Lý do của đà sụt giảm giá vàng tuần qua
Phạm Minh
(TBKTSG) - Vàng nối tiếp đà giảm sau một tuần phục hồi trước đó. Những lý do đằng sau đà tăng kỷ lục của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ (US Treasuries yield) có thể giải thích cho đà lao dốc của giá vàng tuần qua.
Chính sách của Fed sẽ là yếu tố quan trọng bậc nhất tác động tới thị trường vàng quốc tế và trong nước. |
Đằng sau đà tăng mạnh của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ
Kỳ vọng về lạm phát cao
Cụ thể là lợi suất trái phiếu kho bạc (TPKB) kỳ dài hạn đã tăng mạnh. Theo số liệu từ Bloomberg, đóng cửa tuần qua, lợi suất TPKB kỳ hạn 10 năm đạt 1,34%, tăng mạnh 23 điểm cơ bản so với một tháng trước đó. Đáng chú ý, so với một năm về trước, là thời điểm trước khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định hạ khẩn cấp 100 điểm cơ bản lãi suất mục tiêu (Fed fund target rate) khiến lợi suất TPKB kỳ hạn 10 năm cũng rớt mạnh gần 100 điểm tương ứng; thì lợi suất TPKB kỳ hạn 10 năm hiện tại chỉ thấp hơn có 13 điểm cơ bản (chi tiết trong biểu đồ phía dưới).
Động lực tăng giá cho vàng hiện tại chưa đủ mạnh, bất chấp dịch bệnh vẫn khiến kinh tế Mỹ cần nhiều thời gian để phục hồi. Do đó, trong thời gian tới giá vàng thậm chí có thể giảm về cạnh dưới của kênh giá, có thể dưới 1.700 đô la/ounce nếu kỳ vọng về thắt chặt tiền tệ của Fed ngày càng gia tăng. |
Đà tăng lợi suất kỳ hạn 10 năm là rất mạnh. Nó bắt đầu từ tháng 8-2020 và càng tăng mạnh hơn trong những tháng đầu năm 2021 này.
Điều này phản ánh xu hướng của thị trường về kỳ vọng lạm phát cao trong tương lai, đi kèm lập trường chính sách tiền tệ rất lỏng lẻo của Fed trong nỗ lực cải thiện việc làm và tăng trưởng trước sự tàn phá chưa có điểm dừng của đại dịch Covid-19. Khảo sát của Đại học Michigan cho thấy kỳ vọng lạm phát năm 2021 có thể tăng 3,3%, cao nhất kể từ năm 2014 (theo Bloomberg).
Với kỳ vọng lạm phát cao, nhà đầu tư sẽ yêu cầu một mức lợi suất TPKB cao hơn, chí ít là cao hơn lạm phát. Điều này đã dẫn tới làn sóng bán ra các tài sản TPKB, đặc biệt ở những kỳ hạn dài, đẩy giá TPKB giảm xuống và lợi suất TPKB tăng lên bất chấp Fed vẫn duy trì các gói mua vào trái phiếu đều đặn hàng tháng ở mức 120 tỉ đô la Mỹ, bao gồm phần lớn là TPKB.
Kỳ vọng Fed thắt chặt tiền tệ sớm hơn dự kiến
Đà tăng của lợi suất TPKB kỳ hạn dài còn mang tới thị trường một kỳ vọng khác, đó là Fed có thể thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn dự kiến. Nó như một chỉ báo rằng, Fed sẽ tăng lãi suất trong dài hạn. Và thời điểm Fed kết thúc nới lỏng tiền tệ và chuyển sang thắt chặt dần luôn là sự kiện hết sức quan trọng đối với kinh tế toàn cầu.
Động thái của Fed có thể xoay trục chính sách tiền tệ của nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới. Bởi vậy, kỳ vọng kể trên là hết sức quan trọng, nó có tầm ảnh hưởng lớn, không chỉ nền kinh tế Mỹ và còn ở quy mô toàn cầu, đặc biệt các vùng kinh tế mới nổi với nền tảng vĩ mô thiếu ổn định, nhạy cảm với các cú sốc tài chính quốc tế.
Với lập trường từ Fed rằng họ sẽ duy trì chính sách tiền tệ lỏng lẻo trong thời gian dài và chấp nhận tình trạng lạm phát cao hơn, với mục tiêu bình quân ở mức 2%, thì hiện tại thị trường tiền tệ dự đoán Fed sẽ không thay đổi lãi suất cho tới cuối năm 2023.
Chủ tịch Fed, ông Powell mới đây cũng cho rằng việc thắt chặt tiền tệ có thể đem lại cú sốc cho thị trường với bài học từ sự kiện Taper Tantrum năm 2013 (Sự kiện chủ tịch Fed lúc đó, ông Ben Bernake, đưa ra thông điệp sẽ giảm dần quy mô mua trái phiếu làm dấy lên kỳ vọng Fed sớm thắt chặt tiền tệ và nâng lãi suất, tạo tâm lý hoảng loạn trên thị trường).
