vĐồng tin tức tài chính 365

Nỗi buồn của “anh cả”: Vietnam Airlines lỗ hơn 11.000 tỷ, Vietjet và Bamboo Airways khoe lãi

2021-02-22 09:57

Cuối tháng 1/2021, Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet công bố báo cáo tài chính, trở thành một trong số ít các hãng hàng không trên thế giới không sa thải nhân viên và hoạt động có lợi nhuận trong năm 2020.

Cụ thể, kết thúc quý 4/2020, Vietjet đạt lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 274 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 995 tỉ đồng. Tính cả năm 2020, Vietjet đạt 70 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất.

Hãng hàng không này cho biết, trong năm 2020, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, hãng đã chuyển đổi cấu hình một số tàu bay thành vận tải hàng hóa, áp dụng phương thức khai thác mới để tăng cường năng lực vận tải hàng hoá cho đội bay và vận chuyenr hơn 60.000 tấn hàng hóa quốc tế. Vietjet cũng là hãng hàng không đầu tiên được nhà chức trách phê chuẩn phương thức chở hàng trên khoang hành khách.

Nỗi buồn của “anh cả”: Vietnam Airlines lỗ hơn 11.000 tỷ, Vietjet và Bamboo Airways khoe lãi - Ảnh 1.

Vietjet lãi 70 tỷ trong năm 2020

Doanh thu bán vận chuyển hàng hoá trong và ngoài nước trong quý IV/2020 tăng nhanh, đạt 75%, cả năm tăng trưởng 16%. Thông qua các thoả thuận liên danh, hàng hóa của Vietjet đã đi tới châu Mỹ, châu Âu - những điểm đến mà trước đó hãng chỉ mới lên kế hoạch.

Cùng với đó, Vietjet đã khai thác 78.462 chuyến bay, vận chuyển hơn 15 triệu lượt khách. Theo xu hướng từ năm trước, doanh thu phụ trợ của Vietjet tăng nhanh tỷ trọng, chiếm gần 50% tổng doanh thu.

Ngay sau khi Vietjet công bố lãi, đại diện Hãng hàng không Bamboo Airways cũng "khoe" lợi nhuận trước thuế cả năm 2020 ước khoảng hơn 400 tỷ đồng, tăng gần 34% so với năm trước.

Giải thích về con số lạc quan đáng ngạc nhiên này, đại diện Bamboo Airways cho biết, đối phó với Covid-19, hãng đã kịp thời tái hoạch định mạng đường bay theo hướng tập trung khai thác thị trường nội địa, mở các đường bay đến những điểm đến tiềm năng, đặc biệt là đường bay ngách và các đường bay có thể kết hợp với hệ sinh thái của FLC.

Nỗi buồn của “anh cả”: Vietnam Airlines lỗ hơn 11.000 tỷ, Vietjet và Bamboo Airways khoe lãi - Ảnh 2.

Bamboo Airways thông báo tiếp tục lãi năm thứ 2

Những đường bay thẳng tiêu biểu cho chiến lược này là mạng bay kết nối Côn Đảo, Rạch Giá – Kiên Giang, Phú Yên, Cần Thơ...

Một mảng quan trọng mang lại nguồn thu lớn cho Bamboo Airways trong năm 2020 là loạt sản phẩm, combo mới như combo trọn gói bay – nghỉ dưỡng – golf 5 sao trên toàn quốc, bộ quyền lợi nhóm giá khách hàng mới.

Hãng này cho biết, trong năm 2020 đã vận chuyển hơn 4 triệu lượt hành khách, tăng 40% về số lượng chuyến bay và sản lượng khách so với năm 2019.

Bamboo Airways mới chính thức cất cánh từ tháng 1/2019. Năm trước, Tổng giám đốc của Bamboo Airways cũng công bố có lãi khiến những người quan tâm bất ngờ. Cụ thể, ông Đặng Tất Thắng cho biết lợi nhuận trước thuế của Bamboo Airways trong năm 2019 ước đạt 303 tỷ đồng. Trong khi chỉ mới 8 tháng trước đó, Bộ Tài chính thông tin Bamboo Airways lỗ 329 tỷ đồng sau 3 tháng cất cánh.

Bamboo Airways từng có kế hoạch bán cổ phần lần đầu ra công chúng trong năm 2020, nhưng ảnh hưởng dịch bệnh nên phải lùi lại.

Đối lập với 2 hãng hàng không tư nhân, anh cả của ngành là Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) ghi nhận doanh thu quý 4/2020 hơn 8.202 tỷ đồng, giảm 65% so với cùng kỳ. Trong cả năm 2020, hãng hàng không đạt doanh thu 40.613 tỷ đồng, giảm 69%. Lỗ sau thuế hợp nhất là 11.098 tỷ đồng và phần lỗ thuộc về cổ đông công ty mẹ là 10.844 tỷ đồng.

Do lỗ nặng, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines giảm còn 1/3, ghi nhận 6.141 tỷ đồng. Lỗ lũy kế gần 9.260 tỷ đồng.

Đầu năm nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết cho Vietnam Airlines vay vốn không quá 4.000 tỷ đồng có tài sản đảm bảo để phục vụ hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, hãng hàng không được phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tăng vốn điều lệ, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thay Chính phủ thực hiện mua cổ phần.

Các giải pháp này nhằm giúp cho hãng hàng không quốc gia có nguồn lực tiền mặt để đối phó với những tác động của đại dịch.

Mặc dù Vietnam Airlines có một bức tranh tài chính xấu so với 2 doanh nghiệp cùng ngành, nhưng nếu như Vietjet và Vietnam Airlines đều là các doanh nghiệp niêm yết với báo cáo tài chính được minh bạch thì thực tế, con số lãi của Bamboo Airways mới chỉ được công bố từ phía công ty. Trước đây, chuyên gia tài chính - TS. Nguyễn Trí Hiếu từng nhận định - một thông báo đơn thuần của lãnh đạo công ty thì không đủ cơ sở xác nhận tính khả tín của vấn đề. Kết quả kinh doanh này cần phải được kiểm toán quốc tế thì mới có độ tin cậy cao. Do vậy, việc các công ty tuyên bố lợi nhuận của họ chưa qua kiểm toán thì nhà đầu tư cần phải chờ đến lúc cáo báo cáo đã được kiểm toán.

Ngoài ra, một số chuyên gia tài chính cũng cho rằng, lợi nhuận của một công ty hàng không có thể đến từ lĩnh vực khác chứ chưa chắc đã đến từ hoạt động kinh doanh chính, khi mà thông thường, một hãng hàng không mới bay 1, 2 năm chưa thể có lãi.

Theo báo cáo tài chính của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), tới hết năm 2020, Bamboo Airways vẫn đang nợ ACV hơn 326 tỷ đồng, tăng hơn 196 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Số nợ này là các khoản phí liên quan tới nhà ga, sân bay ACV thu của các hãng và một số loại phí của hành khách trả cho ACV nhưng được các hãng thu hộ khi bán vé (nhưng hãng chưa thanh toán cho ACV). Trong năm 2020, ACV cũng có văn bản yêu cầu Bamboo Airways trả nợ.

Xem thêm: mth.50111109022201202-ial-eohk-syawria-oobmab-av-tejteiv-yt-00011-noh-ol-senilria-manteiv-ac-hna-auc-noub-ion/nv.ahos

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nỗi buồn của “anh cả”: Vietnam Airlines lỗ hơn 11.000 tỷ, Vietjet và Bamboo Airways khoe lãi”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools