Thị trường chứng khoán đang diễn biến khó lường trong khi vừa có 3 phiên đi ngang tích lũy thì tới phiên hôm nay 24.2, VN-Index đột ngột lao dốc mạnh phiên chiều ngoài mọi dự đoán.
Diễn biến khó lường
Trong phiên sáng, thị trường mở cửa với sắc xanh và sau đó cho tới khoảng 11h sáng, sàn HoSE vẫn tăng khá mạnh nuôi hi vọng cho các nhà đầu tư đây sẽ là phiên lót nền cao hơn chuẩn bị cho thời điểm chỉ số VN-Index bứt phá đến đỉnh 1.200 điểm.
Tuy nhiên sau thời điểm trên, đà tăng hạ nhiệt. Diễn biến trên thị trường cho thấy, mỗi khi chỉ số nhón lên tăng mạnh một chút là lực bán xả hàng chốt lời cũng tung ra mạnh, níu hãm đà tăng, tạo ra các nhịp giằng co trồi sụt, rung lắc về mức giá của nhiều mã cổ phiếu trên thị trường.
Phiên sáng, nhóm mã ngành chứng khoán lĩnh ấn tiên phong vượt thoát khỏi tình trạng lình xình của thị trường, cùng với nhiều mã khác trong nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 tạo sắc xanh lan tỏa khá rộng. Tuy nhiên, đà giảm chung của thị trường trong phiên chiều đã kéo nhóm chứng khoán xuống, có mã thì về gần mốc tham chiếu và có mã thì nhuốm sắc đỏ.
Trong phiên chiều, chỉ số VN-Index có lúc giảm trên 20 điểm, tạo nên một phiên biến động giá của chỉ số VN-Index lên tới khoảng 30 điểm tăng giảm. Kết phiên, VN-Index vẫn mất đến hơn 15 điểm, tương ứng giảm 1,33%. Toàn sàn HoSE chỉ có 93 mã tăng điểm và có tới 357 mã giảm điểm. Thanh khoản đạt trên 15.000 tỉ đồng.
Cao thủ tập trung giao dịch ra sao?
Trong trạng thái thị trường chuyển sang lình xình đi ngang như các phiên giao dịch 19, 22 và 23.2, dư địa cho nhà đầu tư lướt sóng mua vào chờ đến sau T+2 mới bán ra dường như rất hạn hẹp. Hơn nữa, giao dịch T+ lúc này dễ gặp rủi ro cao trước một thị trường đang diễn biến khó lường. Trong khi đó, nếu đầu tư trung và dài hạn thì phải chờ đợi quá lâu.
Nhiều Công ty chứng khoán như Bảo Việt, KB Việt Nam, Yuanta Việt Nam trong những phiên gần đây khuyến nghị nhà đầu tư nên áp dụng chiến thuật trading trong phiên trên danh mục cổ phiếu sẵn có.
Nghĩa là canh thời điểm những mã có trong danh mục tăng giá tương đối thì bán ra, và khi giảm trở lại thì mua vào lại. Biên độ giao động giá trong nhiều trường hợp trading trong phiên ít thì được 2-3% trong một phiên, nhiều thì có thể lên tới 5-6%.
Đơn cử trong phiên ngày 24.2, STB có thời điểm giá cao nhất ở mức 19.150 đồng và thấp nhất 18.300 đồng, chênh lệch 850 đồng tương ứng 4,5% so với mức giá tham chiếu 18.800 đồng.
Hay với nhóm cổ phiếu chứng khoán, mức chênh lệch giá cao nhất – thấp nhất trong phiên cũng trên dưới 3%.
Mỗi phiên kiếm được lãi 2-3% là một mức được cho là lí tưởng, vả lại trading trong phiên lại khá an toàn.
Tuy nhiên trên thực tế, chỉ có một tỉ lệ nhỏ nhà đầu tư có thể trading trong phiên. Bởi trước hết, nhà đầu tư đó phải có danh mục cổ phiếu thuận lợi để trading, thứ hai là nhạy bén trong phán đoán nhịp tăng nhịp giảm trong phiên, thứ ba là có kinh nghiệm và bản lĩnh vượt qua tâm lí e sợ, tiếc nuối. Đó thường là những “cao thủ”.
Bởi có những nhà đầu tư, khi thị trường đang trong nhịp tăng cứ sợ bán ra sẽ mất đi một phần lợi nhuận nếu sau đó thị trường tăng tiếp, trong khi thị trường đang trong nhịp giảm mà mua vào nếu thị trường giảm mạnh hơn sẽ thêm thiệt.
Cơ hội trading thường xuất hiện khi thị trường lình xình đi ngang và phân hóa mạnh theo các nhóm cổ phiếu và cổ phiếu, và đó là cách những “cao thủ” đầu tư chứng khoán có thể vận dụng.
Xem thêm: odl.722388-oan-eht-uhn-gnod-hnah-uht-oac-gnoul-ohk-naohk-gnuhc/et-hnik/nv.gnodoal