Theo đài NBC News, hồi năm 2010, khi nền kinh tế rất thịnh vượng và các công ty nhà nước đang tìm cách mở rộng ra toàn cầu, Trung Quốc đã để mắt đến châu Mỹ Latinh, một khu vực thiếu vốn nhưng giàu tài nguyên - thứ mà gã khổng lồ châu Á này tìm kiếm. Kết quả: một số tiền vay kỷ lục 35 tỉ USD mà Trung Quốc dành cho các nước Mỹ Latinh được triển khai trong năm đó.
Trung Quốc đã cho vay hàng tỉ USD để xây dựng cảng, đường sắt và các cơ sở hạ tầng khác trên khắp châu Á, châu Phi, châu Âu và châu Mỹ Latinh nhằm mở rộng khả năng tiếp cận thị trường và tài nguyên.
Một thập niên đã trôi qua và Trung Quốc đang dần cảnh giác hơn với những đối tác tưởng chừng như hoàn hảo này. Bắc Kinh đã trở nên thận trọng hơn khi chứng kiến một số nước chật vật để trả nợ. Các quan chức cho biết họ sẽ kiểm tra lại các dự án và xem xét nguồn tài chính cẩn thận hơn.
Trung Quốc đang khó khăn khi những nước Mỹ Latinh, do bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, đã trì hoãn việc trả các khoản nợ cho nước này.
Lần đầu tiên trong vòng 15 năm, hai ngân hàng chính sách lớn nhất của Trung Quốc là Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) và Ngân hàng Xuất-nhập khẩu Trung Quốc, không có khoản vay mới nào cho khu vực Mỹ Latinh trong năm 2020, đặt dấu chấm cho sự trì trệ kinh tế kéo dài nhiều năm do nền kinh tế trượt dài của Mỹ Latinh.
Một chuyến hàng vắc-xin ngừa COVID-19 mà Trung Quốc gửi đến Brazil. Ảnh: AFP
Đại dịch COVID-19 khiến các quốc gia Nam Mỹ khó khăn hơn trong việc trả nợ cho Bắc Kinh. Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), một cuộc suy thoái sâu 7,4% ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe hồi năm ngoái đã xoá sổ giá trị tăng trưởng gần một thập niên ở đây. Trung Quốc chịu tác động lớn từ việc này. Năm ngoái, Ecuador đã đàm phán để xin hoãn trả khoản nợ gần 900 triệu USD phí vận chuyển dầu cho Trung Quốc thêm 1 năm. Venezuela, nước đi vay nhiều nhất trong khu vực, cũng gia hạn thêm thời gian trả nợ.
Dù các khoản cho vay đã cạn kiệt, Trung Quốc vẫn đẩy mạnh thu mua đậu nành, quặng sắt và các mặt hàng khác ở Mỹ Latinh, ước tính chi khoảng 136 tỉ USD.
Đối với nhiều lãnh đạo trong khu vực, các khoản vay của Trung Quốc cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn là điều khó cưỡng lại. Không giống như các khoản vay từ Ngân hàng Thế giới và IMF, các khoản vay từ Trung Quốc có lãi suất thấp hơn, ít ràng buộc hơn và việc phê duyệt cũng nhanh hơn, giúp các nhà lãnh đạo kịp công bố thành tích trước mùa bầu cử kế tiếp.
Ngay cả Colombia - đồng minh khu vực trung thành nhất của Washington - gần đây cũng đã nhập cuộc. Năm ngoái, một nhà thầu Trung Quốc đã động thổ tuyến tàu điện ngầm đầu tiên ở thủ đô Bogota. Dự án trị giá 3,9 tỉ USD.
Đáp lại việc này, các quan chức Mỹ nhấn mạnh rằng hỗ trợ nước ngoài của Mỹ mới lâu dài và minh bạch hơn.
Trung Quốc đã thay thế Mỹ trở thành đối tác thương mại hàng đầu của một số nước Nam Mỹ. Việc bắt kịp Trung Quốc không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Tổ chức Inter-American Dialogue – một tổ chức tư vấn chính sách ở Washington, và Trung tâm Chính sách Phát triển Toàn cầu của Đại học Boston, đều đã theo dõi hoạt động ngoại giao bằng đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc trên sân sau của Washington nhiều năm. Trong báo cáo mới đây, các tổ chức này cho biết sự gia tăng ảnh hưởng về kinh tế và ngoại giao của Trung Quốc ở khu vực châu Mỹ khiến các nhà hoạch định chính sách Mỹ bất an. Mỹ đã không chống lại được sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nhiệm vụ giờ đây thuộc về chính quyền Tổng thống Joe Biden – vốn cũng đã cảnh báo rằng sự hiện diện của Trung Quốc trong khu vực là mối đe doạ an ninh quốc gia. Không chỉ vậy, Mỹ có thể còn tụt lùi xa hơn trong đại dịch COVID-19, khi Trung Quốc viện trợ hơn 215 triệu USD vật tư, từ găng tay phẫu thuật đến công nghệ ảnh nhiệt, cho các đồng minh trong khu vực. Trong khi đó Mỹ viện trợ 153 triệu USD. Trung Quốc cũng đã tiến hành các thử nghiệm lâm sàng hoặc lên kế hoạch sản xuất vắc xin ở 5 quốc gia - Argentina, Brazil, Chile, Mexico và Peru. |