Theo báo cáo Wealth Report của Knight Frank, số tiền mà các đại gia cần để lọt top 1% những người giàu nhất trên thế giới là khác nhau. Ví dụ tại Monaco, các đại gia cần 8 triệu USD mới được coi là top 1% giàu có trong khi số tiền này là 5,1 triệu USD tại Thụy Sĩ và 4,4 triệu USD tại Mỹ.
Tại khu vực Đông Nam Á như Singapore, một người cần có tối thiểu 2,9 triệu USD tài sản mới xứng đáng được nhận danh hiệu top 1% giàu có này.
Số tiền tối thiểu để gia nhập top 1% giàu nhất thế giới tại các nền kinh tế (triệu USD)
Trên thực tế, do chính sách thuế tại các nền kinh tế khác nhau nên số tiền cần có để lọt top 1% giàu có cũng khác nhau. Các đại gia Monaco do không phải trả thuế thu nhập nên họ cần nhiều tiền hơn để đứng vào hàng ngũ siêu giàu của thế giới. Trái ngược lại tại Nga, Malaysia, Trung Quốc hay Hàn Quốc, mức thuế cao khiến số tiền tối thiểu để tham gia câu lạc bộ top 1% giàu nhất thế giới ít hơn so với các nền kinh tế khác.
Bản báo cáo của Knight Frank cho thấy khoảng cách giữa những nước giàu và nghèo trên thế giới hiện nay, ngay cả với giới đại gia. Số tiền tối thiểu để tham gia giới siêu giàu tại Monaco cao gấp 400 lần so với những tỷ phú ở Kenya, nước đứng cuối bảng xếp hạng Wealth Report.
Theo Ngân hàng thế giới (World Bank), khoảng 2 triệu người Châu Phi hiện nay sẽ rơi vào cảnh đói nghèo do đại dịch Covid-19 và giới nhà giàu ở đây cũng chịu liên lụy. Trong khi đó, 500 người giàu nhất thế giới lại gia tăng thêm 1,8 nghìn tỷ USD tài sản trong năm vừa qua nhờ kinh doanh tốt vào mùa dịch. Những tỷ phú công nghệ như Elon Musk hay Jeff Bezos là các đại gia có tăng trưởng tài sản mạnh nhất.
Cũng theo báo cáo, dù số người giàu tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương tăng nhanh nhưng Mỹ vẫn dẫn đầu về số lượng cá nhân thuộc top 1% giàu nhất thế giới. Tổng tài sản của những người giàu nhất Châu Á Thái Bình Dương hiện đã lên mức 2,7 nghìn tỷ USD, cao hơn 3 lần so với hồi cuối năm 2016.
Theo Knight Frank, khu vực Châu Á Thái Bình Dương sẽ tiếp tục tăng mạnh số người giàu mới trong khoảng 2020-2025 bất chấp dịch bệnh. Những nền kinh tế như Ấn Độ, Indonesia sẽ là các quốc gia có tăng trưởng số người giàu nhanh nhất.
Trong khi đó, Singapore cũng được kỳ vọng có tăng trưởng về số đại gia đổ về đây khi nền kinh tế này đã nổi tiếng trong giới nhà giàu về chất lượng sống và hệ thống luật pháp ổn định. Những cái tên như Sergey Brin của Google, James Dyson… đều đã di chuyển các văn phòng đầu tư gia đình về Singapore.
Bên cạnh đó, Knight Frank cũng cho biết đại dịch đã khiến nhiều chính phủ tăng thuế với giới nhà giàu nhằm giảm gánh nặng ngân sách cho cuộc chiến chống khủng hoảng. Khảo sát của Knight Frank cho thấy hơn 1/3 số chuyên gia tư vấn cho giới nhà giàu hiện nay nhận định vấn đề thuế là nguyên nhân chính khiến các khách hàng của họ lo lắng hiện nay.
"Chính phủ các nước đang phải chi rất nhiều tiền vì đại dịch và chúng ta đang phải đối mặt với tình huống tương tự như sau khi một cuộc đại khủng hoảng diễn ra, thời điểm mà mọi người sẽ đặt câu hỏi: ‘Ai sẽ chi trả cho toàn bộ chuyện này?’", Chuyên gia nghiên cứu trưởng Liam Bailey của Knight Frank cảnh báo.
Băng Tâm
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
Xem thêm: nhc.45260459042201202--ioig-eht-tahn-uaig-iougn-1-pot-hnaht-ort-ed-neit-ueihn-oab-nac-nab/nv.zibefac