Sáng 25-2, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tập huấn nghiệp vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH), HĐND khóa mới.
Phó Vụ trưởng Vụ 5, Ban Tổ chức Trung ương Đặng Cao Đức, cho hay Hướng dẫn số 36 ngày 20-1-2021 của Ban Tổ chức Trung ương (hướng dẫn 36) về công tác nhân sự ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 có nhiều điểm mới.
Ông Đặng Cao Đức. Ảnh: XĐ
ĐBQH chuyên trách phải có quy hoạch chức danh thứ trưởng trở lên
Ngoài tiêu chuẩn chung, hướng dẫn 36 còn quy định chi tiết về tiêu chuẩn, điều kiện của ĐBQH chuyên trách và đại biểu HĐND chuyên trách.
Điểm mới bổ sung lần này là người giới thiệu để bầu ĐBQH chuyên trách phải có quy hoạch ĐBQH chuyên trách hoặc quy hoạch chức danh thứ trưởng và tương đương trở lên.
Nếu là cán bộ Quân đội, Công an, phải kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức danh cục trưởng, vụ trưởng và tương đương, chỉ huy trưởng bộ chỉ huy quân sự tỉnh, chỉ huy trưởng bộ đội biên phòng tỉnh, giám đốc công an tỉnh và tương đương trở lên hoặc có quân hàm từ Đại tá trở lên.
Ở địa phương, người ứng cử phải là tỉnh uỷ viên, đang giữ chức vụ giám đốc sở hoặc tương đương trở lên…
Liên quan đến việc bố trí trưởng đoàn ĐBQH khóa XV, ông Đức cho biết từ thực tiễn khóa XIV, hướng dẫn 36 sửa đổi, bổ sung hai điểm.
Thứ nhất, lãnh đạo chủ chốt tỉnh, thành được cấp ủy đề xuất và được Bộ Chính trị, Ban Bí thư đồng ý giới thiệu ứng cử ĐBQH, nếu trúng cử thì đảm nhiệm chức danh trưởng đoàn ĐBQH theo nguyên tắc mỗi thường trực cấp ủy cấp tỉnh (Bí thư, Phó bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND và Trưởng đoàn ĐBQH) không giữ quá hai chức danh lãnh đạo.
Uỷ viên Trung ương Đảng được phân công làm trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, TP không giữ quá ba chức danh lãnh đạo.
Thứ hai, trường hợp trưởng đoàn ĐBQH có sự thay đổi công tác thì Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí nhân sự phù hợp đảm nhiệm vị trí trưởng đoàn ĐBQH. Trường hợp đặc biệt, nếu tại địa phương không có nhân sự đáp ứng yêu cầu thì có thể xem xét, phân công ĐBQH ứng cử tại địa bàn là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý kiêm nhiệm trưởng đoàn.
Cũng theo ông Đặng Cao Đức, việc xem xét kết luận về tiêu chuẩn chính trị và bố trí sử dụng nhân sự là đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong doanh nghiệp nhà nước ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND thực hiện theo Quy định 126/2018 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn 19/2019 của Ban Tổ chức Trung ương.
Đối với người ngoài Đảng, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xem xét báo cáo ban Thường vụ cấp ủy có thẩm quyền (nơi nhân sự cư trú, làm việc hoặc ứng cử) kết luận về tiêu chuẩn chính trị.
Đảng viên tự ứng cử phải được sự đồng ý của cấp uỷ
Tại hội nghị tập huấn, đại diện Văn phòng Quốc hội cũng làm rõ nhiều vấn đề các địa phương nêu. Đại diện tỉnh Thái Bỉnh hỏi trường hợp tự ứng cử có cần văn bản xác nhận của cơ quan, đơn vị hay không?
Trả lời, đại diện Văn phòng Quốc hội cho hay theo theo hướng dẫn 36, đảng viên, cán bộ công chức, viên chức, người lao động tại các đơn vị nhà nước được giới thiệu ra ứng cử ngoài thực hiện các quy định của Luật còn thực hiện theo các hướng dẫn của Đảng về công tác cán bộ.
Đảng viên tự ứng cử, trong hồ sơ phải có ý kiến đồng ý của cấp uỷ và cơ quan quản lý cán bộ. “Việc xác nhận lý lịch ở trong hồ sơ ứng cử chỉ là xác nhận nội dung kê khai trong lý lịch của người ứng cử, không phải là văn bản đồng ý cho cá nhân đó được tự ứng cử”- đại diện Văn phòng Quốc hội cho hay.
Theo hướng dẫn số 36, đảng viên tự ứng cử ĐBQH, tự ứng cử đại biểu HĐND các cấp phải là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; đồng thời phải được cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền quản lý đảng viên đồng ý.
Cụ thể, đối với đảng viên không giữ chức vụ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội, nếu tự ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND thì phải báo cáo và phải được chi bộ, đảng bộ cơ sở (nơi đảng viên sinh hoạt) đồng ý.
Đối với đảng viên đang giữ các chức vụ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước hoặc đã nghỉ hưu, nếu tự ứng cử thì phải báo cáo và phải được cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ và cấp ủy cấp trên trực tiếp của chi bộ, đảng bộ cơ sở (nơi đảng viên sinh hoạt) đồng ý.
Không để lọt những người chay chức, chạy quyền tham gia Quốc hội Hướng dẫn số 36 của Ban Tổ chức Trung ương nêu rõ không giới thiệu và đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết; những người vi phạm Quy định số 126/2018 của Bộ Chính trị (về một số vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ Đảng) hoặc có vấn đề về chính trị chưa được kết luận. “Kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền tham gia Quốc hội”- hướng dẫn yêu cầu. |