Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn nổi tiếng xưa nay là công ty xuất khẩu cá tra số 1 Việt Nam. Như trong báo cáo thường niên, Vĩnh Hoàn đã kể lại: Bắt nguồn từ những bữa ăn từ cá tra, cá basa mộc mạc đã trở thành biểu tượng cho cuộc sống đầm ấm, hạnh phúc bên mâm cơm gia đình của người miền Tây, Vĩnh Hoàn sớm nhận ra món quà quý giá từ dòng sông Mekong để làm tiền đề cho sự phát triển và hưng thịnh của ngành sản xuất cá tra.
5 công ty con của Vĩnh Hoàn đều liên quan đến thủy sản, bao gồm sản xuất giống cá tra, thức ăn thuỷ sản, chiết xuất và sản xuất gelatin, collagen cùng một công ty liên kết trong lĩnh vực sản xuất phân bón.
Với vị thế của Vĩnh Hoàn, bà Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty còn được gọi là Nữ hoàng cá tra.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tình hình xuất khẩu cá tra của doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng mạnh. Năm 2020, doanh thu và lợi nhuận của Vĩnh Hoàn giảm lần lượt 10,5% và 40% so với năm 2019, không hoàn thành kế hoạch năm.
Trong lúc tình hình kinh doanh khó khăn, lãnh đạo Vĩnh Hoàn đã quyết định đầu tư sang nhiều lĩnh vực khác, trong đó có cả chứng khoán.
Chi 350 tỷ đồng để nhảy sang mảng phồng tôm
Ngày 22/1, Vĩnh Hoàn đã mua cổ phần, nắm 49,89% Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang. Công ty Sa Giang chuyên sản xuất và mua bán thực phẩm chính là bánh phồng tôm, hủ tiếu, bánh phở. Doanh nghiệp này cũng tham gia mua bán, chế biến, bảo quản thủy hải sản và các sản phẩm từ thủy hải sản; mua bán, chế biến thịt, mỡ đóng gói và đóng hộp…
Sản phẩm bánh phồng tôm Sa Giang của Công ty đã nhanh chóng nổi tiếng tại Việt Nam từ những năm 1960. Từ các loại tôm nước ngọt, nước mặn như: tôm tít, tôm sắt, tôm bạc, tôm nghệ, tôm sú... qua bàn tay chế biến khéo léo đã mang lại hương vị đặc trưng của bánh phồng tôm Sa Giang.
Công ty có 2 nhà máy sản xuất bánh phồng tôm với tổng công suất 9.000 tấn/năm. Năm 2020, Công ty thực hiện đầu tư mở rộng quy mô sản xuất với dự án nhà máy thứ 3 có công suất 6.000 tấn/năm.
Bánh phồng tôm được xuất khẩu đến hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới với thị trường chủ lực là châu Âu.
Chi 70 tỷ đồng, lấn sân sang nước ép
Sau phồng tôm, nữ hoàng cá tra tiếp tục góp 70 tỷ đồng, tương đương 70% vốn điều lệ để thành lập Công ty TNHH Nông sản thực phẩm Thành Ngọc (TNG Foods) tại tỉnh Đồng Tháp. Đây là công ty sản xuất nước ép từ rau quả và chế biến, bảo quản rau quả. Bà Trương Thị Lệ Khanh, đồng thời làm người đại diện phần vốn tại TNG Foods.
Như vậy, trong đầu năm 2021, Vĩnh Hoàn đã chi 420 tỷ đồng để nhảy sang các mảng kinh doanh mới.
2 năm gần đây, Vĩnh Hoàn duy trì nguồn tiền nhàn rỗi khoảng 1.300-1.400 tỷ đồng gửi tiết kiệm kỳ hạn trên 3 tháng dưới 1 năm với lãi suất cố định. Năm 2020, "nữ hoàng cá tra" đã trích một phần tiền nhàn rỗi đầu tư chứng khoán mang về 47 tỷ đồng lãi ròng. Danh mục cổ phiếu của Vĩnh Hoàn gồm VNM, MWG, HPG, FPT…
Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh truyền thống gặp khó, việc sở hữu lượng tiền mặt khổng lồ đã giúp "nữ hoàng cá tra" tận dụng nguồn tiền nhàn rỗi để sinh lợi, tìm cơ hội mới để đầu tư mở rộng ngành nghề.