tế khu vực thương mại đối với các chủ thể đó. Việt Nam sẽ rất dễ bị bỏ rơi nếu như không có chiến lược, không có kế hoạch và những quyết sách, biện pháp quyết liệt.

Bởi vậy, có thể nói xuất nhập khẩu của giai đoạn 2016-2020 được gắn chặt và được đặt trong một nền tảng của chiến lược hội nhập của chúng ta. Và chúng ta đã làm tốt nhiệm vụ mở cửa hội nhập mang tính chủ động, sâu rộng trong kinh tế và thương mại để làm nền tảng, thực hiện thành công chiến lược hội nhập mà Đảng đã đề ra. Từ đó chúng ta mới có vị thế, có cơ đồ như lời Tổng bí thư đã nói.

. Nhiều ý kiến đánh giá chưa có nhiệm kỳ nào mà chúng ta ký và triển khai được nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn như nhiệm kỳ này. Các FTA có ý nghĩa như thế nào đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua, thưa ông?

+ Giai đoạn 2016-2020 đã chứng kiến những nỗ lực bật lên của Việt Nam trong tiếp cận và mở cửa thị trường, đặc biệt là thị trường mà chúng ta đã có được thông qua các hiệp định như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do  giữa Việt Nam và Liên minh châu âu (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA)...

Tôi nhớ vào năm 2016, xuất khẩu của chúng ta mới chiếm tỉ trọng khoảng 80,7% GDP nhưng đến năm 2019, con số này đã là 107% GDP và chắc chắn sẽ tiếp tục đà tăng trưởng trên 100%. Quan trọng nhất là việc mở cửa thị trường liên tục và sôi động như vậy thì chúng ta đã tạo điều kiện cho quy mô của nền kinh tế, năng lực sản xuất của các ngành kinh tế của chúng ta được mở rộng liên tục. Cùng với đó là năng lực cạnh tranh của sản phẩm và của nền kinh tế được tiếp tục cải thiện.

Tôi lấy ví dụ, năm 2016 chúng ta chỉ có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD/năm. Đến nay, chúng ta đã có 31 sản phẩm có quy mô xuất khẩu trên 1 tỉ USD. Trước kia cơ cấu sản phẩm xuất khẩu của chúng ta phụ thuộc chủ yếu vào các sản phẩm thô nhưng nay chúng ta thấy trong tốp 10 các sản phẩm xuất khẩu thì gần như toàn bộ là sản phẩm của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo...

Những FTA này còn giúp chúng ta củng cố và ổn định thế đứng của Việt Nam khi mà 15/20 đối tác trong G20 đều có FTA với Việt Nam.

Mục tiêu trong chiến lược xuất nhập khẩu phấn đấu tới năm 2020 sẽ cân bằng cán cân xuất nhập khẩu. Nhưng ngay từ năm 2016, chúng ta đã xuất siêu và điều rất đáng mừng là xu thế xuất siêu này tiếp tục được duy trì ổn định liên tục năm năm liền.

Kỳ tích xuất siêu mở ra vị thế mới của Việt Nam - ảnh 2
Xuất siêu của Việt Nam liên tục tăng trong các năm từ 2016 đến 2020.
Đồ họa: TRẦN HOAN

Ấn tượng với con số xuất siêu năm 2020

. Và dấu ấn đó được thể hiện rất mạnh mẽ trong năm 2020, thưa ông…

+ Đúng vậy, như tôi đã nói năm 2020 là năm vô cùng khó khăn của hoạt động thương mại quốc tế, phần lớn các quốc gia đều tăng trưởng âm trong xuất nhập khẩu, riêng chúng ta tăng trưởng dương và đạt con số kỷ lục về xuất siêu.

Lần đầu tiên xuất siêu của chúng ta đã vượt lên con số hơn 19 tỉ USD. Đây quả thực là một con số vô cùng ấn tượng khi nhớ lại năm năm trước và trở về giai đoạn trước, chúng ta triền miên trong nhập siêu. Việc nhập siêu ở mức độ lớn chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro và những nguy cơ mất ổn định vĩ mô, kinh tế thương mại cũng như các khía cạnh khác phát triển của đất nước. Tất nhiên, đằng sau các con số đó còn nhiều vấn đề mà các nhà kinh tế và cộng đồng DN có thể tìm hiểu, phân tích ở nhiều khía cạnh nhưng rõ ràng nó có giá trị rất lớn cho chúng ta trong việc đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

Chúng ta rất tự hào khi Việt Nam là quốc gia đứng thứ 22 trên thế giới xét về kim ngạch xuất khẩu và năng lực xuất khẩu đứng thứ 26 trong quy mô của thương mại quốc tế. Đó là những nỗ lực không ngừng nghỉ, đã mang đến những giá trị, kết quả rất ấn tượng của Việt Nam.

