Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Hải Dương, hiện toàn tỉnh còn khoảng 4.000 ha rau vụ đông đang đến thời điểm thu hoạch với sản lượng ước khoảng hơn 90.000 tấn. Trong đó có trên 55.000 tấn hành củ, khoảng gần 50.000 tấn cà rốt, 8.000 tấn rau bắp cải, su hào, súp lơ, rau ăn lá các loại…
Nhiều nơi "đóng cửa", không cho xe hàng của Hải Dương đi qua
Chỉ tính riêng cà rốt, còn đến 808 ha mà người dân xã Đức Chính (huyện Cẩm Giàng) canh tác đến thời kỳ thu hoạch với tổng sản lượng trên 48.000 tấn, trong đó 245 ha trồng tại xã có sản lượng khoảng 14.700 tấn và 563 ha do người dân thuê đất ở các tỉnh Bắc Ninh, Thái Bình, TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn, huyện Nam Sách... ước khoảng 33.750 tấn. Ông Trần Văn Quân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, cho hay số cà rốt trồng ngoài địa bàn xã Đức Chính trước khi đưa đi tiêu thụ, xuất khẩu đều phải đưa về xã sơ chế. Do toàn tỉnh đang phải cách ly xã hội, huyện Cẩm Giàng thực hiện phong tỏa nên việc vận chuyển cà rốt từ các địa phương khác về Đức Chính và từ Đức Chính ra cảng ở Hải Phòng để xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Khoảng 50% sản lượng cà rốt của xã Đức Chính được xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Trung Đông và một số nước châu Âu. Thế nhưng, dịch bệnh đã khiến nhiều địa phương tạm dừng không cho các xe vận chuyển nông sản (gồm cả xe chở cà rốt) về Đức Chính sơ chế, đóng gói, đưa đi tiêu thụ.
Theo người dân địa phương, vào đầu vụ, cà rốt có giá từ 8.000 - 10.000 đồng/kg, nếu bán theo diện tích thì khoảng 9-10 triệu đồng/sào. Tuy nhiên, từ khi việc lưu thông bị ách tắc và thời hạn thu hoạch ngày càng đến gần thì giá thu mua càng giảm mạnh. Bà Phạm Thị Tiền (trú thôn Xuân Kiều, xã Đức Chính) cho biết gia đình còn nửa mẫu cà rốt chưa bán được, thương lái chỉ trả 5-6 triệu đồng/sào, còn bán theo cân chỉ được 4.000 đồng/cân. Ông Vương Đức Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Đức Chính, cho biết nếu không được thu hoạch trong khoảng nửa tháng nữa, cà rốt sẽ bị hỏng ngay trên ruộng, thiệt hại khoảng 250 tỉ đồng.
Tại Công ty CP Nông sản Hưng Việt, huyện Gia Lộc hiện cũng có trên 1.000 tấn nông sản, chủ yếu là cà rốt, cải bắp chờ xuất khẩu qua các cảng ở TP Hải Phòng. Thời điểm chưa có dịch, chi phí vận chuyển mỗi container hàng từ công ty đến cảng là 3,5 triệu đồng. Hiện chi phí đã tăng gấp đôi nhưng rất ít doanh nghiệp (DN), tài xế nhận chở hàng. Nguyên nhân là do Hải Phòng có những quy định rất khắt khe đối với người lái xe, phương tiện, hàng hóa từ Hải Dương. "Nhiều ngày nay, công ty chưa xuất được lô hàng nào vì không có tài xế nhận chở" - ông Tăng Xuân Trường, Giám đốc Công ty CP Nông sản Hưng Việt, than.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương phản ánh thời gian qua, một số địa phương lo ngại trước diễn biến dịch Covid-19 nên đã "đóng cửa", không cho xe hàng của Hải Dương đi qua, kể cả việc sang tải ở các chốt giáp ranh. Do bị ách tắc trong vận chuyển nên nhiều DN đã không về vùng nguyên liệu để thu mua nông sản cho nông dân Hải Dương, thậm chí cả những DN đã bao tiêu từ đầu vụ. Trước tình trạng trên, ngành nông nghiệp tỉnh đã tích cực kết nối các DN tiêu thụ nông sản nhưng vướng mắc nhất hiện nay là khâu vận chuyển từ vùng nguyên liệu đến các điểm sơ chế, đóng gói và vận chuyển ra tỉnh khác tiêu thụ. Các tỉnh đều yêu cầu người lái xe chở hàng phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong thời hạn 3 ngày.
