Cụ thể, Sở GTVT TP đề xuất 3 lộ trình tổ chức lưu thông cho phương tiện này.
Giai đoạn 1, từ nay đến 2022, sẽ áp dụng gần như tương tự với các quyết định trước đây.
Theo đó, cấm các loại xe tự chế 3-4 bánh lưu thông trong khu vực trung tâm TP và một số tuyến đường ngoài khu vực trung tâm. Khu vực trung tâm TP.HCM được giới hạn và bên trong các tuyến đường gồm Hai Bà Trưng - Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi - Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thị Nghĩa - Cách Mạng Tháng Tám - Điện Biên Phủ - Hai Bà Trưng.
Đồng thời, cấm các loại xe này lưu thông trong khu vực nội đô TP thời gian từ 5h đến 13h và từ 16h đến 22h. Khu vực nội đô TP được giới hạn bên trong các tuyến vành đai gồm:
Hướng Bắc và hướng Tây: Quốc lộ 1 (đoạn từ nút giao Quốc lộ 1 - Xa Lộ Hà Nội đến nút giao Quốc lộ 1 - đường Nguyễn Văn Linh).
Hướng Đông: Xa Lộ Hà Nội (đoạn từ nút giao Quốc lộ 1 - Xa lộ Hà Nội đến nút giao thông Cát Lái) - đường Mai Chí Thọ - đường Đồng Văn Cống (đến đường Võ Chí Công).
Hướng Nam: đường Võ Chí Công (từ đường Đồng Văn Cống đến cầu Phú Mỹ) - cầu Phú Mỹ - đường trên cao (từ cầu Phú Mỹ đến nút giao Khu A Nam Sài Gòn) - đường Nguyễn Văn Linh (đoạn từ nút giao Khu A Nam Sài Gòn đến Quốc lộ 1).
Giai đoạn này cũng cấm các loại xe trên lưu thông trên các tuyến đường, đoạn đường thời gian từ 6h đến 8h và từ 16h đến 19h. Các tuyến đường, đoạn đường hạn chế lưu thông:
Xa lộ Hà Nội (đoạn từ nút giao Quốc lộ 1 - Xa Lộ Hà Nội đến nút giao thông Cát Lái), quốc lộ 1, quốc lộ 1K (đoạn từ Quốc lộ 1 đến ranh tỉnh Bình Dương), quốc lộ 13 (đoạn từ Quốc lộ 1 đến ranh tỉnh Bình Dương);
Quốc lộ 22 (đoạn lừ Quốc lộ 1 đến ranh tỉnh Tây Ninh); quốc lộ 50 (đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến ranh tỉnh Long An), đường Nguyễn Văn Linh (đoạn từ nút giao Khu A Nam Sài Gòn đến Quốc lộ 1), đường Nguyễn Lương Bằng (đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến đường Phạm Hữu Lầu).
Giai đoạn 2, từ năm 2022 – 2025. Đối với vành đai hạn chế tương tự như giai đoạn 1. Đối với thời gian hạn chế lưu thông vào khu vực nội đô TP và một số tuyến đường, đoạn đường điều chỉnh thời gian cấm từ 5h đến 22h.
Giai đoạn 3, sau 2025, chấm dứt hoàn toàn hoạt động đối với loại phương tiện này trên địa bàn TP.HCM.
Theo Sở GTVT TP, qua đánh giá tình hình thực tế hiện nay, sở nhận thấy nhu cầu sử dụng loại phương tiện này là có thật, do tính cơ động cao và thuận tiện trong việc vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng… trên các tuyến đường có mặt cắt ngang nhỏ, đường hẻm, đường cấm xe tải lưu thông...
“Do đó, việc điều chỉnh hoạt động dần tiến tới chấm dứt hoàn toàn đối với loại phương tiện này sẽ ảnh hưởng rất lớn, làm thay đổi thói quen, tập quán của một bộ phận người dân đang sử dụng, chủ yếu tập trung vào những người dân có thu nhập thấp”- văn bản Sở GTVT nêu.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp trong thời gian tới, Sở GTVT cho rằng cần thiết phải có sự đánh giá tổng thể tình hình hoạt động để đưa ra các giải pháp phù hợp bảo đảm nhận được sự ủng hộ và đồng thuận cao từ người dân TP.
Vì vậy, Sở GTVT kiến nghị UBND TP xem xét chấp thuận một số nội dung. Thứ nhất, giao Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM chủ trì phối hợp với các sở ban ngành có liên quan để thực hiện lập Đề án kiểm soát và tiến tới chấm dứt hoạt động đối với các phương tiện này.
Công an TP và UBND các quận huyện chỉ đạo các lực lượng chức năng xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Giao Ban An toàn giao thông TP tổ chức theo dõi, giám sát việc thực hiện của các cơ quan, đơn vị để làm cơ sở đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ.
Từ năm 2017 đến nay đã xảy ra 39 vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe ba, bốn bánh và xe thô sơ, theo đó số vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe ba bánh và xe thô sơ ba, bốn bánh có chiều hướng giảm dần theo từng năm.