Theo phản ánh của một số doanh nghiệp vận tải, hiện nay, do một số địa phương tại Hải Dương bị phong tỏa, cùng với các biện pháp phòng dịch chặt chẽ của TP Hải Phòng, giao thương qua tuyến Quốc lộ 18 và Quốc lộ 5A bị gián đoạn, không thể sử dụng để lưu thông hàng hóa. Các phương tiện vận chuyển đi từ Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương… đều phải đi qua tuyến cao tốc 5B Hà Nội - Hải Phòng, làm đội thêm chi phí cầu đường, nguyên liệu, nhân công.
Với một container vận chuyển hàng hóa từ Hải Dương đi Hải Phòng, nếu đi tuyến cao tốc 5B, theo tính toán của doanh nghiệp, giá cước sẽ tăng thêm khoảng 1.400.000 đồng, bao gồm cả chi phí cầu đường, nguyên liệu, xét nghiệm cho tài xế.
Dịch COVID-19 bùng phát khiến giao thương ngưng trệ. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Còn đối với tuyến vận chuyển từ Bắc Ninh, chi phí này tăng thêm từ 1.700.000 - 1.800.000 đồng, do quãng đường xa thêm gần 100 km.
"Khi chuyển tuyến vận tải này, chi phí tăng lên đến hàng triệu đồng một chuyến hàng. Ví dụ với xe tải thường, có thể rơi vào từ 800.000 - 1 triệu đồng/chuyến. Lưu lượng hàng hóa mà chúng tôi đang thực hiện giữa Hải Phòng và Hải Dương trước khi dịch bệnh xảy ra, nó có thể lên tới gần 100 chuyến hàng một ngày. Điều đó có nghĩa khách hàng của chúng tôi là các doanh nghiệp Hải Phòng hoặc doanh nghiệp Hải Dương sẽ phải bỏ ra chi phí tương ứng như vậy", ông Trần Nghĩa, Tổng Giám đốc Delta Logistics, cho biết.
Trước vấn đề này, Tổng cục Đường bộ cho rằng, dịch COVID-19 bùng phát khiến giao thương ngưng trệ, vận tải là một trong những lĩnh vực chịu thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, ưu tiên trước mắt vẫn là phòng chống dịch. Đây là các điểm các doanh nghiệp cùng san sẻ và vượt qua khó khăn.
Do một số địa phương tại Hải Dương bị phong tỏa, cùng với các biện pháp phòng dịch chặt chẽ của TP Hải Phòng, giao thương qua tuyến Quốc lộ 18 và Quốc lộ 5A bị gián đoạn. (Ảnh minh họa: Dân trí)
"Với các tuyến cụ thể, trong các thời hạn ngắn, các doanh nghiệp vận tải ưu tiên cho phòng chống dịch. Chúng tôi cũng nhận được kiến nghị của các doanh nghiệp vận tải, xây dựng hành lang tổ chức vận chuyển, đổi lái như ở Lạng Sơn, Lào Cai, phương tiện và xe đi qua đi lại, để vừa chống dịch, vừa lưu thông được hàng hóa", bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ, cho hay.
Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ cũng cho biết, đang kiến nghị các giải pháp cụ thể, đồng bộ hơn để doanh nghiệp tiếp nhận thông tin nhanh chóng, dễ dàng. Ngay trong chiều 23/2, TP Hải Phòng đã có văn bản hướng dẫn chi tiết các điều kiện khi đi từ các địa phương khác vào thành phố, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
VTV.vn - Theo các doanh nghiệp, tình trạng giá cước vận tải biển tăng cao vẫn đang tiếp diễn, chưa thấy có dấu hiệu chấm dứt trong đầu năm nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.75041320052201202-91-divoc-hcid-iv-oac-gnat-iat-nav-ihp-ihc/et-hnik/nv.vtv