Australia "không lùi bước" trước "sự bắt nạt" của Facebook
Ngay sau động thái chặn toàn bộ việc chia sẻ tin tức với người dùng Australia của Facebook, Thủ tướng Australia Scott Morrisson đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ. Ông khẳng định: "Đây là Australia, và các vị phải tuân thủ quy định nếu muốn kinh doanh ở đây. Việc chặn các trang tin tức mà Facebook đã làm như một động thái đe dọa, tôi biết người dân Australia sẽ phản ứng như thế nào, đó không phải là một bước đi thông minh"
Chính phủ Australia cũng tiếp tục có những phản ứng mạnh. Hôm 21/2, Bộ trưởng Y tế Greg Hunt thông báo rút các chiến dịch truyền thông quảng cáo khỏi những nền tảng của Facebook, bao gồm cả chiến dịch khuyến khích người dân đi tiêm vaccine COVID-19. Lệnh này sau đó đã được mở rộng ra toàn bộ các cơ quan của chính phủ nước này.
Chính phủ Australia sẽ rút tất cả quảng cáo khỏi nền tảng của Facebook sau động thái chặn chia sẻ tin tức tại nước này (Nguồn: CNN)
Quảng cáo trên Facebook chiếm khoảng ¼ trong tổng số gần 42 triệu AUD chi phí quảng cáo của chính phủ Australia năm tài khóa trước. Việc rút quảng cáo khỏi Facebook cũng thể hiện phản ứng giận dữ, khi mà hành động của Facebook đã chặn cả nhiều trang thông tin của chính phủ, các trang về y tế, cảnh báo thiên tai hay chương trình từ thiện, bất chấp việc Phó chủ tịch Facebook khu vực Châu Á – Thái Bình Dương Simon Milner đã lên tiếng xin lỗi về những trường hợp bị chặn chia sẻ "do nhầm lẫn".
Việc thúc đẩy thông qua dự luật về Bộ quy tắc đàm phán truyền thông – nguồn gốc của các tranh cãi cũng như động thái cứng rắn từ Facebook, không chỉ còn là vấn đề kinh tế, mà đang được giới chức xứ sở kangaroo đề cao như một động thái "bảo vệ chủ quyền quốc gia" – theo lời Bộ trưởng Ngân khố Josh Frydenberg. Nước này cũng đang lên kế hoạch mở rộng "cuộc chiến" với Facebook ra quy mô toàn cầu.
Thủ tướng Australia Scott Morrison trao đổi với lãnh đạo các nước Canada, Anh, Pháp, Ấn Độ nhằm chống lại động thái “bắt nạt” của Facebook (Nguồn: ABC.net.au)
Trong phát biểu của mình, Thủ tướng Scott Morrison cho biết ông đã trao đổi với lãnh đạo nhiều nước: "Thế giới đang nhìn vào những gì diễn ra tại Australia. Tôi đã có cuộc trao đổi với Thủ tướng Canada Trudeau,và thủ tướng Anh Boris Johnson cũng rất quan tâm. Tôi cũng đã thảo luận rất nhiều với tổng thống Pháp về những điều này, tương tự như việc yêu cầu các hãng công nghệ phải đóng thuế. Những gì Australia làm ở đây nhiều khả năng sẽ được học hỏi bởi các nước khác".
Theo báo chí, ông Morrison cũng đã có cuộc trao đổi với thủ tướng Modi của Ấn Độ ngay sau bước đi của Facebook, như một động thái đầu tiên thực thi kế hoạch. Nhà lãnh đạo Australia sẽ dự kiến sẽ tiếp tục đưa ra vấn đề này tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Anh vào tháng 6 tới – mà ông sẽ tham dự với tư cách khách mời.
Điểm nóng mới trong việc siết chặt quản lý giới công nghệ
Dù động thái "quốc tế hóa" của Australia mới chỉ ở những bước đi đầu tiên, thì trên thực tế, cuộc đối đầu giữa nước này với các ông lớn công nghệ Google và Facebook về bản quyền tin tức đang được các nước khác theo dõi sát sao.
Từ Anh, ngay sau động thái của Facebook, Ngoại trưởng nước này Dominic Raab đã lên tiếng kêu gọi Facebook cần ngồi xuống thảo luận một cách hợp lý với giới chức Australia nhằm tìm ra một thỏa thuận "có hiệu lực, hiệu quả và ít tốn kém nhất cho người tiêu dùng". Nghị sĩ Đảng Bảo thủ cầm quyền Julian Knight, chủ tịch Ủy ban Truyền thông và Kỹ thuật số của Nghị viện Anh thì cứng rắn gọi đây là "hành động của kẻ bắt nạt" và có thể đưa tới một phản ứng dây chuyền, khuyến khích các nhà lập pháp toàn cầu mạnh tay hơn "khi mà giới công nghệ không còn thành thực mong muốn hợp tác".
