Địa danh Gà Luộc khiến nhiều người tò mò - Ảnh VŨ TUẤN
"Ở xã này tên thôn có đủ thức ăn, gia vị cúng cụ ngày tết! Có Gà Luộc nhé, có Hòn Muối nhé, lại có cả Ao Dăm, Ao Lươn... tên từ xa xưa các cụ đã gọi thế" - ông Nguyễn Thành Trung, phó chủ tịch UBND xã Phúc Ninh (Yên Sơn, Tuyên Quang), cười vang khi tôi hỏi về thôn Gà Luộc.
Nhiều gà luộc nên gọi tên thôn Gà Luộc
Làng Gà Luộc nằm bên bờ sông Lô, cách trận địa pháo ở ngã ba sông Lô với sông Gâm chừng dăm cây số lên phía thượng nguồn. Gà Luộc là cửa ngõ một vùng trù phú kéo dài vài chục cây số từ tả ngạn sông Lô lên vùng Chiêm Hóa (Tuyên Quang). Bến sông xưa giờ đã có cầu bêtông, đường nhựa chạy bon bon.
Người làng Gà Luộc chỉ tôi tìm ông Lý Văn Hoa, 95 tuổi, cao tuổi nhất vùng. Nhà ông cách bến Gà Luộc non hai cây số. Ông lão quắc thước ngồi trước đống than bên thềm nhà "chỉ đạo" mấy anh con trai đang thịt con bò ăn tết.
Ông Hoa là người Dao, gốc ở Bình Liêu (Quảng Ninh), khoảng đầu những năm 1940, bản người Dao tách bản, di cư về đây lập bản mới. Ông Hoa nhớ như in cái bến nước lúc bấy giờ, mẹ ông cõng xuống mảng vượt sông.
Hai bên bờ sông Lô, hàng chục bè gỗ neo vào nhau san sát. Khói bếp trên bè bảng lảng vắt ngang cả khúc sông. Ngày ấy, người ta đã gọi là làng Gà Luộc, bên bờ sông có cái miếu lớn, ai đi qua cũng khấn vái.
Sông Lô vốn dữ dằn, dòng nước chảy đến Gà Luộc thì đâm thẳng vào một ghềnh đá. Khúc sông tạo thành vực xoáy lớn, dân trong vùng gọi là "vật". Vực Gà Luộc là một trong những vực nguy hiểm nhất của sông Lô từ Hà Giang đến Đoan Hùng (Phú Thọ).
Ông Hoa bấm đầu ngón tay: "Cánh buôn bè trên sông ngày xưa hãi nhất là Thác Cái, Thác Con rồi đến Ba Luồng, Hang Đồng, Gà Luộc, Bình Ca... Chỗ Gà Luộc, mùa lũ thì nước xoáy, bè mảng lọt vào không thoát được, mùa cạn thì mắc ghềnh, mắc đá ngầm... chuyện bè vỡ, người chết ở Gà Luộc nhiều như xe máy bị tai nạn trên quốc lộ bây giờ".
Ông Hoa kể lại ngày ấy chưa có chính quyền, mọi con đường, khúc sông đều do lính Pháp cai quản, bến Gà Luộc lại do một người Việt đứng ra "thầu", hằng năm nộp tô cho Pháp.
Người thầu bến Gà Luộc là lái Sáu - người trong vùng chỉ biết ông Sáu là người xuôi, làm nghề buôn gỗ trên sông Lô. Ông Sáu lên tận Hà Giang mua gỗ rồi kết bè xuôi về Tam Kỳ (Tuyên Quang), Hạc Trì (Phú Thọ) hoặc có chuyến xa hơn, về tận bến Hàm Tử (Hà Nội) để bán.
Lần ấy, ông Sáu neo bè trên bến sông thì trời tối. Sáng hôm sau, có hai thi thể của phụ nữ dạt vào sát bè gỗ, lái Sáu dùng sào đẩy ra xa cho nước cuốn đi.
