Những tuần gần đây, thế giới đã chứng kiến sự gia tăng căng thẳng trên các tuyến đường thủy của khu vực Đông Á khi một nhóm tác chiến tàu sân bay Trung Quốc và tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan, kênh Channel News Asia đưa tin.
Đồng thời - với cái cớ bảo vệ chủ quyền và quyền hàng hải của Trung Quốc - chính quyền Bắc Kinh đã thông qua đạo luật trao quyền cho Cảnh sát biển Trung Quốc kiểm tra và nổ súng đối với các tàu nước ngoài trong vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Đạo luật này cũng cho phép họ phá bỏ các công trình mà các nước khác đã xây dựng trên các bãi đá ngầm mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và tạo ra các khu vực loại trừ nhằm ngăn các “tàu không mong muốn” đi vào “khi cần thiết”.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) bắt tay Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái). Ảnh: AP
Phép thử của Trung Quốc dành cho Mỹ
Theo Channel News Asia, những động thái này của Bắc Kinh chính là phép thử ban đầu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đối với Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Bắc Kinh không lãng phí thời gian để kiểm tra mức độ mà họ có thể theo đuổi các tuyên bố chủ quyền trên biển và gây sức ép lên Đài Loan trước khi nhận được sự phản đối từ Nhà Trắng.
Như một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc tức giận đối với việc Mỹ và Đài Loan gia tăng tiếp xúc chính trị và việc Washington bán vũ khí cho hòn đảo này, trong những tháng gần dây, Trung Quốc đã điều nhiều máy bay chiến đấu, máy bay chống tàu ngầm và máy bay ném bom vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan.
Theo Bắc Kinh, cuộc tập trận hồi tháng 1 chính là một "lời cảnh báo nghiêm trọng đối với các thế lực bên ngoài" và cần thiết để "bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia" trước sự can thiệp của nước ngoài.
Leo thang căng thẳng Mỹ - Trung
Ngay sau đó, cùng tuần, tàu khu trục USS John McCain đã đi qua eo biển Đài Loan như một minh chứng cho “cam kết của Washington đối với một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” và thể hiện quyết tâm sẽ "bay, đi thuyền và hoạt động ở bất cứ đâu mà luật pháp quốc tế cho phép", theo tuyên bố của Hạm đội 7 thuộc Hải quân Mỹ.
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng liên quan đến Đài Loan, ngày 6-2, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Dương Khiết Trì nhấn mạnh với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken rằng đây là thời điểm quan trọng trong quan hệ Mỹ-Trung và kêu gọi Mỹ nêu cao tinh thần không đối đầu, đồng thời nhấn mạnh Đài Loan vẫn là vấn đề “quan trọng và nhạy cảm nhất” trong mối quan hệ Mỹ - Trung.
Tàu khu trục USS John McCain của Mỹ. Ảnh: EPA
Vậy, Tổng thống Biden nên phản ứng như thế nào trước những thách của Trung Quốc liên quan đến Đài Loan?
Tiếp tục theo đuổi các nhiệm vụ hiện tại
Đầu tiên, các cuộc tập trận như các nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz của Mỹ vào tuần trước ở Biển Đông có ý nghĩa quan trọng để thể hiện quyết tâm và cam kết của Washington đối với các đồng minh và đối tác trong khu vực giữa những tuyên bố chủ quyền về lãnh thổ của Trung Quốc.
Hai nhóm tác chiến này - bao gồm 120 máy bay cùng với các tàu khu trục và tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường - chứng tỏ khả năng của Mỹ trong việc thúc đẩy một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Các hoạt động tự do hàng hải (FONOPs) và triển khai máy bay hải quân thường xuyên của Mỹ và đồng minh cũng cần thiết để gửi thông điệp rằng hành động gây hấn sẽ không được dung thứ.
Hỗ trợ khả năng phòng vệ của Đài Loan
Ngoài các hành động của Hạm đội 7 Mỹ, nước này còn cần triển khai nhiều hành động khác để nâng cấp khả năng phòng vệ của Đài Loan. Điều này nhằm mục đích thông báo với Trung Quốc về cam kết của chính quyền Biden đối với Đài Loan.
