Đại tá, PGS.TS Bùi Ngọc Giáp, Chánh Văn phòng thường trực Cục CSĐT tội phạm về ma túy, Bộ Công an cho biết, hiện nay, trước những thách thức và mối đe dọa của TPMT có tổ chức xuyên quốc gia, lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam và các nước đã có nhiều nỗ lực, chủ động phối hợp đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả, góp phần bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân.
Tuy nhiên, những năm gần đây, tình trạng TPMT lẩn trốn có xu hướng gia tăng, gây khó khăn cho các hoạt động điều tra của cơ quan chức năng, ảnh hường nghiêm trọng đến tính nghiêm minh của pháp luật, làm suy giảm sức mạnh của hệ thống tư pháp hình sự.
Các đối tượng khi lẩn trốn bên ngoài xã hội tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội, tạo nên nguy cơ mất an ninh, trật tự. Đặc biệt, nhiều đối tượng phạm tội về ma túy lẩn trốn sang các nước tiếp tục câu kết, móc nối với đối tượng trong nước hoạt động phạm tội, thậm chí hình thành các đường dây, tổ chức tội phạm về ma túy hoạt động xuyên quốc gia với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng, phương thức, thủ đoạn phạm tội cũng như lẩn trốn hết sức tinh vi, xảo quyệt bằng cách tạo nhân thân, lai lịch giả, tạo vỏ bọc hợp pháp, thay hình, đổi dạng, trốn ở các khu vực ít dân cư hoặc nơi công tác quản lý con người, quản lý địa bàn của các lực lượng chức năng nước sở tại có nhiều sơ hở, thiếu sót hoặc có sự tiếp tay của đồng bọn, người thân.
Đáng lo ngại, nhiều đối tượng truy nã tự trang bị vũ khí nóng, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng và quần chúng nhân dân khi bị phát hiện, truy bắt. Bên cạnh đó, nhiều đối tượng lợi dụng chính sách mở cửa, hội nhập kinh tế thế giới, giao thông thuận tiện đã trốn ra nước ngoài ngay sau khi gây án. Do đó, hợp tác quốc tế để truy bắt đối tượng truy nã là yêu cầu hết sức cấp thiết, mang tính tất yếu khách quan trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm xuyên quốc gia.
Thời gian qua, lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy đã chủ động hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật các nước, các tổ chức quốc tế trong nỗ lực đấu tranh chống các loại tội phạm về ma túy xuyên quốc gia, truy bắt các đối tượng có lệnh truy nã sau khi gây án trốn ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài chạy sang Việt Nam ẩn náu nhắm trốn tránh pháp luật.
Hoạt động truy nã tội phạm quốc tế của Việt Nam thông qua các kênh hợp tác song phương và đa phương được thực hiện trên nguyên tắc có đi có lại. Lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy đã phối hợp bắt giữ, dẫn giải, tiếp nhận hoặc trao trả hàng trăm đối tượng truy nã quốc tế hoặc truy nã của Việt Nam theo đúng các quy định và thông lệ quốc tế về tương trợ tư pháp; hợp tác về dẫn độ tội phạm sau khi bắt giữ để truy cứu trách nhiệm hình sự và thi hành bản án hình sự được triển khai có hiệu quả, tuân thủ thủ tục pháp luật quốc gia và quốc tế.
Hiện nay, Cục CSĐT tội phạm về ma túy, Bộ Công an đã có văn bản trao đổi các cơ quan chức năng thuộc Bộ Công an để rà soát danh sách phạm nhân quốc tịch Việt Nam đang chấp hành án tại Trung Quốc; rà soát, xác minh các đối tượng truy nã do Campuchia ra quyết định truy nã; xác minh thông tin đối tượng truy nã trốn tại Lào, Trung Quốc để phối hợp truy bắt. Cục CSĐT tội phạm về ma túy cũng xác định thông tin về 37 đối tượng truy nã tại các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia, Anh, Đức và các nước khác, lên kế hoạch truy bắt.
Để nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong phát hiện, truy bắt đối tượng truy nã phạm tội về ma túy trong thời gian tới, lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung hạn chế đầu vào đối tượng truy nã nói chung, đối tượng truy nã quốc tế nói riêng, nhất là số đối tượng trong các vụ án đặc biệt nghiêm trọng lẩn trốn phải tổ chức truy bắt ngay, không để đối tượng trốn thoát, gây khó khăn cho quá trình điều tra, lãm rõ vụ án. Bộ Công an sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ và toàn diện hơn nữa với các nước, các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Interpol, Aseanpol. Cục CSĐT tội phạm về ma túy tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an mở các đợt cao điểm tấn công, truy bắt đối tượng truy nã với các nước láng giềng.
Đẩy mạnh hoạt động phối hợp với cơ quan An ninh, Cảnh sát, Nội vụ, Tư pháp các nước trong khu vực và trên thế giới để đảm bảo chuyển giao đầy đủ thông tin liên quan đến công tác truy nã tội phạm, phục vụ tốt cho công tác truy bắt đối tượng truy nã. Chú trọng nghiên cứu, xây dựng và ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp, hiệp định dẫn độ tội phạm giữa Việt Nam và các nước, tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi cho hợp tác quốc tế trong truy bắt đối tượng truy nã phạm tội về ma túy…