Thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các dự án "ma" lừa đảo
Bộ Xây dựng mới đây nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Gia Lai gửi tới Thủ tướng Chính phủ với nội dung kiến nghị: “Đề nghị Chính phủ tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt giải quyết các dự án quy hoạch treo làm lãng phí nguồn lực, thiệt hại đến quyền và lợi ích người dân và Nhà nước, gây bức xúc xã hội. Đồng thời, giải quyết xử lý nghiêm các dự án bất động sản "ma", các dự án bất động sản lừa đảo, chây ì… đã và đang gây bức xúc, bất bình xã hội, gây mất trật tự ở nhiều tỉnh”.
Trả lời kiến nghị cử tri, Bộ Xây dựng khẳng định, đối với tình trạng các dự án bất động sản ma, lừa đảo, chây ì… đã và đang gây bức xúc, bất bình xã hội, gây mất trật tự ở nhiều tỉnh hiện nay hệ thống pháp luật hiện hành (Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản...) đã có các quy định tương đối đầy đủ, rõ ràng, điều chỉnh mọi lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản, từ trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng, điều kiện của bất động sản được đưa vào kinh doanh và trách nhiệm của các chủ đầu tư dự án đối với các dự án bất động sản đến quy định về việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự cũng đã có các quy định để xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, trên thực tế tại một số địa phương, trong một số thời điểm vẫn xảy ra tình trạng một số tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm, lập nên các dự án không có thực, các dự án chưa đủ điều kiện được đưa vào kinh doanh (dự án ma) để lừa đảo người dân, đã và đang gây bức xúc, bất bình xã hội, gây mất trật tự ở nhiều tỉnh, thành phố như cử tri phản ánh.
“Nguyên nhân xảy ra tình trạng này có nhiều nhưng chủ yếu là do thông tin về quy hoạch, dự án... chưa được kịp thời, công khai, minh bạch dẫn đến một số tổ chức, cá nhân lợi dụng để quảng bá, cung cấp thông tin sai sự thật nhằm trục lợi; do hành vi vi phạm chưa được kịp thời phát hiện, ngăn chặn ngay từ khi mới phát sinh; việc xử lý và công khai việc xử lý hành vi vi phạm để cảnh tỉnh, răn đe và cho người dân biết, hiểu chưa kịp thời...”, Bộ Xây dựng cho hay.
Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, trong thời gian vừa qua, Bộ Xây dựng đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 23/4/2019 về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh. Trong đó, chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm trong thực hiện quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản.
Kiểm tra, rà soát và công khai danh sách các dự án bất động sản chủ đầu tư đã thế chấp ngân hàng, không thực hiện bảo lãnh ngân hàng, các dự án có vi phạm pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, kinh doanh…
Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng đã có nhiều văn bản đôn đốc các địa phương tăng cường việc công khai thông tin, kịp thời nắm bắt và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh bất động sản.
Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục đôn đốc các địa phương tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 11/CT-TTg, tăng cường công khai, minh bạch thông tin quy hoạch, dự án... trên địa bàn, không để đối tượng xấu lợi dụng để lừa đảo, trục lợi; đồng thời, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm có thể xảy ra và sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 117/2015/NĐ-CP của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản để trình Chính phủ ban hành nhằm cung cấp thông tin công khai, minh bạch để bảo đảm cho thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, hạn chế tối đa các trường hợp cố tình vi phạm, lừa đảo, chây ì…
Thu hồi dự án chậm tiến độ, xử lý các cán bộ gây ách tắc
Đối với tình trạng các dự án quy hoạch treo làm lãng phí nguồn lực, thiệt hại đến quyền và lợi ích người dân và Nhà nước, gây bức xúc xã hội, Bộ Xây dựng cho rằng tình trạng “quy hoạch treo” là do việc tổ chức triển khai đầu tư xây dựng chậm hoặc không thực hiện theo quy hoạch. Đây là hiện tượng làm lãng phí nguồn lực, tác động tiêu cực đến quyền, lợi ích người dân và Nhà nước, gây bức xúc xã hội như cử tri đã nêu.
Tuy nhiên, pháp luật hiện hành đã quy định cụ thể về việc lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch, trong đó có các quy định đảm bảo về quyền của các tổ chức, cá nhân trong khu vực quy hoạch nhưng Nhà nước chưa thực hiện thu hồi (Luật Quy hoạch đô thị năm 2009), quy định điều kiện chung đối với cấp giấy phép xây dựng có thời hạn đối với khu vực quy hoạch chưa thực hiện thu hồi (Luật Xây dựng năm 2014, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 33 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020)…
“Quan điểm của Bộ Xây dựng là Nhà nước phải bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân tại khu vực “quy hoạch treo””, Bộ Xây dựng nhấn mạnh.
Hiện nay, để tăng cường công khai, cung cấp thông tin quy hoạch được duyệt, Bộ Xây dựng đã hoàn thành và đưa vào vận hành Cổng thông tin điện tử quốc gia về quy hoạch xây dựng. Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản đôn đốc các địa phương đăng tải thông tin quy hoạch xây dựng tại địa phương lên Cổng thông tin điện tử về quy hoạch xây dựng theo trách nhiệm quản lý và thực hiện quy hoạch xây dựng tại địa phương.
Với trách nhiệm quản lý nhà nước được giao trong lĩnh vực xây dựng, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện nghiêm các chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị.
Đề xuất với cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế chính sách thu hút đầu tư (xã hội hóa) và đa dạng hóa hình thức đầu tư (BT, PPP...) cho việc đầu tư các công trình xã hội như công viên cây xanh, y tế, giáo dục và giao thông.
Đồng thời, tăng cường hướng dẫn, đôn đốc các địa phương trong công tác quản lý, thực hiện quy hoạch để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm như thu hồi các dự án chậm tiến độ theo quy định; xử lý các cán bộ gây ách tắc, làm thiệt hại cho nhà đầu tư, Nhà nước, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân.
Đối với chính quyền các địa phương, Bộ Xây dựng đề nghị rà soát quy hoạch, kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ các quy hoạch đã quá thời hạn và không có tính khả thi; xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, công khai quy hoạch và kế hoạch thực hiện theo đúng quy định.
Xây dựng chương trình đô thị, khu vực phát triển đô thị và kiểm soát chặt chẽ tốc độ, chất lượng phát triển đô thị; tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến người dân và doanh nghiệp các quy định của pháp luật về quy hoạch, quản lý phát triển đô thị và quản lý đất đai nhằm hiểu đúng và áp dụng đúng, bảo đảm việc sử dụng nguồn tài nguyên đất đai thực sự có hiệu quả, đặc biệt tại các đô thị; kịp thời xử lý các vi phạm trong việc thực hiện quy hoạch.
Đình Phong
Tiền Phong
Xem thêm: nhc.39840221122201202-nad-iougn-oad-aul-am-na-ud-or-gnart-hnit-ev-ig-ion-gnud-yax-ob/nv.zibefac