Nhà của ông Lê Quang Thọ (số 1118 đường Cách Mạng Tháng Tám, P.4, Q. Tân Bình, TP.HCM) khi giải tỏa tháo dỡ xong còn khoảng 0,8m x 2,5m (2 tầng) - Ảnh: T.T.D.
Tuổi Trẻ trích ý kiến giải pháp để dân đồng thuận, cùng Nhà nước thực hiện hiệu quả việc này.
* Ông Phạm Trần Hải (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM):
Bảo đảm công bằng và minh bạch
Với đề xuất mới này, người dân thuộc diện giải tỏa có thể được lợi nhiều hơn là điều thấy rõ. Người dân có thể được tái định cư tại chỗ, hoặc được bồi thường với giá tốt hơn (từ nguồn kinh phí đấu giá quỹ đất dôi dư). Nhà nước thu hồi được chi phí đầu tư xây dựng công trình.
Nhưng giải pháp nào để thực hiện nhanh việc này? Quan trọng hơn cả là cách làm này tạo được sự công bằng hơn, khắc phục những bất hợp lý từ việc thu hồi đất nhiều năm qua. Lâu nay người trong phạm vi thu hồi đất ở TP.HCM thường chịu thiệt thòi trong việc đền bù khi mất nhà, đất mặt tiền.
Về bán đấu giá đất ven công trình giao thông, trên hết việc giải tỏa đền bù phải có được sự thông hiểu, đồng thuận cao của xã hội trên cơ sở tăng lợi ích cho người nhường đất cho những công trình mới.
Về pháp lý, thực ra chủ trương này đã được đề cập trong Luật xây dựng 2004, Luật quy hoạch đô thị 2009 rồi Luật đất đai 2013. TP.HCM cần rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để giải quyết các bất cập, vướng mắc.
Từ đó, xây dựng và ban hành phương pháp xác định giá đất trước và sau khi thực hiện dự án một cách khoa học, rõ ràng để người dân có thể thấy được lợi ích mà dự án đem lại cho họ.
Việc xác định phạm vi mở rộng biên chỉnh trang phù hợp cho dài lâu (nếu phạm vi hẹp quá sẽ không đủ phát huy hiệu quả dự án). Phạm vi dự án bảo đảm đủ quỹ đất bố trí tái định cư cho người dân, các công trình dọc tuyến, bán đấu giá đất mặt tiền lấy chi phí đầu tư xây dựng công trình và chi phí quản lý dự án.
Tốt nhất, để làm cho nhanh và hiệu quả việc này, Nhà nước nên giao cho một tổ chức kinh tế có tiềm lực đứng ra thực hiện dự án với sự giám sát của chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư.
* Ông Nguyễn Thanh Toàn (nguyên phó giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM):
Cốt yếu là giá bồi thường
Việc mở rộng biên chỉnh trang hai bên dự án hạ tầng đã được đề xuất thực hiện từ khi Luật quy hoạch đô thị có hiệu lực vào năm 2010. Tuy nhiên, TP.HCM chưa thực hiện được do không có nguồn lực để bồi thường.
Đến giờ này, phải khẳng định rằng thà muộn còn hơn không! TP.HCM phải thực hiện giải pháp này để bảo đảm phân chia lại lợi ích từ việc tăng giá đất sau khi đầu tư hạ tầng, chỉnh trang đô thị cho chính những hộ diện giải tỏa và quan trọng hơn nữa là có tiền để đầu tư làm đường, xây cầu.
Làm sao để dân đồng thuận với Nhà nước trong việc giải tỏa? Tôi nghĩ cốt yếu ở đây là giá bồi thường. Nhà nước cần định giá bồi thường sòng phẳng, bằng với giá thị trường hoặc cao hơn. Đồng thời có thể bố trí tái định cư cho người dân ở vị trí có hạ tầng khang trang với giá theo phương án của Nhà nước.
Muốn làm được như vậy, Nhà nước cần phải xây dựng phương án cụ thể, rõ ràng ngay từ đầu. Khi mở rộng một tuyến đường, phải làm bài toán thật kỹ về chính sách, về tài chính, hiệu quả đầu tư, dân được hưởng cái gì, lợi hơn hiện tại cái gì, Nhà nước được lợi cái gì. Khi người dân thấy được cái lợi hơn so với hiện tại (họ vẫn có thể có mặt tiền hoặc có tiền đền bù cao), không những đồng tình mà họ còn sẵn sàng cùng Nhà nước thực hiện nhanh để ổn định chỗ ở mới. Ban đầu có thể thực hiện thí điểm một hai dự án, nếu thành công người dân được hưởng lợi, những dự án sau sẽ dễ dàng thuyết phục người dân tham gia.
Khi có phương án được người dân đồng tình, cơ quan chức năng và nhà đầu tư phải thực hiện đúng nội dung phương án phê duyệt. Nhất là không được điều chỉnh quy hoạch theo ý nhà đầu tư (tăng mật độ, tầng cao, hệ số sử dụng đất...) sau khi đấu giá đất. Phương án được người dân đồng tình phải xem là cam kết của Nhà nước với người dân và phải được thực hiện đúng như một cách giữ uy tín, sòng phẳng sau khi dân giao đất để thực hiện dự án...
* Ông Nguyễn Đăng Sơn (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng):
Xem người dân là đối tác
Người dân thấy được lợi ích họ mới dễ đồng thuận. Phương án tái định cư, đấu giá đất và bồi thường phải lấy lợi ích của dân là tối thượng. Không nên so đo thiệt hơn về kinh tế với người dân trong các phương án này.
Lợi ích về tiền bạc của Nhà nước tăng lên hay giảm đi một chút không ảnh hưởng gì lớn, nhưng với người dân thì đó chính là tài sản cả đời, là cuộc sống của người ta.
Lợi ích lớn nhất của Nhà nước ở đây là có nguồn vốn đầu tư được hạ tầng, chỉnh trang được khu vực lân cận. Như vậy hạ tầng mới chỉn chu, đời sống người dân được tổ chức lại tốt hơn, uy tín của Nhà nước tăng thêm, giảm trở ngại về bồi thường mặt bằng. Người dân thấy mình không phải chịu hi sinh, thiệt thòi khi giao đất mở đường, xây cầu.
Cách tiếp cận vấn đề phải khác, xem người dân là đối tác, là khách hàng. Lấy tiêu chuẩn đối tác, khách hàng để đối đãi với người dân, hướng đến lợi ích của dân thì dân sẽ hợp tác và chia sẻ.
Một trong những căn nhà siêu nhỏ sau khi giải tỏa mở rộng đường Bùi Đình Túy, quận Bình Thạnh TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
TTO - Thu hồi thêm đất hai bên đường để tái định cư cho dân và bán đấu giá, dùng tiền thu từ đấu giá đất để xây dựng đường, bồi thường... Chủ trương này vừa được UBND TP.HCM phê duyệt.