Người dân Hà Nội tham gia "giải cứu" nông sản Hải Dương - Ảnh: H.Q
Cũng may hoạt động "giải cứu" nông sản cho vùng dịch đã giảm một phần khó khăn, nhưng với hàng xuất khẩu bị chặn đứng ở cửa ngõ Hải Phòng không thể ra cảng xem như nhà sản xuất... "chết đứng".
Sự tấp nập "giải cứu" ở nhiều nơi mấy ngày qua vẫn chẳng lay động được quy định khắt khe của TP Hải Phòng, nơi tiếp giáp và là cửa ngõ lưu thông hàng hóa quan trọng cho Hải Dương. Hết ngưng tiếp nhận hàng hóa từ Hải Dương, lại duy trì kết quả xét nghiệm của tài xế chỉ có giá trị 3 ngày, đi về 1 chuyến, hết 3 ngày lại xét nghiệm từ đầu. Rồi phải bố trí chỗ nghỉ cho tài xế vào khu tập trung, chi phí, công sức đều đội lên...
Hôm qua 22-2, sau mấy lần ký văn bản "nhờ vả", chủ tịch tỉnh Hải Dương lại tiếp tục có công văn "khẩn thiết" mong Hải Phòng tháo gỡ. Trong 90.000 tấn hành, tỏi, cà rốt, rau ăn lá đang rộ vào mùa thu hoạch của tỉnh, có đến 80% cần xuất khẩu qua cảng Hải Phòng với đơn đặt hàng của một loạt nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan...
Không qua được "cửa" Hải Phòng, hàng không đến được đối tác, ngoài đền bù còn tổn hại uy tín, khi mà những thị trường này là thành quả của nhiều năm người dân và chính quyền, các bộ, ngành nỗ lực đàm phán, xúc tiến để có đầu ra cho nông sản Việt.
Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch là cần thiết. Nhưng dù Hải Phòng có giải thích thế nào cũng khó thuyết phục được cách làm này đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng vì "mục tiêu kép", vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Tiếp giáp với 6 tỉnh, TP gồm Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên và Thái Bình, nếu nơi nào cũng ứng xử với "hàng xóm" như Hải Phòng thì nông sản, hàng hóa Hải Dương biết đi về đâu?
Đâu chỉ có Hải Phòng chống dịch. Lãnh đạo 1 trong 5 tỉnh giáp ranh còn lại chia sẻ tất cả các xe nông sản, hàng hóa của Hải Dương đi vào tỉnh sẽ được tạo điều kiện tối đa. Vị lãnh đạo này nói việc chỉ đạo bằng văn bản để "các đơn vị thực hiện có trách nhiệm hơn, đồng cảm hơn với Hải Dương".
Chẳng lẽ những địa phương đang tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa của Hải Dương đã bỏ qua nhiệm vụ chống dịch?! Hóa ra, không phải không có lối ra. Sáng tạo, quyết liệt gỡ khó, chắc tình hình không quá căng thẳng như vậy.
Cần nhắc lại đợt dịch năm trước người dân nhiều nơi điêu đứng. Trung Quốc bùng phát dịch bệnh, biên giới gần như đóng cửa, hàng hóa "đóng băng" nhưng rồi khi các bộ ngành tích cực vào cuộc, mọi việc cũng được gỡ. Giao thương hai nước thời COVID-19 còn tháo gỡ được, chẳng lẽ "người trong một nước" lại khó đến vậy?
Chưa đầy 1 tháng, Hải Dương ra 4 văn bản nhờ Hải Phòng tháo gỡ, nhưng con đường thông thương vẫn vô cùng gập ghềnh. Nếu các địa phương không ngồi được với nhau, trong lúc mùa vụ gấp gáp, nước sôi lửa bỏng, rất cần vai trò điều tiết từ Chính phủ.
Năm 2020 chúng ta thành công trong chống dịch, đất nước có được tăng trưởng kinh tế dương chính là nhờ kiên trì "mục tiêu kép". Không thể quên và cũng không được quên bởi mọi người dân, bất kể địa phương nào cũng đều cần, rất cần đến "mục tiêu kép".
TTO - Hàng chục ngàn tấn nông sản tồn đọng nhưng không xuất khẩu được do những yêu cầu và quy định siết chặt trong lưu thông hàng hóa của Hải Phòng khiến tỉnh Hải Dương phải liên tiếp có văn bản đề nghị tháo gỡ.
Xem thêm: mth.21065747032201202-ior-uad-pek-ueit-cum-gnoud-iah-iov-ohk-gnohp-iah/nv.ertiout