. Cùng với việc kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh thì số lượng các vụ việc điều tra thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng lên, ông đã chịu những áp lực gì? 

+ Những câu chuyện mà các vụ kiện tranh chấp thương mại dưới hình thức thuế chống bán phá giá, rồi điều tra chống bán phá giá, điều tra chống trợ cấp, thậm chí kể cả tự vệ đã trở thành những hiện tượng rất phổ biến trong quan hệ thương mại quốc tế của Việt Nam với các đối tác, nhất là khi chúng ta tham gia rất nhiều FTA. Tôi còn chưa kể đến câu chuyện gian lận thương mại dẫn đến nguy cơ trừng phạt thương mại trong quan hệ với các đối tác thương mại quốc tế.

Chúng ta đã tiến một bước rất dài và có thể nói là rất ổn định trên con đường này. Điều đó được thể hiện không phải chỉ qua số lượng vụ kiện tranh chấp thương mại mà chúng ta xử lý thành công, mà vấn đề là các DN Việt Nam đã hiểu biết được cơ bản về các vấn đề này. Các hiệp hội đã tham gia sâu hơn, có hiệu quả hơn trong phối hợp và xử lý để bảo vệ những lợi ích cho các DN của mình. Chúng ta đã có kinh nghiệm, bài học, đã có thành công và thắng lợi trong các vụ kiện tranh chấp, kể cả dưới góc độ của Chính phủ đối với các đối tác bên ngoài.

Tôi nhớ lại vụ kiện tôm của WTO, một số DN của ta khi bị Mỹ đánh thuế trừng phạt. Chúng ta đã đưa vụ kiện ra WTO và đã đạt được những kết quả rất tích cực. Đây là một yếu tố rất quan trọng.

Với bối cảnh hội nhập thương mại quốc tế, bất kể DN nào, dù lớn hay nhỏ, trong lĩnh vực nào, dù trong nước, nước ngoài đều có thể trở thành những đối tượng của những vụ kiện tranh chấp thương mại. Nếu như chúng ta không có chuẩn bị trước và không phổ biến, tuyên truyền cho cộng đồng DN những thông tin liên quan đến các vụ tranh chấp thương mại thì đây là một điều thiệt thòi đối với DN.

Chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày hôm nay.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước NGUYỄN PHÚ TRỌNG

Năm 2016: Xuất khẩu chiếm tỉ trọng 80,7% GDP

Năm 2019:  Xuất khẩu chiếm tỉ trọng 107% GDP

Quyết tâm đổi mới, sáng tạo và hành động

. Có những chuyên gia kinh tế, bản thân Thủ tướng cũng từng nói là với các FTA mà chúng ta vừa đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua như đã mở ra những con đường lớn. Bộ trưởng có kỳ vọng gì sắp tới?

+ Điều này rất đúng. Trước đó, Thủ tướng đã dự buổi lễ ký kết FTA giữa Việt Nam-EU, Thủ tướng nói “con đường cao tốc đã được mở ra”. Vấn đề là bây giờ chúng ta phải làm gì để cho tất cả phương tiện đều có thể tiếp cận và di chuyển trên hệ thống xa lộ này. Một ví dụ rất nôm na, rất hình ảnh nhưng tôi cho rằng rất đầy đủ.

Bởi, để mà di chuyển trên hệ thống xa lộ và đường cao tốc này chúng ta cần phải có hệ thống biển báo hướng dẫn, quy định để tổ chức vận hành cho các luồng giao thông. Chúng ta phải có hệ thống hạ tầng, đường lối dẫn để chúng ta kết nối với hệ thống giao thông trên đó. Chúng ta phải có sự đào tạo để cho những chủ thể khai thác tốt, khai thác sớm xa lộ cao tốc.

