Xe sang thiếu hàng vì những con chip
Hôm 22/2, CEO Porsche nói rằng hoạt động hàng ngày của nhà máy sản xuất ô tô hạng sang của Đức có thể bị ảnh hưởng trong những tháng tới do tình trạng thiếu thiếu chất bán dẫn toàn cầu "rất nghiêm trọng".
"Chủ đề chất bán dẫn là một vấn đề rất nóng vì toàn bộ ngành công nghiệp bị ảnh hưởng do nhu cầu lớn của điện tử tiêu dùng và sự trở lại nhanh hơn kỳ vọng trong lĩnh vực ô tô", Oliver Blume, giám đốc điều hành của Porsche, nhận định. "Chúng tôi thấy ảnh hưởng hàng ngày vì thế chúng tôi theo dõi rất kỹ lưỡng để biết mình phải làm gì tiếp theo. Chúng tôi vừa phải giải quyết các vấn đề ngắn hạn và tìm kiếm các giải pháp cho dài hạn".
Nhận định của CEO Porsche được đưa ra sau khi doanh số bán xe ô tô toàn cầu tăng đột biến vào cuối năm ngoái, trùng với thời điểm sự thiếu hụt trong các nguyên liệu cấu thành chip gia tăng. Sự thiếu hụt nguồn cung đã khiến các dây chuyền lắp ráp của ngành công nghiệp xe hơi dựa gặp bế tắc và khiến việc sản xuất hàng trăm nghìn chiếc xe bị đình trệ trên khắp toàn cầu bởi sự phụ thuộc chặt chẽ của họ vào những con chip.
Nhu cầu với những sản phẩm này hay nói chung là chất bán dẫn đã tăng vọt trong đại dịch Covid-19 khi người dùng đổ nhiều tiền cho máy chơi game, máy tính xách tay và TV ở giai đoạn mọi người bị hạn chế di chuyển. Ở thời điểm hiện tại, nhiều sản phẩm trong số này, bao gồm cả máy tính xách tay, máy tính bảng hay các hệ thống chơi game như Xbox Series X và PlayStation 5 cần nhiều thời gian hơn để được chuyển tới khách hàng đặt mua.
Theo các nhà phân tích, tình trạng thiếu chip đã ảnh hưởng đặc biệt đến lĩnh vực ô tô do tính "đúng thời điểm" của chuỗi cung ứng mà ngành công nghiệp xe hơi đã dựa vào hàng thập kỷ để bảo toàn vốn. Khi được hỏi liệu Porsche có xem xét lại mô hình chuỗi cung ứng của mình hay không, ông Blume nói rằng: "Tất nhiên, điều đó rất quan trọng cho tương lai chuỗi cung ứng".
Yêu cầu đại tu với chuỗi cung ứng
Không chỉ Porsche, một nhà sản xuất xe ô tô hạng sang khác của Đức là MercheMercedes-Benz cũng đang phải tính toán lại khi dự trữ chip của họ nhằm ngăn chặn tình trạng tê liệt dây chuyền sản xuất. Những việc làm tương tự có thể thúc đẩy một cuộc đại tu với chuỗi cung ứng, vốn không có nhiều đồ chuẩn bị trước mà chỉ có hàng ngay trước khi cần.
Suốt nhiều thập kỷ qua, các nhà sản xuất ô tô dựa vào việc giao hàng hàng ngày để bảo toàn tiền mặt. hệ thống cũng cho phép các cuộc chiến ở phút chót giữa các nhà sản xuất linh kiện. Tuy nhiên, việc thiếu hụt chip đã cho thấy mô hình này cần phải được cải tiến để đáp ứng nhu cầu mới.
CEO Porsche nói rằng: "Chúng tôi phải nghĩ đến việc gia tăng lượng hàng tồn kho. Tuy nhiên, tăng hàng tồn kho đồng nghĩa với tốn tiền. Chính vì thế, đó có lẽ là lựa chọn cuối cùng".
Không chỉ các hãng xe sang, trong vài tuần qua, các nhà sản xuất ô tô bao gồm Volkswagen, General Motors, Nissan và Honda cũng đã phải ngừng hoạt động các nhà máy hoặc sản xuất chậm lại do các nhà cung ứng phụ tùng phải vật lộn để đảm bảo nguồn cung. Ford ước tính họ có thể mất tới 1/5 sản lượng quý đầu tiên do phải cắt giảm hoạt động sản xuất xe bán tải F-150, sản phẩm bán chạy nhất của họ.
Nghiên cứu từ IHS Markit cho thấy sẽ có khoảng 670.000 chiếc xe ô tô bị giảm trong quý đầu tiên của năm do tình trạng thiếu hụt chung. Ngành công nghiệp này hiện đang phải chuẩn bị cho nhiều tuần gián đoạn nữa khi các nhà cung ứng phải chạy đua để đảm bảo nhu cầu của các nhà sản xuất.
IHS cũng phát hiện ra rằng tình trạng thiếu bụt chủ yếu ảnh hưởng đến việc cung cấp vi điều khiển. Những con chip nhỏ được sử dụng để cung cấp năng lượng cho mọi thứ trong ô tô hiện đại, từ cảm biến đỗ xe đến túi khí và hệ thống giải trí. Đáng quan ngại, khoảng 70% trong số đó được sản xuất bởi một công ty duy nhất: TSMC của Đài Loan.
Tháng trước, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier đã viết thư cho phía Đài Loan để kêu gọi can thiệp thay cho các nhà sản xuất ô tô của mình. Các nước khác bao gồm cả Nhật Bản, Mỹ cũng ra mặt để kêu gọi giải tỏa tình trạng thiếu hụt. Lãnh đạo các công ty cũng đã ngồi lại với nhau để thảo luận nhằm giải quyết vấn đề nan giải này.
Trong khi các vấn đề ngắn hạn chưa được giải quyết, nhiều người đã nghĩ tới một giải pháp dài hạn hơn, trong đó thay đổi đặc tính của chuỗi cung ứng. Theo đó, việc lưu trữ chip trong kho sẽ trở thành vấn đề mà tất cả các nhà sản xuất, từ xe hạng sang cho tới xe phổ thông, phải thực hiện để ngăn chặn khủng hoảng tái diễn một lần nữa.
Tuy nhiên, do chất bán dẫn là sản phẩm "có thời hạn sử dụng" nên các nhà sản xuất ô tô cần phải tính toán kỹ lưỡng số lượng lưu trữ. Một số người khác tính đến việc tăng gấp đôi số nhà cung ứng. Tuy nhiên, việc không lựa chọn được một nhà cung ứng tốt sẽ là thảm họa, ngay cả khi một thương hiệu nào đó có tới 3 nhà cung ứng.