Bà Tuyết ở tiệm giày mấy đời của gia đình chồng - Ảnh LÊ VÂN
"Tìm đôi giày không khó, bày bán nhan nhản. Nhưng với đôi chân khuyết tật của tôi, gần 50 năm nay tôi mới tìm được một đôi giày như ý.
NGUYỄN THỊ HẢO
Đó là bà Bùi Thị Tuyết, 57 tuổi, với tiệm giày gia đình nằm dưới hông cầu Calmette ngót nghét trăm năm nay. Ở làng giày nổi tiếng quận 4, bà đã "tiếng lành đồn xa" có thể đóng được những đôi giày đặc biệt cho các đôi chân kém may mắn như bao người bình thường.
Trăm năm đo ni những bàn chân
Tiệm giày có tên Tuyết Tiến (ghép tên bà Tuyết và chồng) giờ do gia đình bà Tuyết và người chị gái bên chồng cùng giữ nghề. Trong ngôi nhà nhỏ bên hông cầu Calmette, bà Tuyết vui vẻ khoe đời làm giày bằng tay của mình có lúc đóng những đôi giày cỡ vài triệu đồng. "Mà khách nào khách đó mỗi lần đến tiệm tôi đều đóng vài đôi, có khi cả 5 đôi cho bõ công đi TP.HCM đo ni chân" - bà Tuyết vui vẻ khoe và mở chat Zalo đầy ắp hộp thư của những vị khách từ VIP đến bình dân.
"Này là Hoàng Ích Hậu ngoài Bắc chuyên đặt giày khiêu vũ. Bà Thanh Phương thì mất gần nguyên bàn chân mà đặt từ hè tới giờ, hứa bả hoài chưa xong nữa. Thường đóng cho bả lấy 300.000 một đôi à, năm nay lên giá chút đỉnh vì vật liệu tăng giá rồi dịch giã nè. Chân bà Phương này tội lắm, mất nửa bàn chân còn bên cao bên thấp..." - bà Tuyết nói.
Bà chủ tiệm giày Tuyết Tiến vốn gốc người quận 4, cơ duyên đến với nghề khi làm dâu gia đình có truyền thống làm giày ở TP.HCM. "Khách hàng là những người thầy lớn nhất. Có những lúc gặp đôi giày khó tôi cũng nản, chỉ muốn bỏ. Nhưng cứ gắng đóng một đôi rồi 10 đôi, 20 đôi, rồi chẳng biết tự lúc nào bị cuốn theo cuộc đời gắn với cái nghề đo chân to chân nhỏ kỳ lạ này" - bà Tuyết mải mê tâm sự về nghề.
Bà Tuyết khéo léo đóng giày cho những bàn chân thương tật - Ảnh: LÊ VÂN
"Chuyện đời" của những đôi giày đặc biệt
Giáp Tết Tân Sửu 2021, bà Tuyết đang tất bật làm nốt những đơn hàng cho khách trước đêm giao thừa. Có đôi giày bà phải làm lại cho vị khách tặng mẹ đi chơi tết nhưng hơi chật quai chân. Khách nói qua tết sửa lại, nhưng bà Tuyết nằng nặc "đòi" khách để bà kêu xe ôm qua lấy lại về sửa cho mẹ vị khách đó có cái đi chơi tết.
Trên chiếc bàn cũ và cả dưới sàn nhà bà Tuyết la liệt những đồ da, kìm, kéo, đinh, khuôn giày. Bà vừa nói chuyện vừa thoăn thoắt quẹt bút vẽ, đánh dấu trên cuốn sổ "nhật ký đo ni giày". Cuốn sổ giấy bản to với chiếc bật lửa treo toòng teng một bên. Miếng da dư và cuộn thước dây đo ni lúc nào cũng vắt vẻo trên vai người phụ nữ này. Trong cuốn sổ "nhật ký đo ni giày" đầy ắp "chuyện đời" những đôi giày từ bốn phương của khách hàng tìm đến.
