Ảnh: Nikkei
Vào ngày thứ Tư, Malaysia đã khởi động chương trình tiêm chủng vắc xin Covid-19 toàn quốc, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đã tiêm mũi đầu tiên.
Chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 lần này có quy mô lớn nhất trong lịch sử Malaysia, dự kiến sẽ có 26 triệu người tham gia tiêm chủng.
Theo báo Nikkei, Malaysia là một trong số ít các nước tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương có các bước đột phá với chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19. Australia cũng chính thức khởi động tiêm vắc xin Covid-19 toàn quốc từ ngày thứ Hai.
Trong ngày thứ Tư, Thái Lan và Việt Nam nhận những lô vắc xin đầu tiên, còn tại Hàn Quốc, giới chức Hàn Quốc sẽ bắt đầu tiêm chủng vắc xin Covid-19 từ ngày thứ Sáu tuần này.
Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin từng mắc bệnh ung thư 2 năm trước, sau đó ông đã khỏi bệnh. Đến tháng 5/2021, ông chính thức bước sang tuổi 74. Ông đã tiêm mũi đầu tiên của liệu trình 2 mũi vắc xin Covid-19 tại trung tâm tiêm chủng tại thủ đô của Malaysia. Sau khi Thủ tướng Malaysia tiêm vắc xin, Bộ trưởng Y tế Malaysia sẽ là người tiếp theo. Các phương tiện truyền thông đại chúng nước này đã đưa tin rất dày đặc về sự kiện.
Trong giai đoạn đầu tiên từ tháng nay đến tháng 4/2021, khoảng 500.000 nhân viên y tế và chống dịch tuyến đầu dự kiến sẽ được tiêm chủng vắc xin Covid-19, sau đó đến một số đối tượng khác. Trong kế hoạch tiêm chủng có cả những người mang quốc tịch nước ngoài, trong đó có người tị nạn và một số người nhập cư bất hợp pháp nhằm đảm bảo virus được loại bỏ.
Tính đến hiện tại, Malaysia đã đặt mua 66 triệu liều vắc xin Covid-19 từ 5 nhà sản xuất của thế giới, đủ để tiêm cho toàn bộ người dân nước này ước tính khoảng 32 triệu người. Tuy nhiên cho đến nay, giới chức đang đặt mục tiêu tiêm chủng cho khoảng 80% dân số trước thời điểm tháng 2/2022, và Bộ Y tế Malaysia mới chấp thuận cho lưu hành vắc xin Covid-19 của Pfizer.
Nhiều nước khác đang muốn tiếp bước Singapore và Indonesia. Hai nước này đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng từ tháng 1/2021 và gần đây, Nhật cũng bắt đầu tiêm vắc xin Covid-19 từ tuần vừa rồi. Chương trình tiêm chủng của các nước được thực hiện dựa trên nguồn cung nhiều loại vắc xin Covid-19 khác nhau chứ không chỉ Pfizer hay Sinovac mà còn cả vắc xin của AstraZeneca và nhiều loại vắc xin khác.
Dù rằng trên thực tế, phần lớn các nước mới chỉ đang bắt đầu hoặc dần dần đẩy nhanh quá trình tiêm vắc xin Covid-19, nhiều nước châu Á đang rất cố gắng để đẩy nhanh quá trình. Israel hiện đang là nước có tiến độ tiêm vắc xin Covid-19 cao nhất thế giới, tính trên 100 người dân, Israel đã tiêm được vắc xin Covid-19 cho 87 người. Tỷ lệ này tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất là hơn 56, Anh là 27, Mỹ 19.
Tháng 3/2021, Thái Lan dự kiến sẽ nhận được 800.000 liều vắc xin Covid-19 từ Trung Quốc và thêm 1 triệu liều nữa trong tháng 4/2021. Tuy nhiên, Thái Lan vẫn kỳ vọng nhiều nhất vào vắc xin Covid-19 từ AstraZeneca. Thái Lan đặt mục tiêu tiêm vắc xin Covid-19 cho khoảng 50% trong tổng số dân 70 triệu người trong năm 2021.
Chính phủ Thái Lan đã chấp thuận kế hoạch mua 61 triệu liều vắc xin Covid-19 từ AstraZeneca. Một phần vắc xin mà Thái Lan có được sẽ được sản xuất bởi công ty Siam Bioscience tại Thái Lan, nhà vua Thái Lan cũng có cổ phần tại công ty này.
Giới chức Hàn Quốc cũng công bố hiện đang làm việc chủ yếu với AstraZeneca bởi đây là doanh nghiệp dược phẩm đầu tiên mà phía Hàn Quốc có thể có được thỏa thuận. Chính phủ Hàn Quốc đã có các cuộc đối thoại với AstraZeneca từ năm ngoái khi vắc xin Covid-19 còn đang trong quá trình phát triển.
Việt Nam cũng đang đặt nhiều kỳ vọng vào AstraZeneca. Trong năm nay, dự kiến Việt Nam nhận được 30 triệu liều vắc xin Covid-19 thông qua sáng kiến vắc xin COVAX. Theo Reuters, lô 117.000 liều vắc xin Covid-19 đã về đến Việt Nam vào ngày thứ Tư. Hoạt động tiêm chủng quy mô lớn dự kiến sẽ khởi động từ tháng 3/2021. Việt Nam dự kiến cũng sẽ nhận 50 triệu liều vắc xin Covid-19 Sputnik V từ Nga.