Kinh tế Mỹ dự báo sẽ tăng trưởng theo biểu đồ chữ V - Ảnh: Bloomberg
Mặc dù kinh tế Mỹ vẫn còn sa lầy trong mùa đông COVID-19, Phố Wall và các chuyên gia kinh tế đang hướng đến một viễn cảnh phấn khởi: Cú bùng nổ sau đại dịch.
Các nhà dự báo luôn kỳ vọng sau đại dịch COVID-19 sẽ là một giai đoạn tăng trưởng khi doanh nghiệp tái mở cửa và người dân nối lại hoạt động bình thường.
Theo báo New York Times, trong những tuần gần đây, giới kinh tế Mỹ bắt đầu râm ran về một thứ còn tươi sáng hơn: Một cú phục hồi siêu mạnh mẽ có khả năng kéo tụt thất nghiệp, đẩy mạnh tiền lương và tạo đà cho nhiều năm tăng trưởng mạnh liên tục.
Dự báo lạc quan
Có vài dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ đã bắt đầu thức tỉnh: Bán lẻ bật dậy trong tháng qua khi tiền hỗ trợ từ chính phủ đổ vài tài khoản người dân, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm dần từ đầu tháng 1-2021, doanh nghiệp bắt đầu đổ vốn đầu tư cho thấy sự tự tin...
Trong tháng 2, Ngân hàng Dự trữ liên bang Philadelphia khảo sát các nhà kinh tế, và họ dự báo GDP của Mỹ sẽ tăng trung bình 4,5% trong năm nay - mức cao nhất kể từ năm 1999.
Vài người thậm chí còn lạc quan hơn, các chuyên gia của Ngân hàng Goldman Sachs dự báo mức tăng tới 6,8%, thất nghiệp giảm còn 4,1% đến tháng 12-2021. Để so sánh, lần suy thoái trước Mỹ cần đến 8 năm để lấy lại mức phục hồi trên.
"Chúng ta có khả năng đạt mức tăng trưởng rất cao. Dù chưa biết nó có được gọi là bùng nổ không, tôi vẫn cho đây là mô hình hồi phục chữ V", ông Jan Hatzius, nhà kinh tế trưởng của Goldman, nhận định.
Tâm trạng lạc quan của giới làm ăn Mỹ dựa trên vài yếu tố, bao gồm số ca nhiễm COVID-19 giảm mạnh, chương trình tiêm chủng đang tăng tốc, hàng ngàn tỉ đô la chính phủ đổ ra giúp nền kinh tế trụ vững năm 2020, có ít doanh nghiệp đóng cửa hoặc cá nhân bị phá sản hơn người ta lo sợ...
Và một điều quan trọng, đó là người tiêu dùng Mỹ đang ngồi trên núi đôla ngàn tỉ - kết quả của nhiều tháng không có chỗ tiêu xài trong lúc giãn cách. Núi tiền đó còn có thể lớn hơn nữa nếu Quốc hội Mỹ thông qua gói hỗ trợ mới nhất do Tổng thống Biden đề xuất.
Có thể hình dung khi đại dịch chấm dứt, núi tiền kia sẽ đổ ra như tuyết tan sau mùa đông. Người tiêu dùng chen nhau đặt nhà hàng, khách sạn; doanh nghiệp tranh nhau nhân viên và nguồn hàng để đáp ứng nhu cầu; người lao động thoát khỏi nhiệm vụ chăm sóc con cái và nỗi sợ virus, sẽ quay lại thị trường lao động với vô số cơ hội...
"Nhu cầu tiêu dùng bị dồn nén sẽ bùng nổ khi nền kinh tế mở lại, nhu cầu này lại được bơm thêm rất nhiều sức mạnh trong thời gian qua (mỗi gia đình Mỹ nhận được vài ngàn USD hỗ trợ từ chính phủ)", bà Ellen Zentner, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Morgan Stanley, dự báo.
Nhu cầu tiêu dùng ở Mỹ được dự báo sẽ hồi phục mạnh mẽ - Ảnh: Bloomberg
Rủi ro và cơ hội
Tất nhiên, viễn cảnh tươi đẹp trên chưa hẳn chắc chắn. Nếu tiêm chủng không gặp trắc trở, nếu biến thể virus không làm phức tạp thêm đại dịch, nếu cạnh tranh chính trị ở Washington không làm chậm trễ gói giải cứu... Thậm chí khi mọi thứ suôn sẻ, có thể mất nhiều năm trước khi cuộc sống trở lại như trước đại dịch.
Kinh tế bùng nổ cũng mang lại rủi ro. Những tuần gần đây, các nhà kinh tế Mỹ nổi bật, bao gồm cựu bộ trưởng tài chính Lawrence H. Summers dưới thời Tổng thống Clinton, cảnh báo rằng gói giải cứu của Tổng thống Biden quá lớn, có thể khiến nền kinh tế nóng quá mức, đẩy giá tiêu dùng lên cao và buộc Cục Dự trữ liên bang (FED) sớm dừng "bữa tiệc"...
Nhưng FED đã gạt qua quan ngại trên với giải thích rằng vài thập niên gần đây lạm phát ở Mỹ luôn duy trì ở mức quá thấp thay vì quá cao.
Trong khi đó, các nhà kinh tế khác thì lo tăng trưởng chỉ mang lại lợi ích lớn cho người giàu, đào sâu thêm hố ngăn cách giàu nghèo vốn đã trầm trọng trong đại dịch.
"Chúng ta có thể chứng kiến kinh tế bùng nổ trong tương lai, nhưng điều đó chỉ càng đẩy một số người về phía sau, hoặc cho họ được rất ít trong khi họ cần rất nhiều", bà Tara Sinclair, nhà kinh tế của ĐH George Washington, nêu quan điểm.
Tuy nhiên, với nhiều doanh nghiệp và hộ gia đình Mỹ chật vật sống qua ngày trong đại dịch, những lo lắng trên không là gì so với cơ hội mà một cú bùng nổ kinh tế mang lại.
Ông Constance L. Hunter, nhà kinh tế trưởng của hãng kế toán KPMG, so sánh vận hội phía trước với giai đoạn sau Thế chiến thứ 2. Đó là khoảng thời gian khoa học - công nghệ phát triển vũ bão bù đắp cho sự tàn phá, tăng trưởng sản xuất và kinh tế thuộc hàng cao nhất trong lịch sử.
Vài thập niên gần đây hiện tượng kinh tế "bùng nổ" ít xảy ra hơn, nhưng người ta có lý do tin sự hồi phục lần này sẽ khác. Kinh tế Mỹ tương đối khỏe mạnh trước suy thoái (do dịch COVID-19), không có bong bóng nhà ở, nợ hộ gia đình ở mức thấp, ngân hàng không ngồi trên núi nợ xấu... Do đó không có lý do gì - ít nhất trên lý thuyết - mà nền kinh tế Mỹ không thể cất cánh khi hết dịch.
"Hãy cổ vũ cho sự hồi phục, nhưng đừng trông chờ nó sẽ làm mọi thứ cho chúng ta", nhà kinh tế Sinclair chốt lại.
TTO - Mỹ ghi nhận cột mốc buồn với 500.000 người chết vì COVID-19 dù số ca nhiễm đã giảm và ngày càng có nhiều người tiêm vắc xin hơn. Tổng thống Biden dự kiến sẽ phát biểu tại lễ tưởng niệm vào ngày 22-2.