Giá dầu thế giới tăng hơn 3% trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (22/2), khi giới đầu tư cho rằng sản lượng khai thác dầu của Mỹ sẽ phục hồi chậm sau đợt sụt giảm vì thời tiết đóng băng ở Texas trong tuần trước.
Theo tin từ CNBC, thời tiết lạnh giá kỷ lục ở Texas - khu vực sản xuất dầu lớn nhất của nước Mỹ - và một số bang khai thác dầu khác đã khiến sản lượng khai thác dầu của nước này giảm 2-4 triệu thùng/ngày. Ngoài ra, điều kiện đóng băng cũng có thể khiến hệ thống máy móc của các mỏ dầu bị hư hại ít nhiều, dẫn tới việc khôi phục sản lượng trở nên khó khăn hơn.
Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng 2,04 USD/thùng, tương đương tăng 3,2%, đạt 64,95 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York tăng 2,25 USD/thùng, tương đương 3,8%, đạt 61,49 USD/thùng.
Theo dữ liệu từ Trading View, đây là mức giá đóng cửa cao nhất của dầu WTI kể từ cuối tháng 12/2009. Từ đầu năm đến nay, giá dầu đã tăng hơn 20%.
Một số nguồn tin nói rằng các nhà sản xuất dầu đá phiến tại những khu vực bị ảnh hưởng sẽ phải mất ít nhất 2 tuần để phục hồi sản lượng về mức như bình thường, vì công tác đánh giá thiệt hại và tình trạng mất điện cũng sẽ cản trở tiến trình phục hồi.
"Mất mát lớn về sản lượng dầu thô và xăng cho thấy triển vọng tăng giá của dầu được đẩy lên cao hơn chỉ trong vòng có 1 tuần", chuyên gia Jim Ritterbusch của công ty tư vấn Ritterbusch and Associates phát biểu.
Tuy nhiên, với công suất của các nhà máy lọc dầu cũng bị giảm do điều kiện thời tiết, có thể mất vài tuần để trở lại bình thường, giá dầu cũng có thể sụt giảm trở lại vì không đủ nhu cầu - ông Bob Yawger, Giám đốc phụ trách mảng năng lượng giao sau thuộc ngân hàng Mizuho, nhận định.
"Thị trường đang phản ứng như thể các nhà máy lọc dầu sẽ hoạt động bình thường trở lại rất nhanh chóng vậy", ong Yawger nói.
Tuần trước, số giàn khoan dầu hoạt động ở Mỹ lần đầu tiên giảm kể từ tháng 11, do thời tiết xấu ở Texas, New Mexico và một số bang sản xuất dầu khác. Đây được xem là tín hiệu cho thấy nguồn cung có thể bị thắt chặt thêm trong thời gian tới.
Vào ngày 4/3 tới, liên minh OPEC+ sẽ nhóm họp. Nguồn thạo tin nói rằng nhóm này có thể nới lỏng nguồn cung sau tháng 4 nếu giá dầu tiếp tục tăng. Dù vậy, bất kỳ một sự tăng sản lượng nào từ OPEC+ cũng sẽ khiêm tốn bởi tình hình đại dịch còn nhiều bấp bênh.
"Saudi Arabia còn muốn theo đuổi mức giá cao hơn để đạt tới cân bằng ngân sách ở mức giá 80 USD mỗi thùng dầu", nhà phân tích Bjarne Schieldrop của SEB phát biểu.
Một báo cáo mới đây của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs đã dự báo giá dầu Brent có thể lên 70 USD/thùng trong quý 2 năm nay và lên 75 USD/thùng trong quý 3. Cơ sở của dự báo này là nguồn cung dầu của thế giới sẽ tăng chậm hơn so với tốc độ hồi phục của nhu cầu tiêu thụ.
Nhiều tổ chức dự báo khác cũng nâng dự báo giá dầu. Socar Trading cho rằng giá dầu sẽ đạt 80 USD/thùng trong năm nay vì nhu cầu sẽ tăng mạnh và các nha sản xuất sẽ không phản ứng kịp.
Ông Hayal Ahmadzada, Giám đốc phụ trách giao dịch của Socar, nói rằng đến mùa hè năm nay, lượng dầu thừa tích tụ trong năm 2020 do đại dịch sẽ được dùng hết. Ngoài ra, việc giá thép dùng cho các đường ống, giếng dầu và mối nối tăng mạnh cũng làm gia tăng chi phí đầu tư, dẫn tới các công ty khai thác dầu có thể sẽ không thể tăng sản lượng với tốc độ đủ nhanh để đáp ứng sự hồi phục nhu cầu.
"Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu giá dầu đạt 80 USD/thùng vào mùa hè hoặc trước cuối năm, và trên 100 USD/thùng trong 18-24 tháng tới", ông Ahmadzada nói với hãng tin Bloomberg.
Xem thêm: mth.12214648032201202-gnuht-dsu-001-nel-oab-ud-oc-hnam-gnat-ioig-eht-uad-aig/nv.ymonocenv