Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), dịch Covid-19 kéo dài cả năm 2020 làm gián đoạn hoạt động thương mại thuỷ sản toàn cầu, làm thay đổi xu hướng tiêu thụ các sản phẩm thuỷ sản. Các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam do đó biến động theo xu hướng thị trường dẫn đến xuất khẩu tôm chân trắng, tôm biển, cá biển, cua ghẹ tăng, trong khi xuất khẩu cá tra giảm sâu, cá ngừ và mực, bạch tuộc giảm nhẹ.
Tuy vậy, các nước nhập khẩu chính thuỷ sản Việt Nam như EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản chỉ giảm nhẹ nhập khẩu từ Việt Nam 3-6%, trong khi thị trường lớn nhất là Hoa Kỳ vẫn tăng đáng kể 10%. Ngoài ra, những thị trường khác như Nga, Anh, Úc, Canada thậm chí vẫn tăng mạnh từ 10-32% nhập khẩu từ Việt Nam.
Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam trong quý 1 và quý 2/2020 giảm mạnh lần lượt 10%-7% nhưng từ quý 3 bắt đầu hồi phục và tăng trưởng. Kết thúc cả năm 2020, sản lượng thuỷ sản cả nước ước đạt 8,4 triệu tấn, tăng nhẹ 3% so với năm 2019, trong đó xuất khẩu thuỷ sản đạt 8,4 tỷ USD, giảm 1,9% so với năm 2019. Trong đó, thuỷ sản nuôi gồm tôm và cá tra chiếm 62% đạt 5,2 tỷ USD, thuỷ sản khai thác chiếm 38% với 3,2 tỷ USD.
Bước sang năm 2021, VASEP cho rằng tình hình thương mại thuỷ sản vẫn bị tác động mạnh bởi đại dịch Covid 19 thậm chí đây vẫn là yếu tố chính chi phối xu hướng xuất nhập khẩu thuỷ sản của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có thể duy trì thế mạnh cạnh tranh về nguồn cung nguyên liệu so với các nước khác. Ngoài ra, các hiệp định thương mại tự do sẽ tiếp tục là đòn bẩy cho xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam hồi phục ở một số thị trường. Các doanh nghiệp cũng sẽ có thêm kinh nghiệm và sự linh hoạt thích ứng với biến động và thay đổi nhu cầu, thị hiếu của thị trường sau một năm Covid.
Do vậy, VASEP dự báo xuất khẩu thuỷ sản năm 2021 sẽ có kết quả khả quan hơn năm 2020, ước đạt 8,8 tỷ USD, tăng gần 5%.
Trên thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản đã có một năm kinh doanh thụt lùi do ảnh hưởng của Covid-19. Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Cửu Long An Giang (ACL) là một trong những doanh nghiệp thuỷ sản chịu tác động mạnh nhất thể hiện ở doanh thu và lợi nhuận giảm lần lượt 49% và 80% so với năm 2019. Cụ thể, doanh thu thuần đạt 951 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 28,7 tỷ đồng.
Tương tự, các doanh nghiệp cùng ngành khác như Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn lợi nhuận rơi từ 1.179 tỷ đồng năm 2019 xuống còn 704 tỷ đồng năm 2020; Công ty Cổ phần Chế biến Thuỷ sản xuất khẩu Ngô Quyền lỗ luỹ kế lên đến 31 tỷ đồng do giao dịch với khách hàng bị gián đoạn, không có đơn hàng xuất khẩu.
Xem thêm: mth.55904413122201202-1202-man-gnort-dsu-yt-88-tad-neik-ud-nas-yuht-uahk-taux/nv.ymonocenv