Nếu bậc tiểu học gặp khó khăn khi học qua mạng thì bậc THCS, THPT đã đi vào guồng, học sinh (HS) tham gia đầy đủ, đặc biệt là các HS cuối cấp.
Không dám chểnh mảng
Kỳ nghỉ tết kết thúc nhưng Nguyễn Trần Tố Như, HS lớp 12 Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP Thủ Đức, TP.HCM, vẫn chưa thể đến trường học tập trung, phải học qua mạng.
Lịch học trực tuyến của Tố Như kín mít các ngày trong tuần. Trong đó, thứ Hai, thứ Sáu em phải học trực tuyến tám tiết/ngày. Còn thứ Ba, Tư, Năm em chỉ học bốn tiết chủ yếu vào buổi sáng, còn chiều tự củng cố kiến thức.
“Sáng 7 giờ, em mở máy đăng nhập vào phòng học và điểm danh. Học tới 8 giờ 30, em được nghỉ giải lao 30 phút, sau đó học tiếp đến 10 giờ 30. Buổi chiều sẽ bắt đầu từ 13 giờ đến 16 giờ 10. Sau khi học trực tuyến, em sẽ làm bài tập giáo viên giao và lên mạng tìm hiểu thêm. Do đó, việc học khá ổn” - Tố Như nói.
Trải qua một năm học online nên năm nay Tố Như đã quen và dần bắt nhịp với việc học. “Năm ngoái, trường học trên phần mềm Zoom hay bị lỗi. Tuy nhiên, năm nay nhà trường đã có sự chuẩn bị, hướng dẫn chúng em từ đầu năm về việc học qua Internet bằng Microsoft Teams nên mọi người không còn lúng túng. Mặt khác, năm nay cuối cấp nên không chỉ em mà các bạn cũng chăm chỉ hơn. Không khí căng thẳng, sự tập trung thể hiện rõ trong các giờ học. Bên cạnh đó, lớp còn lập group riêng để trao đổi bài học sau mỗi tiết học” - Tố Như bộc bạch thêm.
Nguyễn Trần Tố Như, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Hữu Huân,
TP Thủ Đức, đang học trên Internet trong thời gian ngừng đến trường.
Ảnh: NVCC
Cũng giống HS THPT, HS THCS cũng đang học tập nghiêm túc trong thời gian tạm ngừng đến trường.
Nguyễn Bảo Hân, HS lớp 9 Trường THCS Nguyễn Du, quận 1, xác định dù học qua Internet chỉ là giải pháp tình thế nhưng vẫn phải tập trung cao độ vì kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 không còn xa.
Trường dạy học qua phần mềm K12 online kết hợp với dạy trực tuyến. Buổi sáng, HS sẽ dùng tài khoản truy cập vào hệ thống học theo các bài giảng có sẵn và làm bài tập. Đa số buổi chiều Bảo Hân cùng các bạn học trực tuyến với giáo viên qua Microsoft Teams để được giảng bài và giải đáp các thắc mắc.
“Cách học này em thấy khá hiệu quả vì tập trung hơn. Những bài giảng trên K12 online được thầy cô chuẩn bị kỹ, kết hợp bài tập trắc nghiệm và tự luận. Mặt khác, sẽ có những tiết học trực tuyến với giáo viên để hiểu thêm bài học. Do đó, em rất yên tâm với phương pháp dạy của trường” - Bảo Hân nói thêm.
Chuẩn bị kỹ lưỡng
“Đã được tập huấn và chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước nên việc dạy học qua Internet được chúng tôi thực hiện một cách trơn tru” - thầy Ngô Phạm Hưng Thịnh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, bày tỏ.
Trong những ngày tết Nguyên đán, ban giám hiệu đã tổ chức họp online để phổ biến kế hoạch. Mùng 5 tết, trường họp tổ trưởng triển khai. Mùng 6 tết, giáo viên vào trường dạy học.
Nhà trường triển khai dạy học trực tuyến vào buổi sáng các ngày trong tuần với hai ca (từ 7 giờ 30 đến 9 giờ và từ 9 giờ 30 đến 11 giờ) với chín môn học dùng để thi tốt nghiệp. Buổi chiều các em sẽ học các môn còn lại với bài giảng E-learning được đăng tải trên trang web trường.
“Tôi dùng Google Meet để dạy các em. Do đã quen nên học trò tương tác khá tốt. Trong giờ học, đối với các em hăng say phát biểu, tôi đều cho điểm cộng nên không khí lớp học rất sôi nổi. Mỗi ca hai tiết, tôi vừa dạy bài mới đồng thời củng cố kiến thức bài cũ. Sau giờ học trực tuyến, tôi còn gửi cho các em những đề thi do mình soạn qua phần mềm 789 hay Google Form để các em làm thêm” - thầy Thịnh nói.
Về vấn đề này, ông Phạm Phương Bình, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, chia sẻ ngày 17-2, trường đã triển khai học trực tuyến cho các khối. Khối 12, trường dạy chín môn thi tốt nghiệp. Còn khối 10 và 11 chỉ học năm môn.
“Ngay từ đầu năm, dù học tập trung nhưng trường đã thống nhất với HS và giáo viên về việc sẽ học online bằng Microsoft Teams nếu có sự cố xảy ra nên HS sử dụng phần mềm một cách nhuần nhuyễn, giờ học có sự tương tác cao. Hầu như các em không gặp khó khăn khi học trực tuyến vào dịp này. Đối với HS lớp 12, chương trình hiện nay dạy tới đâu ôn tập tới đó” - thầy Bình nói thêm.
Tại Trường THCS Minh Đức, quận 1, bà Trần Thúy An, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ do đã được tập huấn nên giáo viên khá vững trong việc dạy học trực tuyến.
“Lợi thế của trường là sử dụng một phần mềm dạy học trực tuyến ổn định nên giáo viên và HS dễ thích ứng. Hiện nay, giáo viên còn biết khai thác sâu hơn về các ứng dụng phần mềm để dạy học hiệu quả hơn. Ban giám hiệu cũng thường xuyên dự giờ để nắm bắt các vấn đề mà giáo viên gặp phải để tháo gỡ” - bà An nói thêm.•
Học sinh TP.HCM trở lại trường từ ngày 1-3 Trưa 24-2, UBND TP.HCM đã có văn bản chỉ đạo cho phép HS, sinh viên, học viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP quay trở lại trường học tập từ ngày 1-3. UBND TP giao Sở GD&ĐT và Sở LĐ-TB&XH chủ động phối hợp với Sở Y tế ban hành các văn bản hướng dẫn trường học triển khai các biện pháp phòng tránh dịch COVID-19. Giao UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện hỗ trợ ngành giáo dục đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch, tổ chức rà soát, kiểm tra tình hình HS quay trở lại trường. Đề nghị trường học có trách nhiệm thông báo rộng rãi cho HS trở về từ vùng dịch hoặc từng đi đến vùng có dịch phải thực hiện khai báo y tế và kiểm tra sức khỏe. Trường học triển khai hoạt động khai báo y tế trực tuyến hằng ngày cho toàn thể HS, sinh viên và nhân viên trường. |