Liên minh châu Âu (EU) đang xúc tiến thủ tục để các lệnh trừng phạt chống lại Nga với lý do liên quan tới nhân vật đối lập bị kết án tù - ông Alexei Navalny - sẽ có hiệu lực trong mười ngày tới, hãng thông tấn TASS đưa tin.
Ngày 24-2, một quan chức ngoại giao tại Brussels thông báo với TASS rằng: "Các hoạt động tích cực về biện pháp trừng phạt đang được tiến hành. Quá trình này dự kiến sẽ hoàn thành chậm nhất vào ngày 5-3 và lệnh trừng phạt sẽ có hiệu lực".
Trước đó, hôm 22-2, EU đã liệt bốn quan chức Nga vào danh sách trừng phạt với các cáo buộc đàn áp ông Navalny. Danh sách các quan chức trên chưa được công bố. Khi đó, Cao ủy của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell nói rằng dự kiến các thủ tục trừng phạt sẽ hoàn thành trong khoảng một tuần.
Nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny tại tòa án quận Babuskinsky ở Moscow (Nga) hôm 20-2. Ảnh: CNN
Ngay trong ngày 22-2, Bộ Ngoại giao Nga đã tuyên bố các lệnh trừng phạt trên là bất hợp pháp và bày tỏ sự thất vọng trước động thái của EU.
Ngày 24-2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tiếp tục chỉ trích lệnh trừng phạt từ phía EU. Bà Zakharova cáo buộc các câu chuyện về việc Nga ám sát và đàn áp ông Navalny đã được thêu dệt sẵn và EU chỉ như một "gánh xiếc" khi trừng phạt Moscow vì lý do này.
Đại sứ Vladimir Chizhov, Trưởng Phái đoàn thường trực Nga tại EU, cho biết Moscow sẽ tìm cách đáp trả các lệnh trừng phạt của EU. Ông Chizhov cho biết "Nga sẽ không ngồi yên mà sẽ tìm cách thức và phương pháp phù hợp" để đáp trả "trong trường hợp EU có thêm các hành động mang tính phá hoại".
Ông Chizhov lưu ý rằng để "không ảnh hưởng tới lợi ích của bản thân các nước EU" và để "không gây tổn hại mối quan hệ 'lãng mạn' với chính quyền mới của Mỹ", các biện pháp đáp trả của Nga có thể "không tương xứng" với các lệnh trừng phạt từ phía EU.
Ông Chizhov cho rằng EU đã một lần nữa bỏ qua cơ hội khôi phục quan hệ tốt đẹp với Nga và lưu ý rằng Moscow chưa từng có kế hoạch chủ động đơn phương cắt đứt quan hệ với Brussels. Ông Chizhov cáo buộc tình trạng "đóng băng quan hệ" hiện tại giữa Nga và EU là hậu quả của những hành động từ phía EU và các bên ủng hộ Brussels.
Từ tháng 8-2020, các vấn đề liên quan tới ông Navalny đã trở thành điểm nóng trong quan hệ căng thẳng giữa Nga với EU.
Ngày 20-8-2020, ông Navalny nhập viện cấp cứu ở Nga với dấu hiệu ban đầu nghi là ngộ độc và sau đó, được đưa ra Đức điều trị. EU cáo buộc Nga sử dụng chất độc thần kinh Novichok để ám sát ông Navalny nhưng Moscow bác bỏ cáo buộc.
Ngày 17-1, ông Navalny bị bắt tại sân bay khi mới từ Đức trở về Nga. Sau nhiều phiên xét xử, giới chức tư pháp Nga quyết định chuyển bản án treo mà ông Navalny phải thi hành từ trước đó sang bản án tù. Ngoài ra, ông Navalny còn bị điều tra, truy tố với nhiều cáo buộc tham nhũng.