Nông dân xã Tân Tuyến (huyện Tri Tôn, An Giang) thu hoạch lúa đông xuân trà đầu - Ảnh: B.ĐẤU
Nhiều diện tích lúa được thương lái đặt cọc mua tại ruộng với giá khá cao dù chưa đến ngày thu hoạch.
Tuy nhiên, cơ quan chức năng khuyến cáo doanh nghiệp cần bình tĩnh, diện tích lúa chưa thu hoạch tại ĐBSCL còn rất lớn, trong khi nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước sẽ không tăng đột biến dù việc dự trữ có thể tăng lên do tác động của dịch COVID-19.
Đặc biệt, bà con nông dân cũng không nên vì thấy giá lúa cao mà đổ xô trồng lúa vụ hè thu sắp tới, khi thời tiết được dự báo không thuận lợi.
Lúa trúng mùa, được giá
Ghi nhận tại vùng Đồng Tháp Mười, vụ lúa đông xuân năm nay hầu hết đều đạt sản lượng khá, năng suất cao từ 6-8 tấn lúa tươi/ha, tăng 0,5 đến 1 tấn lúa/ha so với vụ đông xuân năm trước.
Không chỉ trúng mùa, người trồng lúa tại ĐBSCL cho biết đã thắng lớn nhờ giá lúa được thương lái mua với mức khá cao.
Cũng như mọi năm, vụ đông xuân năm nay, ông Nguyễn Văn Hùng (xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, Hậu Giang) gieo sạ 20 công đất giống lúa RVT với kỳ vọng giá lúa sẽ không bị ép ở mức thấp, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp suốt thời gian qua.
Tuy nhiên, trước khi bắt đầu thu hoạch, ông Hùng được thương lái đến đặt tiền cọc mua lúa với giá 7.000 đồng/kg tươi giống lúa RVT.
Các loại lúa trồng giống OM 5451, OM 18 và RVT có giá dao động 6.400 - 7.000 đồng/kg, cao hơn năm rồi 200 - 800 đồng/kg lúa tươi tùy loại. Tại Hậu Giang và Cần Thơ, lúa trồng từ giống IR 50404 được các thương lái mua 6.700 đồng/kg lúa tươi tại ruộng.
Theo anh Nguyễn Thành Nghi (phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ), lúa trồng loại giống IR 50404 vẫn có giá cao do nhu cầu tiêu thụ nội địa tăng, chủ yếu làm bột, làm bánh...
Ông Lê Văn Ngời (xã Tân Tuyến, huyện Tri Tôn, An Giang) cho biết nông dân rất phấn khởi vì vừa trúng mùa lại vừa được giá.
Theo đó, 6ha lúa giống Đài thơm 8 của gia đình ông đã thu hoạch được 3ha, năng suất hơn 7 tấn/ha và đặc biệt là giá lúa được thương lái mua tại ruộng lên tới 7.000 đồng/kg, cao hơn 1.000 đồng/kg so với mức giá cùng thời điểm này năm trước.
Theo số liệu từ Sở Công thương tỉnh Long An, giá lúa tươi trên địa bàn này vẫn đang giữ ở mức khá cao.
Cụ thể như các loại lúa 50404, lúa Đài thơm 8, lúa OM 5451... vẫn ở mức giá 6.800 đồng/kg, cao hơn 700 - 1.000 đồng/kg so với cùng thời điểm này năm trước. Riêng lúa ST24 đang được thu mua cao hơn ở mức 7.500 đồng/kg.
Nông dân huyện Châu Thành (Kiên Giang) cân lúa cho thương lái - Ảnh: K.NAM
Không lo thiếu lúa xuất khẩu
Ông Hoàng Văn Tuấn, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, cho hay hơn 63.000ha lúa, chủ yếu gieo trồng trên nền đất nuôi tôm luân canh tôm - lúa, đã được thu hoạch gần hết với năng suất khoảng 5 tấn/ha.
Theo tập quán sản xuất những năm gần đây, khoảng 90% diện tích lúa đông xuân sử dụng các loại giống chất lượng cao như OM, Jasmine...
Gần đây vùng U Minh Thượng (gồm các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng) có một số hộ nông dân gieo trồng thử các loại giống ST. Với giá lúa đứng ở mức khá cao, hầu hết nông dân trồng lúa đều có lãi cao.
Theo ông Trần Ngọc Chuyển - thương lái chuyên mua lúa các tỉnh ĐBSCL, do ảnh hưởng dịch COVID-19, thị trường nội địa có tâm lý dự trữ lúa gạo khiến giá lúa đầu vụ tăng cao.
Với diễn biến này, kể cả vào vụ thu hoạch rộ (tháng 3), giá lúa bình quân sẽ ở mức trên 6.300 đồng/kg.
Theo Cục Trồng trọt Bộ NN&PTNT, cao điểm thu hoạch lúa đông xuân năm nay rơi vào tháng 3 và sẽ tiếp tục kéo dài đến tháng 4 và 5. Không chỉ giá lúa xuất khẩu cao hơn khoảng 10 USD/tấn so với trước, 2 thị trường chủ lực là Philippines và Trung Quốc cũng có xu hướng nhập khẩu thêm.
"Lúa luôn có ở ĐBSCL. Các doanh nghiệp thu mua, hợp đồng xuất khẩu hết sức bình tĩnh vì không có sự khan hiếm lúa gạo. Bởi nếu không bình tĩnh sẽ làm xáo trộn, làm giá lúa biến động không tốt" - ông Lê Thanh Tùng, cục trưởng Cục Trồng trọt, khuyến cáo.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng giá lúa vụ đông xuân năm nay tăng cao là điều đáng mừng, chưa kể một số doanh nghiệp cũng đang thăm dò giá lúa trong tháng 3 và tháng 4 để mua vào phục vụ hoạt động xuất khẩu.
Trong đó, các giống lúa thơm chiếm 40% trong cơ cấu giống vụ này, chủ yếu phục vụ hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên, ông Nam khuyến cáo bà con không vì thấy giá lúa đang cao mà lại đổ xô trồng ở vụ hè thu sắp tới, bởi lúa vụ này thường bị bạc bụng.
"Nếu bà con thấy lúa trúng mùa được giá rồi đổ xô mở rộng vụ mùa tới sẽ rất nguy hiểm" - ông Nam nói.
Phải phát triển chuỗi giá trị hạt gạo
Trao đổi với chúng tôi, TS Trần Hữu Hiệp - chuyên gia kinh tế - cho rằng tại nhiều địa phương ở ĐBSCL, lúa được thu hoạch đến đâu, thương lái vào tận ruộng mua hết đến đó với mức giá khá cao, nông dân có lợi nhuận tốt... là điểm sáng trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
Tuy nhiên, các địa phương cần cân nhắc thận trọng việc tăng sản xuất, nâng diện tích lúa để tăng sản lượng.
Bởi sản xuất lúa còn nhiều yếu tố bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào yếu tố nước thượng nguồn, cùng với tác động do nước biển dâng, xâm nhập mặn, sạt lở và những bất cập nội vùng.
Hơn nữa, người dùng không thể ăn nhiều gạo hơn, dù nguồn cầu tăng do tâm lý tăng mua dự trữ trước tác động của dịch COVID-19.
Những tín hiệu tích cực từ ngành hàng gạo Việt cho thấy cần tiếp tục thực thi nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo hoàn chỉnh hơn là gia tăng diện tích, sản lượng.
Yêu cầu sắp tới là phải kiểm soát được tiêu chuẩn chất lượng gạo từ sản xuất, chế biến đến các kênh phân phối bằng pháp luật và chất lượng quản lý.
Nông dân cần tập hợp lại cùng với các doanh nghiệp đủ mạnh, phát triển sản xuất theo các chuỗi giá trị được quản lý từ đầu vào đến đầu ra.
Chí Quốc
Lo nông dân đua trồng lúa vụ 3
Một thửa ruộng xuống giống không theo khuyến cáo của ngành chức năng tại Tiền Giang, có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Dù cơ quan chức năng đã đưa ra khuyến cáo không làm lúa vụ 3 để né mặn nhưng nông dân tại một số tỉnh miền Tây vẫn bất chấp rủi ro, xuống giống hàng ngàn hecta không theo khuyến cáo.
Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre vừa có văn bản gửi phòng NN&PTNT các địa phương cùng các cơ quan liên quan yêu cầu khuyến cáo nông dân không sản xuất lúa vụ 3, bởi nguồn nước và chất lượng nước phục vụ sản xuất trồng trọt được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn.
Theo ghi nhận, đến nay nông dân ở 2 huyện Ba Tri và Giồng Trôm đã xuống giống khoảng 102ha lúa vụ 3 và dự báo diện tích này sẽ tiếp tục tăng, chủ yếu do giá lúa đang rất hấp dẫn.
Trước đó, phát biểu tại Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất vụ hè thu năm 2021 ở Tiền Giang mới đây, ông Nguyễn Văn Mẫn - giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang - cho biết hiện toàn vùng ngọt hóa Gò Công có hơn 1.600ha xuống giống vụ 3 không theo khuyến cáo.
"Trong năm 2021, chúng ta kiên quyết cắt vụ lúa thu đông. Các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền về việc cắt vụ" - ông Mẫn nói.
MẬU TRƯỜNG
TTO - Thị trường đang chuyển dịch mạnh từ “ăn no” tới “ăn ngon”, không chỉ đảm bảo dinh dưỡng mà còn là dinh dưỡng theo nhu cầu. Đương nhiên, cây lúa cũng phải chuyển mình theo.
Xem thêm: mth.52713829052201202-nol-gnaht-aul-gnort-nad-gnon/nv.ertiout