Cùng với đó, Đạo luật Quan hệ Đài Loan năm 1979 cho phép Mỹ cung cấp vũ khí cho Đài Loan “với số lượng cần thiết để cho phép Đài Loan duy trì khả năng tự vệ đầy đủ”.
Theo báo cáo của ông Bradley Bowman và ông Andrew Stricker thuộc Tổ chức Bảo vệ các nền dân chủ, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phê duyệt một trong những gói viện trợ quân sự lớn nhất từ trước đến nay cho Đài Loan - gói viện trợ vượt quá 17 tỉ USD.
Ông Bowman và ông Stricker lập luận rằng Mỹ nên tiếp tục chính sách bán vũ khí cho Đài Loan để đáp ứng các nghĩa vụ của mình theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan.
Theo đó, Washington cũng nên cung cấp cho Đài Bắc tên lửa chống hạm, tên lửa hành trình, mìn phòng thủ hải quân và hệ thống phòng không tầm ngắn.
Duy trì “học thuyết mơ hồ chiến lược”
Giữa thời điểm đầy biến động này, ông Biden có thể giúp ngăn chặn sự xâm lược của Trung Quốc bằng cách duy trì học thuyết mơ hồ chiến lược của Mỹ.
Cũng như các chính quyền trước đây, ông Biden có thể bảo lưu quyền sử dụng vũ lực để bảo vệ Đài Loan, nhưng không dự báo về các khả năng mà Washington sẽ sử dụng quân sự trong các cuộc xung đột trong tương lai. Do đó, điều này có thể làm thay đổi tính toán của Bắc Kinh và có thể hạn chế các hành động của họ.
Điều này sẽ phù hợp với luật pháp Mỹ theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan, quy định rằng “bất kỳ nỗ lực nào nhằm xác định tương lai của Đài Loan bằng các biện pháp không hòa bình” sẽ thể hiện “mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh của khu vực Tây Thái Bình Dương”.
Ngoài ra, Washington và Bắc Kinh nên cùng nỗ lực giảm thiểu nguy cơ leo thang đối với Đài Loan cũng như các khu vực rộng lớn hơn.
Ban đầu, điều này có thể bao gồm các cuộc họp định kỳ giữa các lực lượng vũ trang Mỹ và Trung Quốc cũng như thiết lập đường dây nóng quân sự.
Tiếp cận “đúng mực”
Chính quyền Biden nên kiềm chế để không bị Đài Loan lôi kéo vào các tranh chấp với Trung Quốc đối với Đài Loan bằng cách tránh gây chú ý về quan hệ Mỹ - Đài. Theo đó, các cuộc họp giữa các quan chức Mỹ và Đài Loan nên được tổ chức ít phô trương hơn.
Chuyến thăm Đài Bắc của cựu Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar vào 2020 đã làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc một cách không cần thiết. Sai lầm này từ phía Washington càng làm phức tạp thêm vấn đề Đài Loan vốn đã trở thành thách thức lớn nhất cho đến nay trong chính sách đối với Trung Quốc của ông Biden.
Ngoài ra, các phương pháp tiếp cận phi quân sự có thể giúp làm suy giảm những nỗ lực của Trung Quốc trong việc cô lập Đài Loan khỏi cộng đồng thế giới. Chính quyền ông Biden cần tăng cường quan hệ văn hóa, giáo dục, công nghệ, khoa học và kinh tế với Đài Loan.
Cuối cùng, chính quyền Biden nên định kỳ nhấn mạnh lại cam kết giúp Đài Loan duy trì khả năng tự vệ đầy đủ, hỗ trợ giải quyết hòa bình các vấn đề xuyên eo biển và tập trung làm sâu sắc hơn quan hệ với Đài Loan.
Cho đến nay, ông Biden đã báo hiệu rằng chính quyền của ông sẽ áp dụng lại nhiều cách tiếp cận của ông Trump đối với Đài Loan.
Việc nâng cao quan hệ của Mỹ với Đài Loan - nếu được thực hiện phù hợp, khéo léo và tôn trọng lẫn nhau đối với Bắc Kinh - có thể là một cách tiếp cận hiệu quả để duy trì hòa bình ở eo biển Đài Loan.