Một lúc sau, nước xoáy lại đẩy hai thi thể về sát bè của ông. Ba lần đẩy ra không được, lái Sáu chắp tay khấn rồi xin chôn hai người phụ nữ xấu số trên bờ. Mộ của hai người ở khu đền Gà Luộc bây giờ.
Từ đấy, lái Sáu dựng nhà ở luôn bên bờ sông, lập miếu thờ và "thầu" bến đò, mua gỗ, mua tre làm đầu mối. Bến Gà Luộc trở thành chợ lâm sản trên sông Lô. Một thời, gỗ lạt, tre nứa từ vùng Hà Giang, Cao Bằng đóng bè, kết mảng xuôi dòng qua đây cả.
Sau này, dưới gầm bè người ta còn buôn cả rượu lậu, thứ rượu nấu từ mật mía, ngô, sắn bơm vào săm ôtô dìm xuống dưới đáy bè. Ông Sáu buôn cả từ tre, gỗ cho đến rượu lậu, gạo thóc.
Ngoài gỗ, thứ mà lái Sáu bán chạy nhất cho phu bè là vàng hương và gà. Nghề sông nước ai cũng thờ thủy thần, mẫu Thoải. Những chỗ nguy hiểm như vực Gà Luộc phu bè càng hãi. Mỗi dịp xuôi bè qua khúc sông này, phu bè tấp vào, sắm lễ lên miếu hai cô khấn vái. Lễ dâng sông nước lúc nào cũng có xôi và gà luộc.
Nhiều khi hương chưa tàn, nước thuận, bè thoát khỏi vực về xuôi, phu bè để lại cả mâm lễ. Có ngày cả chục bè lên miếu cầu bình an, cả chục con gà luộc xếp hàng dài trước miếu.
Lâu dần người ta gọi miếu hai cô là miếu Gà Luộc, vực nước xoáy là vực Gà Luộc, cái ghềnh đá phá tan hoang bao chiếc bè gỗ dưới sông là ghềnh Gà Luộc, rồi cả thôn bên bờ sông cũng gọi là thôn Gà Luộc.
Ghềnh Gà Luộc nay đã bị nước ngập vì công trình thủy điện chặn dòng - Ảnh: VŨ TUẤN
Mâm lễ trong đền Gà Luộc
Ông Đỗ Văn Đê trịnh trọng thắp nén nhang lên bàn thờ chính của đền Gà Luộc. Mâm cỗ cuối năm không thể thiếu gà luộc. Ngôi đền nhỏ bên bờ sông Lô chính là ngôi miếu lái Sáu lập để hương hỏa cho hai người phụ nữ xấu số năm xưa.
Sau này dân trong vùng góp tiền, góp công xây lại miếu to hơn. Những người theo đạo Mẫu gọi đây là đền thờ cô Bơ và cô Chín. Họ còn lập thêm bàn thờ mẫu Thượng ngàn và mẫu Thoải.
Ông Đê được giao nhiệm vụ trông coi đền hơn 20 năm nay. Gia đình ông là một trong ba gia đình từ Thái Bình về đây vỡ đất làm ruộng từ đầu những năm 1960. Năm đó, ông Đê mới 13 tuổi, tóc để chỏm, chiều nào cũng lùa trâu ra bến Gà Luộc cho trâu đằm.
"Ngày ấy trên bờ chỉ có lán của ông lái Sáu, dưới sông thì bè mảng san sát. Sau này, ngoài nhà tôi còn có hai nhà khác lên khai hoang chứ chưa đông vui như bây giờ" - ông Đê kể.
Ngày trước, đền còn có rặng cau rất dài, vì thế ngoài tên Gà Luộc, ngôi đền còn có tên Rặng Cau. Rặng cau cỗi, lụi mất, người ta chỉ nhớ đến tên Gà Luộc.
Đền Gà Luộc được người dân trong vùng thờ như người dưới xuôi thờ thành hoàng làng. Ngày lễ, tết, nhà nào cũng sắm lễ ra đền cầu bình an. Người lớn tuổi vẫn dặn dò con cháu khi sắm lễ không quên luộc một con gà trống.
