Mới đây, việc Uber thua cuộc trong vụ kiện phán xét quyền lao động đã đặt dấu chấm hết cho những "tài xế công nghệ" ở Anh, cũng như đặt ra thách thức vô cùng lớn cho nền kinh tế chia sẻ.
Theo đó, Tòa án tối cao Anh quyết định những tài xế công nghệ của Uber được định nghĩa không khác mấy so với các tài xế taxi truyền thông. Họ có quyền được hưởng mức lương tối thiểu cùng hàng loạt phúc lợi khác của người lao động truyền thống nhưng cũng phải chịu các chế tài theo quy định của luật pháp.
Những "tài xế công nghệ" của Uber ăn mừng chiến thắng sau phán quyết của Tòa án Tối cao Anh
Với quyết định này, Uber sẽ buộc phải công nhận các tài xế của mình là nhân viên chính thức và nhiều khả năng đối mặt với làn sóng kiện tụng của vô vàn người lao động trên toàn quốc.
Kể từ lâu, việc những tài xế công nghệ của Uber bị bắt chẹt, cắt phần trăm quá lớn, hay hàng loạt những chính sách bất công đã khiến người lao động của hãng phẫn nộ. Tuy nhiên do chưa được công nhận là lao động truyền thống nên họ khó lòng kiện tụng, trong khi Uber lại được hưởng lợi khi tiết kiệm được các chi phí vốn có cho nhân viên.
Ngay sau quyết định trên của Tòa án Anh, giá cổ phiếu của Uber đã giảm 1,5% trong phiên giao dịch ngày hôm đó.
Đòn chí mạng
Không chỉ là vấn đề của riêng Uber, quyết định của Tòa án Anh đã đánh một đòn chí mạng cho nền kinh tế chia sẻ ở Châu Âu khi đặt ra tiền lệ nguy hiểm cho các hãng công nghệ đang bóc lột sức lao động.
Tận dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 lan tràn, nhiều hãng thương mại điện tử, chuyển phát nhanh hay vận tải đã tăng cường mở rộng thị phần qua những nền tảng online. Tuy vậy điều này đồng nghĩa với việc những người lao động trong nền kinh tế chia sẻ ngày càng bị mất tiếng nói khi luật pháp không công nhận quyền lợi và nghĩa vụ của họ.
"Phán quyết này sẽ khiến các công ty khó tương tác với người tiêu dùng hơn qua các nền tảng kỹ thuật số", Luật sư Michael Powner của Chaerles Russell Speechlys cảnh báo.
Trên thực tế, cuộc chiến đòi quyền lợi của tài xế công nghệ đã diễn ra từ lâu. Những nhân viên của Uber tại bang California-Mỹ đã từng kiện công ty này vì không chấp nhận được gọi là "đối tác độc lập" (Independent Contractors) bởi họ sẽ không nhận được các quyền lợi đáng có của một lao động truyền thống.
Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách của Liên minh Châu Âu (EU) đã tuyên bố sẽ họp bàn nâng cao tiêu chuẩn cho người lao động trong nền kinh tế số vào cuối tháng này.
"Quyết định trên là đón chí mạng vào các mô hình kinh doanh như của Uber. Với tư cách là một doanh nghiệp, họ cần phản ứng vô cùng cẩn trọng với phán quyết trên", Luật sư Paul Jenning của Bates Wells nhấn mạnh.
Quyết định của Tòa án Tối cao Anh là dấu chấm hết cho hành trình tranh cãi 5 năm qua của Uber về vấn đề quyền lợi cho các tài xế công nghệ. Hiện Uber đang phải đối mặt với hàng chục nghìn tài xế công nghệ làm việc cho hãng đòi quyền lợi chính đáng cho người lao động.
Nếu phán quyết được thực hiện, Uber sẽ phải đền bù bình quân 16.700 USD mỗi tài xế cho hàng nghìn người kiện cáo vì công ty vi phạm quyền lao động.
Tồi tệ hơn, việc thắt chặt quản lý với tài xế công nghệ có thể dẫn đến những quyết định truy thu thuế cho Uber tại Anh. Chuyên gia phân tích Aitor Ortiz của Bloomberg Intelligence nhấn mạnh Uber sẽ phải thanh toán 1,3 tỷ USD tiền thuế chưa trả cho chính phủ Anh nếu các tài xế công nghệ của họ được công nhận là người lao động thay vì "đối tác độc lập" như trước đây.
"Sự thất bại của Uber đồng nghĩa với việc công ty sẽ đối mặt với chi phí lao động tăng cao ở Anh và thậm chí là trên toàn Châu Âu khi các nhà hoạch định chính sách bàn thảo bộ luật mới nhằm siết chặt nền kinh tế chia sẻ", Chuyên gia Ortiz nhấn mạnh.
Thắng lợi của "tài xế công nghệ"
Bên cạnh việc công nhận tài xế công nghệ cũng đáng được hưởng quyền lợi như người lao động chân chính, Tòa án Anh còn phán quyết họ sẽ được tính thời gian làm việc bất cứ khi nào đăng nhập và chấp nhận chuyến xe trên ứng dụng.
Phía Uber phản đối điều này khi cho rằng chúng sẽ khiến các tài xế nhận được nhiều mức lương cơ bản cùng lúc khi sử dụng hàng loạt ứng dụng chia sẻ, kể cả các đối thủ của Uber để nhận khách.
Dẫu vậy, phía chính phủ Anh có vẻ cứng rắn hơn với Uber khi nền kinh tế chia sẻ đã thu lợi rất nhiều thời gian qua nhờ dịch bệnh.
"Đây là cái kết cho cuộc tranh cãi tại Anh. Uber là kẻ thua còn các tài xế công nghệ là người thắng cuộc", Chuyên gia Martin Chitty của Gowling WLG nhận định.
Băng Tâm
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị