Nỗ lực “bóc tách” Trung Quốc ra khỏi chuỗi cung ứng nằm trong mục tiêu xây dựng chuỗi cung ứng “bền vững và thân thiện” của chính quyền Biden - Ảnh minh họa của Nikkei Asia
"Xây dựng một chuỗi cung ứng bền vững mạnh mẽ bằng cách hợp tới với các đồng minh thân thiện" là sợi chỉ đỏ xuyên suốt của nội dung dự thảo sắc lệnh hành pháp này - tạp chí Nikkei Asia (Nhật) đã thông tin.
Dự thảo có nội dung gì?
Hãng tin Reuters cho biết kế hoạch của Tổng thống Biden nhiều khả năng sẽ được Quốc hội Mỹ tiếp thêm sức mạnh.
Ít nhất 3 nguồn thạo tin của Reuters cho biết các nghị sĩ cấp cao thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa sẽ gặp ông Biden tại Nhà Trắng trong ngày 24-2 (giờ Mỹ) để thảo luận về kế hoạch tái cấu trúc chuỗi cung ứng.
Một quan chức Nhật Bản đề nghị giấu tên cho biết Mỹ đã bắt đầu đánh giá lại chuỗi cung ứng để xem xét mức độ phụ thuộc.
Theo Đài CNBC, Mỹ không chỉ đánh giá sự phụ thuộc trong chuỗi cung ứng mà còn xem liệu những nước mà Mỹ đang phụ thuộc "có trở nên kém thân thiện hay mất ổn định hay không".
Theo dự thảo sắc lệnh, Tổng thống Biden mong muốn giảm sự phụ thuộc mạnh mẽ vào đất hiếm Trung Quốc được sử dụng trong ngành sản xuất chip và thiết bị điện tử tiên tiến khác.
Trước mắt Mỹ sẽ xây dựng chuỗi cung ứng "không Trung Quốc" cho các ngành sản xuất như chất bán dẫn, pin xe điện, đất hiếm và vật tư y tế.
Washington dự kiến sẽ theo đuổi quan hệ đối tác với vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và Hàn Quốc trong lĩnh vực sản xuất chip và các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương bao gồm Úc trong khai thác đất hiếm.
Cũng theo tạp chí của Nhật Bản, Mỹ có kế hoạch chia sẻ thông tin với các đồng minh trong mạng lưới và sẽ tìm cách thúc đẩy sản xuất bổ sung trong nước.
Một khuôn khổ chia sẻ nhanh chóng các mặt hàng này trong trường hợp khẩn cấp cũng sẽ được tính tới, bao gồm các cuộc thảo luận giữa Mỹ và đối tác về việc đảm bảo kho dự trữ và năng lực sản xuất dự phòng. Các đối tác có thể được yêu cầu làm ăn ít hơn với Trung Quốc.
Việc chính quyền ông Biden thúc đẩy chuỗi cung ứng "không Trung Quốc" cho thấy sự lo ngại của Washington khi phụ thuộc Bắc Kinh về đất hiếm.
Việc thiếu hụt nguyên liệu sản xuất chip này về lâu dài ảnh hưởng tới ngành công nghiệp ôtô của Mỹ, vốn đang chuyển mình mạnh mẽ sang các loại ôtô điện.
Mỹ nhập khẩu khoảng 80% đất hiếm từ Trung Quốc và phụ thuộc vào nước này tới 90% một số sản phẩm y tế, theo Nikkei Asia. Rõ ràng chính quyền Biden có lý do để lo lắng và hành động khi nhìn những con số này.
Mặc dù quan hệ Mỹ - Trung đã bắt đầu hòa dịu dưới thời Tổng thống Biden, lịch sử hành vi của Trung Quốc không khỏi khiến Washington lo lắng. Bắc Kinh đã từng sử dụng các quy định hải quan và xuất khẩu để gây áp lực lên các đối tác thương mại.
Chẳng hạn, Trung Quốc đã áp đặt lệnh cấm vận xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản vào năm 2010 khi căng thẳng ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư bùng nổ.
Trở ngại thời gian
Ý tưởng chuỗi cung ứng "không Trung Quốc" đã xuất hiện nhưng bị xem là "bất khả thi", cho đến khi chính quyền Donald Trump thúc đẩy mạnh mẽ vào năm ngoái. Trên thực tế, Mỹ đã bắt đầu "tiếp thị" ý tưởng từ mùa thu năm 2020 đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và vùng lãnh thổ Đài Loan.
Theo Nikkei Asia, các đại diện Mỹ tại Đài Loan đã liên tục gặp những công ty trong lĩnh vực sản xuất chip và đặt vấn đề chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc. Việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng có thể sẽ mất khá nhiều thời gian, đặc biệt là đối với chất bán dẫn.
Trong khi có nhiều công ty gia công chip, số lượng nhà sản xuất chip của thế giới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Do đó, các công ty này có thể liên kết lại để từ chối lời đề nghị của Mỹ nhưng nếu ngược lại, đó sẽ là một đòn đau với Trung Quốc, theo Nikkei Asia.
Tính đến thời điểm hiện tại, chuỗi cung ứng chất bán dẫn "không Trung Quốc" đã dần thành hình. Chẳng hạn trong lĩnh vực sản xuất chip, Tập đoàn sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) đã đồng ý mở nhà máy sản xuất chip 12 tỉ USD tại Mỹ ở Arizona hồi năm ngoái.
Dưới sự khuyến khích của Mỹ, Chính phủ Nhật Bản cũng trải thảm đỏ và dành 1,9 tỉ USD để đón TSMC.
Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản đã thành công trong việc thu hút TSMC. Một trung tâm nghiên cứu sản phẩm trị giá 20 tỉ yen của TSMC dự kiến sẽ được xây dựng tại Nhật Bản trong tháng 2 này, theo Reuters.
Trong lĩnh vực đất hiếm, Mỹ cũng bắt tay với Úc - một đồng minh thân thiện. Một công ty khai thác đất hiếm của Úc đã nhận được sự hỗ trợ từ Bộ Quốc phòng Mỹ để xây dựng cơ sở xử lý đất hiếm tại bang Texas.
Đánh giá thận trọng
Theo dự thảo sắc lệnh hành pháp mà Nikkei Asia và CNBC tiếp cận được, trong vòng 200 ngày kể từ khi sắc lệnh được ký, Mỹ sẽ tiến hành đánh giá toàn diện chuỗi cung ứng bắt đầu từ những ngành ưu tiên như chất bán dẫn, đất hiếm, pin ôtô...
Sau 365 ngày kể từ khi ra sắc lệnh, nhóm chuyên trách sẽ trình lên tổng thống các khuyến nghị về những việc nên làm với chuỗi cung ứng để giữ vững ổn định, tránh tình trạng độc quyền.
TTO - Các công ty Mỹ rút khỏi Trung Quốc hoặc không hợp tác với các nhà cung cấp chính đặt tại Trung Quốc có thể sẽ được giảm thuế hoặc tận hưởng các chính sách ưu đãi, thậm chí nhận trợ cấp nhà nước nếu quay về nước.