Vậy thì Chính phủ yêu cầu, Chính phủ chỉ đạo, Chính phủ đòi hỏi chúng ta phải thực thi, nội luật hóa các cam kết hội nhập, chúng ta đã cam kết rồi thì chúng ta phải tổ chức xây dựng, hoàn thiện hệ thống khuôn khổ luật pháp và những điều đó đều hướng tới sự phát triển mang tính văn minh, tiến bộ của đất nước, của xã hội, của nền kinh tế. 

Thứ ba là hội nhập mang lại tất cả cơ hội nhưng cũng có những thách thức. Vì vậy, chúng ta phải có các kế hoạch để thực hiện và cụ thể những đề án, nhất là trong tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và tổ chức lại theo quan điểm, cách tiếp cận mới của chuỗi cung ứng trong bối cảnh chúng ta có dư địa, có không gian rộng lớn của hội nhập.

Chắc chắn còn một nhiệm vụ cũng rất quan trọng, đó là tiếp tục thực hiện các cải cách, hoàn thiện về thể chế pháp luật, nhất là theo môi trường kiến tạo và đặc biệt phải hướng vào người dân, DN, lấy người dân, DN làm mục tiêu.

Tinh thần là quyết tâm đổi mới sáng tạo, quyết liệt hành động, trách nhiệm, hiệu quả trong chỉ đạo điều hành. Lấy phát triển của DN làm mục tiêu và là trọng tâm cho hoạt động của ngành công thương. Các cơ chế, chính sách, chương trình hoạt động của các cơ quan, đơn vị trong ngành công thương phải lấy hiệu quả, sự hài lòng của DN và người dân làm thước đo của quá trình đổi mới và tái cơ cấu.

. Xin cám ơn ông.

Hai vấn đề còn day dứt, chưa hài lòng

 . Nếu nhìn lại cả nhiệm kỳ vừa qua, ông cảm thấy chưa hài lòng điều gì?

+ Ông Trần Tuấn Anh: Đây là một câu hỏi khó. Vì cá nhân tôi cùng các đồng nghiệp tại bộ, tại ngành công thương cũng như trong Chính phủ sẽ vẫn còn cảm thấy chưa hài lòng. Nếu phải lựa chọn thì tôi có hai lựa chọn. Một là mặc dù chúng ta đã rất quyết liệt và tương đối đồng bộ nhưng chúng ta vẫn chưa làm hết, chưa đáp ứng được hết các yêu cầu. Đây vẫn còn có những vấn đề trong sự phối hợp, trong sự đồng bộ giữa các cơ quan chủ thể, nhất là giữa các bộ, ngành các cơ quan chính phủ, hoặc trong các đánh giá tiếp cận vấn đề.

Vấn đề thứ hai mà tôi thấy đáng tiếc và day dứt đó là câu chuyện về tổ chức, phổ biến pháp luật, tuyên truyền, hướng dẫn để hỗ trợ DN, để làm sao DN có thái độ tích cực và chủ động hơn trong bối cảnh của môi trường hội nhập. Chúng ta đã có rất nhiều hiệp định thương mại tự do, thử hỏi trong cộng đồng DN, nhất là khối DNNVV có bao nhiêu DN thực sự hiểu rõ và sẵn sàng cho môi trường hội nhập. Bao nhiêu DN hiểu thấu đáo, hiểu được và nắm được những thách thức, cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do để chủ động trong chiến lược và kế hoạch đầu tư sản xuất, kinh doanh. Việc này còn rất hạn chế, chính vì vậy chúng ta vẫn bị động…, nguyên nhân thì còn nhiều nhưng Bộ Công Thương sẽ rút kinh nghiệm để làm tốt hơn nữa.

Chưa kể đến môi trường kinh doanh, cách mạng 4.0, bối cảnh mới của nền kinh tế số, bối cảnh chuyển trạng thái đón đợi những cơ hội. Tôi nói những day dứt ở đây không phải chỉ để xót xa mà là để chúng ta hướng đến những hành động cụ thể sẽ phải thực hiện trong thời gian tới đây.


Ý KIẾN CHUYÊN GIA

Ông TRƯƠNG ĐÌNH HÒE, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP):

Kỳ tích xuất siêu mở ra vị thế mới của Việt Nam - ảnh 3
 

Tập trung khơi dậy tiềm lực từ thị trường châu Âu

Các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ tạo ra những thay đổi đáng kể vì mở ra thị trường tiêu thụ rộng lớn với nhiều ưu đãi. Trong ngành thủy sản, chúng tôi sẽ tập trung khơi dậy tiềm lực ở thị trường châu Âu, là thị trường mà chúng ta đang đặt ra mục tiêu phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỉ USD. Nếu chinh phục được thị trường châu Âu thì chắc chắn các thị trường khác chúng ta cũng chinh phục thành công.

Vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp cần tập trung đầu tư vào xây dựng một liên kết chuỗi bài bản, đảm bảo khả năng xuất khẩu ổn định, lâu dài.

Trong năm 2021, tôi cho rằng thị trường của thủy sản Việt Nam vẫn ổn định. Các thị trường chính của thủy sản Việt Nam trong năm nay sẽ vẫn là các thị trường truyền thống như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc... Tăng trưởng của các thị trường này sẽ cao hơn năm 2020 khi tình hình dịch bệnh đang có dấu hiệu ổn hơn.

Ông VŨ ĐỨC GIANG, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS):

Kỳ tích xuất siêu mở ra vị thế mới của Việt Nam - ảnh 4
 

Tăng cường liên kết sản xuất theo mô hình chuỗi cung ứng khép kín

Đại dịch COVID-19 đã chỉ ra một điều rằng ngành dệt may Việt Nam đang phụ thuộc quá lớn vào bên ngoài, đó là các bên trung gian, các nhà sản xuất nguyên phụ liệu. Cuộc chơi này chúng ta tham gia nhưng chưa thể nắm hoàn toàn trong tay. Để xoay chuyển cục diện, không còn cách nào khác là chúng ta cần liên kết sản xuất theo mô hình chuỗi cung ứng khép kín.

Việc liên kết sản xuất theo mô hình chuỗi cung ứng khép kín cũng giúp ngành dệt may Việt Nam phát huy lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định EVFTA, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA)… Riêng với Hiệp định EVFTA, để được hưởng ưu đãi thuế quan thì nguyên liệu vải sẽ phải được sản xuất trong nước. Như vậy, việc tạo liên kết chuỗi giá trị dệt may, nắm giữ các khâu trong phân khúc sản xuất nguyên phụ liệu sẽ là chiến lược dài hạn để duy trì và nâng cao lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu hàng may mặc.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam cam kết là “người se duyên” cho các doanh nghiệp trong các khu vực sợi - dệt - nhuộm liên kết với nhau. Như một bó đũa, chúng ta sẽ không thể bị bẻ gãy và nhất quyết không bỏ lỡ cơ hội.

PGS-TS ĐINH TRỌNG THỊNH, chuyên gia kinh tế - tài chính cấp cao Học viện Tài chính:

Kỳ tích xuất siêu mở ra vị thế mới của Việt Nam - ảnh 5
 

Dự báo kinh tế Việt Nam vẫn phát triển mạnh trong năm 2021

Năm 2021, nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Lý do là Việt Nam đã triển khai quyết liệt việc phòng chống và kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19.

Các doanh nghiệp Việt Nam cũng thích ứng nhanh chóng với trạng thái kinh tế mới. Cơ cấu nền kinh tế đã có những chuyển biến đáng kể từ phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu, năng suất lao động tăng đáng kể; việc cải cách hành chính, cắt giảm các điều kiện kinh doanh đã góp phần tiết giảm chi phí sản xuất, kinh doanh và các chi phí tiếp cận cho các doanh nghiệp.

Cùng với những yếu tố trên, việc hội nhập mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam với nền kinh tế thế giới thông qua việc ký kết các hiệp định thương mại tự do như RCEP (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực), EVFTA, UKVFTA… giúp các doanh nghiệp Việt Nam được hưởng các ưu đãi thuế, mở ra nhiều thị trường xuất khẩu mới.

Dự báo trong năm 2021, nếu dịch bệnh được khống chế sớm, kinh tế thế giới phục hồi tốt, kinh tế Việt Nam tận dụng tốt các cơ hội, nắm bắt và thích ứng với các hiệp định thương mại tự do và những thay đổi lớn trong nền kinh tế thế giới thì mức tăng trưởng có thể nằm trong khoảng 6,8%-7,4%.

Trường hợp dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới phục hồi chậm, nền kinh tế Việt Nam vẫn có thể tăng trưởng mức 6%-6,7%.

Xem thêm: lmth.624869-man-teiv-auc-iom-eht-iv-ar-om-ueis-taux-hcit-yk/us-ioht/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Kỳ tích xuất siêu mở ra vị thế mới của Việt Nam”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools