Ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã khiến nhu cầu tiêu thụ điện toàn quốc tăng trưởng thấp hơn dự kiến. Ngành điện đang đối diện với bài toán "thừa điện". Chính phủ đã yêu cầu rà soát, không để phát triển điện mặt trời chạy theo phong trào.
Thừa điện… rất nguy hiểm
Theo số liệu từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến thời điểm hiện tại, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời trên cả nước đã đạt tới khoảng 19.400 MWp (trong đó có gần 9.300 MWp là điện mặt trời mái nhà), tương ứng khoảng 16.500 MW - chiếm khoảng 25% tổng công suất lắp đặt nguồn điện của hệ thống điện Quốc gia.
Theo EVN, với đặc điểm tự nhiên của điện mặt trời là phụ thuộc lớn vào thời gian nắng trong ngày, có nghĩa là nắng mạnh thì phát nhiều điện và tắt nắng thì không phát điện - đã bộc lộ những khó khăn, bất cập trong vận hành hệ thống điện.
Do đặc điểm thời tiết từ tháng 9 trở về cuối năm có xu hướng lạnh dần, nên phụ tải hệ thống điện quốc gia chuyển sang mẫu điển hình của mùa lạnh. Nếu tổng công suất điện mặt trời trên cả nước là 16.500 MW, tương đương khoảng 40% phụ tải toàn quốc vào lúc thấp điểm buổi trưa.
Trong đó, có thời điểm xảy ra hiện tượng thừa công suất vào giờ thấp điểm trưa khoảng từ 10h-14h (nhất là vào các ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ) do lúc này phụ tải xuống thấp nhưng bức xạ mặt trời lại tốt nhất trong ngày.
Mặt khác, vào giờ cao điểm tối (khoảng từ 17h30-18h30) là thời điểm mà nhu cầu tiêu thụ điện cao nhất trong ngày, hệ thống điện cần một lượng công suất phát điện khá lớn, nhưng lúc này, khả năng đáp ứng của hàng chục nghìn MW điện mặt trời hầu như không còn. Vì vậy, để đảm bảo cung cấp điện, hệ thống điện luôn cần phải duy trì sẵn sàng một số tổ máy phát điện truyền thống, đồng thời cắt giảm nguồn năng lượng tái tạo.
Theo EVN, trường hợp hệ thống điện dư thừa công suất đang phát lên hệ thống so với phụ tải tiêu thụ là tình huống nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn, an ninh của hệ thống điện vì có thể khiến tần số hệ thống điện tăng cao, thậm chí gây sự cố lan tràn trên toàn hệ thống điện quốc gia nếu không có ngay các mệnh lệnh điều độ chuẩn xác, được thực hiện kịp thời và các giải pháp khẩn cấp khác.
Chính vì vậy, để đảm bảo an ninh, an toàn trong vận hành hệ thống điện, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia không thể huy động toàn bộ công suất khả dụng của nguồn điện, trong đó có cả các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời vào các giờ phụ tải thấp điểm vào buổi trưa, các ngày nghỉ cuối tuần hoặc các dịp lễ, tết.
Cần có sự quản lý chặt chẽ của chính quyền địa phương về điện mặt trời
Ông Hoàng Tiến Dũng – Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, phát triển điện mặt trời, điện mặt trời mái nhà là phù hợp với chủ trương của Đảng, Chính phủ về phát triển năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời nói riêng.
Trong bối cảnh tiềm năng thủy điện lớn đã cơ bản khai thác hết; nhiệt điện than khó thu xếp vốn quốc tế do cam kết chống biến đổi khí hậu toàn cầu; nhiệt điện khí hóa lỏng có giá bán điện còn khá cao và phụ thuộc nguồn nhiên liệu thế giới. Chính vì vậy, việc phát triển điện năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời nói riêng sẽ tiếp tục được chú trọng trong thời gian tới.
Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua, có hiện tượng phát triển ồ ạt theo phong trào, sai mục đích, thiếu sự kiểm soát gây quá tải lưới điện khu vực.
Cho nên, trong thời gian tới, cần có sự quản lý chặt chẽ của chính quyền địa phương, sự hướng dẫn, phổ biến, phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các cơ quan chức năng trong các lĩnh vực xây dựng, đất đai, nông nghiệp, phòng cháy chữa cháy, môi trường... để việc quản lý phát triển năng lượng tái tạo, điện mặt trời đảm bảo đúng quy định.
Xem thêm: odl.033288-oan-eht-meih-yugn-neid-auht/et-hnik/nv.gnodoal