Song lạm phát cao có thể khiến Fed buộc phải thắt chặt tiền tệ sớm hơn dự kiến. Đã có quá nhiều tiền được bơm vào nền kinh tế trong năm qua. Nên mặc dù, báo cáo về lạm phát lõi (lạm phát do yếu tố tiền tệ) cả năm 2020 của Mỹ chỉ đạt 1,4%, thấp hơn kỳ vọng, thì nó cũng không làm thay đổi được quan điểm của giới đầu tư về lạm phát sẽ tăng mạnh trong năm nay do hệ quả của việc gia tăng cung tiền lớn mà Fed tạo ra trong năm ngoái.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản cũng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu Fed tiếp tục duy trì một chính sách lỏng lẻo như hiện tại khi lãi suất các khoản vay thế chấp mua nhà ở mức thấp kỷ lục, thúc đẩy nhu cầu mua nhà gia tăng và giá nhà tăng cao, mang lại lo ngại về bong bóng nhà đất. Hàng tồn kho nhà đất tại Mỹ ghi nhận trong tháng 1-2021 giảm kỷ lục tới 25,7% cho thấy thị trường nhà đất ở Mỹ đang nóng.
Qua phân tích nêu trên, rủi ro từ lạm phát và từ thị trường nhà đất có thể khiến Fed buộc phải thắt chặt tiền tệ sớm hơn. Lộ trình thắt chặt tiền tệ thông qua hai kênh, một là giảm dần và ngừng hẳn gói mua vào trái phiếu (hiện tại đang duy trì gói mua 120 tỉ đô la hàng tháng) và hai là tăng lãi suất.
Nếu giảm dần quy mô chương trình mua trái phiếu, đồng nghĩa Fed sẽ giảm dần bơm tiền vào thị trường. Nhu cầu thanh khoản sẽ nóng hơn có thể thúc đẩy việc bán tháo khỏi các tài sản thanh khoản cao để nắm giữ tiền mặt. Còn nếu tăng lãi suất, dĩ nhiên đây là một động lực tăng giá cho đô la Mỹ trước các tài sản không được trả lãi như vàng.
Như vậy kỳ vọng Fed sẽ sớm thắt chặt tiền tệ bắt nguồn từ các rủi ro kể trên có thể là lý do chính tạo sức ép cho giá vàng tuần qua. Và đà tăng của TPKB kỳ dài hạn thời gian qua là biểu hiện rõ ràng để những lo lắng về các rủi ro kể trên là hiện hữu.
Liệu vàng thế giới và trong nước có tiếp tục giảm thêm trong trong năm?
Với những lập luận trên đây, có thể thấy kỳ vọng về chính sách tiền tệ của Fed là yếu tố lớn chi phối giá vàng trong thời gian tới. Chúng ta sẽ kết hợp thêm biểu đồ nến của giá vàng để thấy rộng hơn lịch sử giá trong quá khứ.
Vàng vẫn đang dịch chuyển trong một kênh giá giảm
Tôi đã kẻ một kênh giá gồm hai cạnh song song với nhau, là điểm nối những điểm giá gần như thấp nhất và gần như cao nhất mà vàng chạm tới trong khoảng thời gian vàng bắt đầu giảm từ vùng đỉnh mọi thời đại thiết lập hồi tháng 8-2020. Mục đích của kênh giá là giải thích về xu hướng và chuyển động của giá vàng thời gian qua.
Nó cho thấy giá vàng vẫn di chuyển trong kênh giá giảm mặc dù đã có lúc phá thủng (break out) cạnh trên nhưng lại quay đầu giảm mạnh ngay sau đó. Quãng thời gian tiếp theo vẫn chứng kiến giá vàng có xu hướng bám sát cạnh trên của kênh giá nhưng không thể phá qua và giảm ngay sau đó.
Lập trường của Fed sẽ chi phối mạnh giá vàng
Quan sát ở trên cho thấy động lực tăng giá cho vàng hiện tại chưa đủ mạnh, bất chấp dịch bệnh vẫn khiến kinh tế Mỹ cần nhiều thời gian để phục hồi. Do đó, trong thời gian tới giá vàng thậm chí có thể giảm về cạnh dưới của kênh giá, có thể dưới 1.700 đô la/ounce nếu kỳ vọng về thắt chặt tiền tệ của Fed ngày càng gia tăng.
Song ở góc độ khác, hiện tại Fed vẫn cho rằng việc tiếp tục nới lỏng tiền tệ là cần thiết cho nền kinh tế. Chủ tịch Fed mới đây vẫn ủng hộ lập trường này trước thềm chính quyền ông Biden sắp tung ra gói viện trợ nền kinh tế trị giá tới 1.900 tỉ đô la.
Nếu Fed kiên định trong lập trường này (duy trì lãi suất mục tiêu cận 0% và duy trì các gói bơm tiền như hiện tại) và sẵn sàng chấp nhận mức lạm phát cao như kỳ vọng của thị trường thì dường như sẽ là “đòn giáng mạnh” vào đô la Mỹ, cũng như là động lực cho đà tăng trở lại của vàng sau nhiều tháng giảm liên tiếp.
Thị trường vàng trong nước có liên kết chặt chẽ với thị trường vàng thế giới. Đà giảm giá vàng thế giới thời gian qua đã khiến thị trường vàng trong nước tương đối ảm đạm (ngoại trừ các ngày nhu cầu mua nhiều như “Vía Thần tài”,...). Trong tương lai, điều này vẫn được duy trì và kỳ vọng về chính sách của Fed sẽ là yếu tố quan trọng bậc nhất tác động tới thị trường vàng quốc tế và trong nước. Các bài phát biểu của Fed sẽ là tiêu điểm mà giới đầu tư dõi theo trong thời gian tới.
Xem thêm: lmth.auq-naut-gnav-aig-maig-tus-ad-auc-od-yl/089313/nv.semitnogiaseht.www