Thực tế là từ trước đó, Anh cũng đã mạnh tay thúc đẩy các ông lớn công nghệ chia sẻ doanh thu từ nội dung tin tức. Đây là nước đầu tiên ngoài Mỹ mà mạng xã hội lớn nhất thế giới tung ra dịch vụ tin tức Facebook News, sau khi đạt thỏa thuận với nhiều đơn vị truyền thông, trong đó có Guardian, The Economist, Financial Times và Sky News cùng hàng trăm tờ báo địa phương để chia sẻ các tin tức có trả phí bản quyền qua dịch vụ này.
Một quốc gia khác là Canada thì đang có ý định theo bước Australia nhằm rắn tay với các ông lớn. Bộ trưởng Di sản của nước này Steven Guilbeault gọi hành động của Facebook là "cực kỳ thiếu trách nhiệm", và Canada "đang ở tuyến đầu" trong việc gây sức ép lên các hãng công nghệ về phí bản quyền nội dung. Theo tờ The Globe & Mail, nước này cũng đang trao đổi với Australia, Phần Lan, Pháp và Đức nhằm thiết lập một liên minh chung đối đầu với Google và Facebook. Số lượng các nước tham gia kế hoạch này cũng được kỳ vọng có thể sớm đạt tới con số 15 nước.
Liên minh châu Âu (EU) từ lâu đã đi đầu trong việc siết chặt quản lý giới công nghệ. Cách đây 2 năm, Nghị viện châu Âu đã thông qua Chỉ thị bản quyền với quan điểm "báo chí và sản phẩm báo chí có chất lượng là không miễn phí". Chỉ thị yêu cầu các quốc gia phải luật hóa việc trả phí bản quyền tin tức chậm nhất là giữa năm nay. Pháp là nước đầu tiên thông qua, và đây là cơ sở để Google đạt thỏa thuận trị giá 76 triệu USD với liên minh gồm 121 đơn vị nội dung của nước này hồi tháng 1 vừa qua, nhằm cung cấp tin thông qua nền tảng News Showcase.
Nhiều tờ báo của Pháp nằm trong thỏa thuận trị giá 76 triệu USD với Google (Nguồn: Reuters)
Tuy nhiên, cuộc chiến bản quyền tin tức tại châu Âu được dự báo sẽ vẫn tiếp tục nóng. Ngay tại Pháp, hiện vẫn còn nhiều đơn vị tin tức đứng ngoài thỏa thuận với Google, đang chỉ trích thỏa thuận nói trên là không công bằng và đe dọa sẽ có động thái pháp lý, trong đó có hãng thông tấn hàng đầu AFP. Ngoài Pháp, các nước khác đều chưa có động thái rõ ràng nhằm thúc đẩy chỉ thị của EU. Quy định của châu Âu cũng nới lỏng hơn, khi cho phép các hãng công nghệ không phải trả phí nếu chỉ chia sẻ liên kết hoặc trích dẫn một câu ngắn trong nội dung.
Mỹ - quê hương của nhiều tập đoàn công nghệ cũng đang có những bước đi đầu tiên về bản quyền tin tức. Các nghị sĩ lưỡng đảng thuộc Tiểu ban Chống độc quyền, Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ được cho là đang soạn thảo một số dự luật, cho phép các hãng tin tức nhỏ bắt tay nhau để thương lượng chung với Google hay Facebook. Thực tế là các ông lớn công nghệ cũng đã chủ động đạt thỏa thuận riêng với nhiều đơn vị nội dung lớn cho thị trường này, như FT, Reuters, và đặc biệt là News Corp của ông trùm truyền thông Rupert Murdoch.
Đế chế truyền thông News Corp đã đạt thỏa thuận phí bản quyền với Google và Facebook tại thị trường Mỹ (Nguồn: WSJ)
Những thỏa thuận đã được công bố tại nhiều nước cho thấy, việc các hãng công nghệ trả phí bản quyền không phải là một yêu cầu bất khả thi, và hoàn toàn có thể là bước tiến lớn cho ngành truyền thông tin tức. Tuy nhiên các chuyên gia nhìn nhận, điều này sẽ đòi hỏi một nỗ lực lớn của các chính phủ quốc tế, cũng như cần các nước bắt tay hợp tác, đàm phán cũng như gây sức ép để các ông lớn chia sẻ lại “miếng bánh doanh thu” theo cách thức mà các bên cùng ủng hộ.
Việt Linh
VTV