Ông Đê tả ngôi miếu cũ xây bằng gạch vữa vôi trộn mật mía. Khi cải tạo, dân trong thôn cạo lớp vữa trát bên ngoài, chồng tường cao hơn, "bắn" mái tôn cho đỡ nóng. Mái vòm ngày xưa vẫn để, chỉ tiếc những cổ thụ trước đây chỉ còn một cây khế cơm. Từ ngày ông Đê biết đến ngôi đền này, cây khế đã xòa bóng rợp lối đi rồi.
Làng Gà Luộc cũng dăm phen bảy bận bị đổi tên, sáp nhập nhưng người ta vẫn cứ gọi là Gà Luộc. Thời bao cấp, Gà Luộc nhập vào ba thôn khác, trở thành một đội của hợp tác xã gọi là Tân Thái.
Dân Gà Luộc bảo: "Rách chuyện! Cứ để tên cũ, quen rồi". Hợp tác xã tan rã, chẳng ai còn nhớ đến cái tên Tân Thái mà chỉ gọi Gà Luộc. Đến cả cây cầu bắc qua sông Lô giờ, chính quyền đặt tên là cầu Tứ Quận vì một đầu nằm trên xã Tứ Quận. Nhưng người dân vẫn thích cái tên thân quen là Gà Luộc vì nó nằm ngay bến Gà Luộc xưa.
"Nếu được đổi thì chúng tôi vẫn muốn cây cầu mang tên Gà Luộc. Tên này gắn bó với chúng tôi bao đời nay rồi" - ông Nguyễn Duy Đại, một người dân trong thôn, cười hiền hòa.
Ca Cút - tên bến đò xưa bên phá Tam Giang - có cả chục cách lý giải khác nhau, nhưng đọng lại lòng mọi người khi nhắc nhớ một tiếng gọi như than van giữa đời.
Gần bến Gà Luộc là ghềnh Muối
Từ ghềnh Gà Luộc xuôi theo dòng sông Lô xuống chừng hơn một cây số là ghềnh Muối. Đây là một ghềnh đá giữa sông, hai bên nước xiết. Bè mảng bị mắc vào đây phải đợi nước dâng hoặc tháo bè kết lại mới xuôi được.
Ông Lý Văn Hoa cho hay phu bè bị mắc ở đây phải mất cả tuần. Lương thực mang theo cạn hết, không có tiếp tế, họ phải ăn cơm với muối trắng. Bè bị mắc lần trước hay để lại muối trong hốc đá để bè mắc sau có cái ăn. Vì thế ghềnh đá này có tên là Hòn Muối hay ghềnh Muối.
Nhiều hội thảo tìm nguồn tên Gà Luộc
Ông Nguyễn Thành Trung - phó chủ tịch UBND xã Phúc Ninh - cho hay khi ông chấp bút cho cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Phúc Ninh, chính quyền xã đã tổ chức hội thảo, mời nhiều nhà nghiên cứu, cán bộ về để tìm câu trả lời cho nguồn gốc tên Gà Luộc nhưng không có một kết luận chính thức.
"Từ xa xưa các cụ đã gọi thế rồi. Chắc rằng do ở đền Gà Luộc, người đi buôn lâm sản cúng nhiều gà luộc, người dân vì thế gọi luôn khu Gà Luộc, bến đò Gà Luộc, đền Gà Luộc rồi tên thôn Gà Luộc" - ông Trung nói.
TTO - Cái tên làng khiến con trai đi qua bùi ngùi, con gái phải bâng khuâng này đã chạm đến điều mà xã hội xưa đặt nặng lên người phụ nữ, sự trong trắng, trinh tiết. Nhưng câu chuyện ở làng Trinh Tiết lại bắt nguồn từ sự tích mang nghĩa sâu xa hơn.
Xem thêm: mth.74020120122201202-coul-ag-gnal-el-id-ag-coul-6-yk-al-yk-hnad-aid-gnuhn-tam-iaig/nv.ertiout