Làng hoa Tây Tựu (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) được biết đến là một trong những nơi trồng hoa lớn nhất miền Bắc, cung ứng hoa tươi phục vụ nhu cầu không chỉ của người dân Hà Nội mà còn cho nhiều tỉnh thành miền Bắc.
Trồng hoa cũng là nghề tạo ra nguồn thu nhập chính cho hàng trăm hộ dân tại nơi đây. Tuy nhiên, thời gian vừa qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19 bùng phát khiến người làng Tây Tựu "điêu đứng" khi không bán được hoa.
Ghi nhận của chúng tôi tại vườn hoa Tây Tựu những ngày sau Tết, đa số các loại hoa như hoa cúc, thược dược...đều đã nở rộ, thế nhưng không khí thu hoạch lại vô cùng ảm đạm.
Vườn hoa cúc đã đến lúc thu hoạch nhưng không ai ra cắt
Tất cả đều có tình trạng chung là tới ngày cắt bán nhưng vẫn phải "nằm trên ruộng". Giá hoa đã rớt tối thiểu 50% nhưng vẫn không thể bán được.
Anh Tuấn, người dân trồng hoa cho biết, trong làng nhiều người trồng hoa cúc lỗ nặng do Covid-19 bùng phát. "Một sào hoa cúc bỏ vốn mất vài chục triệu, thời điểm này cùng lắm thu về được vốn. Giá rẻ nhiều nhà không buồn thu hoạch, để hoa héo ngoài đồng", anh Tuấn nói.
Lý giải nguyên nhân hoa bị mất giá nhưng vẫn "ế", anh Dương chủ vườn hoa cúc cho hay: "Do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên nhu cầu sử dụng hoa tươi giảm hẳn, nhiều gia đình cắt hẳn khoản mua hoa vì có nhiều khoản lo khác. Bên cạnh đó, đình, chùa, lễ hội đóng cửa khiến người hoa không có đầu ra. Nhiều người cần mua hoa thì không biết chỗ để mua".
"Hoa rớt giá khiến tất cả người làm nghề trồng hoa điêu đứng chứ không riêng một nhà nào. Tất cả đều thua lỗ rất nhiều vì giá bán hoa không thu đủ tiền giống chứ chưa tính đến chi phí phân bón, thuốc sâu, nhân công, điện thắp sáng,…", anh Dương nói thêm.
Theo ước tính của anh Dương, một sào hoa cúc năm ngoái thu về 30 triệu đồng nhưng năm nay chỉ thu được 5 đến 7 triệu đồng. Một bó hoa cúc ngày thường bán tối thiểu cũng được 100.000 đồng nhưng giờ bán 30.000 đồng cũng không ai mua. "Giá rẻ quá tôi cũng cắt bỏ hoa để trồng hoa mới. Đây là lần đầu tiên tôi phải bỏ hoa đi vì không bán được", anh Dương buồn bã nói.
Bằng kinh nghiệm trồng hoa lâu năm của mình, anh Dương tiết lộ, có một số phương pháp để hãm hoa nở lại như phun thuốc, hay buộc cách hoa lại hoặc bỏ vào kho lạnh… nhưng cũng chỉ giữ được vài ngày.
Nhiều người chọn cách nhổ bỏ hoa, vứt bỏ tại đồng
Ông Thắng, chủ vườn hoa hồng chưa đến mùa thu hoạch cho rằng: "Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến những người dân trồng hoa như chúng tôi. Vườn hoa hồng của tôi dự kiến tháng 3 sẽ thu hoạch nhưng tình hình này cũng rất lo lắng".
Dưới đây là một số hình ảnh chúng tôi ghi nhận được tại vườn hoa Tây Tựu:
Người trồng hoa phải cắt hoa đi bán lẻ với hy vọng "được đồng nào hay đồng đó"
Hoặc chất lên đường, bờ ruộng để chờ hoa khô rồi đốt
Anh Dương chọn cách nhổ hoa cũ để trồng hoa mới
Nhiều người để ruộng hoang hoá, không trồng hoa
Vườn hoa thược dược nở rộ nhưng chủ vườn cắt hoa vứt đầy gốc
Đinh Huy
Doanh nghiệp tiếp thị