Bạn Lê Anh Tiến đại diện đại biểu Việt Nam trong một hội thảo quốc tế năm 2020 - Ảnh: T.LÊ.
Thời bao cấp, gia cảnh lại không khá giả nên khi Anh Tiến và người anh song sinh Lê Hoàng Anh chào đời, gia đình bạn phải đứng trước lựa chọn hoặc gửi một người con cho gia đình người Pháp nuôi hay gửi vào chùa.
Khát khao đổi đời
"Cuối cùng tôi được gửi vào ngôi chùa gần nhà vì cha mẹ không nỡ rứt ruột gửi đứa con còn nhỏ đến nơi đất khách quê người. Tôi ở ký túc xá tại chùa và buổi tối anh đến chùa học bài cùng tôi", Tiến nhớ lại.
Sớm sống xa gia đình nhưng Anh Tiến cho biết bản thân không quá buồn tủi mỗi khi nhớ lại vì bạn biết hoàn cảnh gia đình không thể gồng gánh được 4 đứa con đều tuổi ăn tuổi lớn.
"Ngược lại, mỗi lần thấy mẹ phải tần tảo thức khuya để bán tạp hóa ở công viên, tôi tự nhủ bản thân sau này phải thành công để đổi đời, phụ giúp gia đình", Anh Tiến chia sẻ về lý do bạn học và làm việc không ngơi nghỉ, có những ngày ngủ chỉ khoảng 3 tiếng.
Ngoài giờ học, bạn nhận giữ xe, xếp giấy, lau dọn, gia sư... từ những năm phổ thông, tích lũy từng đồng để tự mua máy tính, chiếc xe.
"Thật ra khoảng thời gian gần 10 năm sống trong chùa đã giúp tôi có nhiều kỹ năng quý giá, chẳng hạn như quản trị cảm xúc. Hầu hết sự bỏ cuộc của chúng ta đều do cảm xúc chi phối, nếu chúng ta quản lý tốt cảm xúc thì sẽ vượt qua được những áp lực cũng như sự thất bại.
Cá nhân tôi nhận thấy khi bản thân dành nhiều thời gian cho thiền và tập quan sát nhịp thở thường xuyên, sống chậm... thì chóng lấy lại động lực đứng dậy, đi tiếp", Anh Tiến bộc bạch.
Ngược dòng
Bắt đầu nghiên cứu khoa học từ năm lớp 10, Anh Tiến sau đó giành được nhiều giải thưởng lớn như huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo (Trung ương Đoàn), Nhà sáng chế trẻ (Bộ Khoa học và công nghệ), cùng người anh song sinh đoạt huy chương bạc cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên toàn quốc - Vifotec...
Được tuyển thẳng vào Đại học Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), Anh Tiến học 2 năm rồi sau đó chuyển qua Đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) để theo đuổi khoa điện tử viễn thông, chuyên ngành kỹ thuật máy tính.
"Thời điểm đó, những thuật ngữ trí tuệ nhân tạo, máy học... là những gì đó rất mới mẻ và mơ hồ nên không được nhiều người chọn theo. Còn tôi lại nghĩ cơ hội sẽ nhiều hơn nếu bản thân không đi theo số đông, dễ bị "bão hòa" nhu cầu", Anh Tiến giải thích về lựa chọn ngược dòng.
Sự ngược dòng đó thực chất không khiến nhiều bạn bè cùng khóa ngạc nhiên bởi Anh Tiến luôn tư duy khác với mọi người.
Có lần giảng viên hỏi về khái niệm thành công trong mắt sinh viên, trong khi hầu hết bạn bè cùng lớp đều trả lời là có một việc làm ổn định, lương cao thì Anh Tiến lại chọn "tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người khác".
Với Anh Tiến, tạo ra giá trị cho người khác mới khiến cuộc sống trở nên hạnh phúc, thành công thật sự. Chính vì vậy mà dẫu rất bận rộn thời điểm hiện tại, bạn vẫn cùng một số người bạn từng trưởng thành từ ngôi chùa gần nhà quay lại chốn cũ để dạy miễn phí cho các lứa đàn em.
Tuy là dân kỹ thuật nhưng Anh Tiến sớm nhận ra tầm quan trọng của việc học tiếng Anh. Năm 2012 khi còn ở chùa, bạn giành được suất học bổng tiếng Anh trị giá 35 triệu đồng để luyện chứng chỉ IELTS. Và nó trở thành "bàn đạp" cho những cơ hội được xuất ngoại sau này.
"Tôi có cơ hội thực tập ở Google trụ sở tại Singapore, các chuyến đào tạo, hội thảo dài ngày tại nhiều quốc gia khác..., từ đó đem về áp dụng cho việc xây dựng văn hóa công ty, sản phẩm để có thể chinh phục thị trường quốc tế, có tầm nhìn dài hạn, bền vững hơn", Anh Tiến nói.
Dù từng đoạt giải quán quân vòng quốc gia cuộc thi Seedstars toàn thế giới năm 2020, quán quân Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest) 2019... nhưng Anh Tiến cho rằng giải thưởng ý nghĩa nhất với bạn là Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019 do Trung ương Đoàn bình chọn.
"Vì giải thưởng này như sự ghi nhận các cố gắng không ngừng nghỉ của tôi cho cộng đồng, xã hội. Từ khi nhận được giải thưởng trên, tôi chú ý hơn trong mỗi hành động của bản thân, không ngừng cố gắng hơn nữa để hướng đến việc trở thành người truyền niềm cảm hứng cho các bạn trẻ khởi nghiệp", Anh Tiến tâm tình.
TTO - Đợt dịch COVID-19 vừa qua, các mẹ các chị ở xã Cát Quế (huyện Hoài Đức, Hà Nội) vẫn luôn tay luôn chân lựa từng sợi giang, đưa vào máy cắt rồi sấy khô, ướp hương quế, tất bật đóng gói sản phẩm.
Xem thêm: mth.70894158042201202-od-ueirt-uhc-gno-ned-gnart-yat-ut-iout-13/nv.ertiout