Hội Phụ nữ phường Hiến Thành, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương thu hoạch và bán bắp cải giúp các gia đình đang bị cách ly, phong tỏa
Tập trung đẩy nhanh tốc độ lưu thông hàng hóa
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng chia sẻ hiện tỉnh đang áp dụng nhiều biện pháp tạo điều kiện cho vận chuyển nông sản, hàng hóa phục vụ sản xuất. Trong 3 ngày qua, tỉnh đã ưu tiên triển khai xét nghiệm cho các tài xế xe vận tải, trả kết quả sau 24 giờ. "Việc tập trung, ưu tiên xét nghiệm SARS-CoV-2 cho các tài xế xe vận tải nhằm bảo đảm không để lây lan dịch bệnh từ hoạt động vận tải hàng hóa. Những ngày tới, căn cứ vào tình hình dịch ở từng địa phương, tỉnh sẽ có những đánh giá và thay đổi mức độ áp dụng các biện pháp phòng dịch để đẩy nhanh tốc độ lưu thông hàng hóa, tiêu thụ nông sản" - ông Thăng nói.
Ngày 21-2, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Dương Thái đã có công văn đề nghị UBND TP Hải Phòng hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các DN trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Theo đó, để tạo điều kiện nhanh nhất cho việc vận chuyển hàng hóa đi tiêu thụ, đặc biệt là nông sản xuất khẩu, hàng hóa đông lạnh của tỉnh Hải Dương vào Hải Phòng, đề nghị UBND TP Hải Phòng thống nhất tạo điều kiện cho việc trung chuyển hàng hóa để giảm bớt các điều kiện, thủ tục nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu về phòng chống dịch. Cụ thể, phương tiện chở hàng hóa của Hải Dương (tài xế có giấy xác nhận kết quả âm tính với SAR-COV-2 bằng phương pháp PCR của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương) đến tập kết tại khu vực chốt kiểm dịch giáp ranh giữa Hải Dương với Hải Phòng để lại xe và tài xế từ Hải Phòng đến điều khiển phương tiện lưu thông vào địa bàn Hải Phòng. Đối với hàng hóa vận chuyển bằng xe đầu kéo có thể thực hiện bằng việc đổi đầu kéo và tài xế đi từ tỉnh Hải Dương bằng đầu kéo và tài xế từ Hải Phòng. Việc bố trí người lái xe, phương tiện và cách thức giao nhận do các DN của Hải Dương và Hải Phòng liên hệ và chịu trách nhiệm.
Nhiều tỉnh, thành tích cực giúp Hải Dương tiêu thụ nông sản
Trong những ngày gần đây, hàng trăm tấn nông sản rau xanh của người dân Hải Dương đã được các cá nhân và tổ chức ở một số tỉnh, thành, đặc biệt là tại TP Hà Nội, "giải cứu". Thống kê trong 3 ngày gần đây, hơn 500 tấn rau xanh gồm nhiều loại từ cải bắp, cà chua, cà rốt... đã được người dân tại TP Hà Nội tiêu thụ. Tại tỉnh Hải Dương, đoàn viên thanh niên thuộc Tỉnh Đoàn cũng tích cực tham gia "giải cứu", thu hoạch nông sản giúp người dân để chuẩn bị cho mùa vụ mới. Mặc dù số lượng tiêu thụ chưa thấm vào đâu so với lượng tồn đọng hàng chục ngàn tấn song cũng phần nào giúp người dân Hải Dương cảm thấy ấm lòng bởi sự chung tay của người dân.
Ở khu vực đường Giải Phóng (TP Hà Nội), nhiều điểm bán hàng "giải cứu" nông sản Hải Dương đã được triển khai trong những ngày gần đây, bán các loại nông sản từ tỉnh này chuyển ra với giá rất rẻ để ủng hộ người dân vùng dịch: ổi Thanh Hà chỉ 50.000 đồng/10 kg, su hào 40.000 đồng/20 củ, bắp cải 18.000 đồng/5kg, cà rốt 70.000 đồng/10 kg hay cà chua 10 kg cũng chỉ có giá 40.000 đồng. Trong ngày 21-2, chỉ trong vòng buổi sáng, hàng tấn hàng hóa tại điểm bán "giải cứu" trên đường Giải Phóng đã được bán hết. Chị Bùi Thu Hà (ở TP Hà Nội) cho biết việc bán nông sản thuận lợi nhờ mạng xã hội, nhiều hội, nhóm đã chia sẻ thông tin, người dân từ xa cũng đến mua ủng hộ.
Tr.Đức - M.Chiến
Xem thêm: mth.91775312212201202-gnoud-iah-nas-gnon-nat-00009-noh-uuc-iaig-cul-on/et-hnik/nv.moc.dln