Bà Tuyết xúc động nhớ lại: "Bữa đó cũng chiều muộn rồi, có thằng bé cỡ con trai út tôi bước vào tiệm rụt rè hỏi phải cô Tuyết làm giày hông? Con coi cô trên "du túp". Trời đất ơi, nhìn rồi nghe nó nói cái tôi rớt nước mắt luôn. Thằng bé gần như chỉ còn mỗi hai cái cùi chân bọc đôi vớ đi như lết dưới nền đất trước sân nhà tôi... Có những khách như vậy đã trở thành người thầy không chỉ dạy tôi phải mày mò làm những đôi giày khó mà còn thêm yêu cái nghề đo ni cho những đôi chân đặc biệt".
Sau đó, bà Tuyết đã đóng tặng cho cậu bé ở Đồng Nai này đôi giày đi vừa vặn với đôi chân thương tật của cậu, và cũng từ đó bà có thêm một khách hàng đều đặn đặt giày suốt mấy năm nay.
Cuối tháng 10-2020, thầy giáo trẻ Đỗ Thanh Tân ở huyện Đại Từ (Thái Nguyên) cũng đã nhận được đôi giày từ TP.HCM gửi ra vào một dịp đặc biệt. Tân chia sẻ: "Nói thật, mình chỉ cầu may thôi. Thấy trên mạng người ta nói có cô làm giày cho mấy người khuyết tật được nên mình thử liên lạc. Từ bé, mình bị chân cao chân thấp tận 15cm. Thường mình ít đi ra ngoài chơi lắm, chỉ đi học rồi đi làm, cứ khập khiễng thấy ngại. Nhưng năm nay đám cưới, mình muốn ngày cưới thật trọn vẹn nên đi tìm vài chỗ đóng giày sao cho chân bớt khập khiễng mà kiếm mãi không ra. Có tiệm ở ngoài này nhưng họ đóng xong một bên cao quá, đi vừa nặng vừa đau chân không đi nổi.
Mình cũng thử cầu may thôi, nhưng thật tốt vì cô Tuyết gửi đôi giày vừa y, đi êm, nhẹ lại giúp chân mình chỉ còn lệch chừng 1-2cm, vậy là vui rồi. Cô còn tặng quà cưới thêm đôi dép sandal để mình đi dạy học".
Chị Nguyễn Thị Hảo, quê Lâm Đồng, cũng có đôi chân thấp cao và còn mất nửa bàn chân. 5 năm trước, chị lần mò lên TP.HCM tìm bằng được cô Tuyết để làm giày. "Em tin không? Với chị thì suốt đời chỉ mơ có được đôi giày vừa chân để điệu đàng một chút. Nhưng mãi tới khi gặp cô đóng giày TP.HCM này chị mới ưng ý" - chị Hảo bộc bạch. Ở tuổi 54, chị Hảo gửi cho tôi những tấm hình đám cưới đầu tiên với đôi giày giúp chị tự tin bước đi duyên dáng trong ngày trọng đại của đời mình.
Anh Tân trong ngày cưới với đôi giày như ý - Ảnh: NVCC
Phải "độc nhất" để giúp khách đặc biệt
Bí quyết nào để người phụ nữ TP.HCM có thể giữ nghề với những đôi giày đặc biệt như thế suốt gần 40 năm nay? Bà Tuyết trải lòng: "Hồi đó, tôi cũng có lúc nản lắm. Nghề giày mỗi người chỉ giỏi được một vài khâu. Có người giỏi làm quai, người làm khuôn giày, đế giày, gò giày...
Còn để đóng một đôi giày cho người có những bàn chân đặc biệt khó, tôi phải làm hết. Nhưng tôi luôn tâm niệm trong lòng rằng: Nếu khó mình làm một ngày không xong thì một tháng cũng xong, một năm cũng sẽ xong. Còn nếu từ bỏ, mình gặp khó suốt đời. Cứ thế, tôi đã làm hàng ngàn đôi giày cho những đôi chân đặc biệt. Mà có thể nói đó chính là động lực để tôi giữ nghề, vì mình luôn phải "độc nhất" thì những vị khách đặc biệt mới tìm mình!".
"Nghề giày của tôi giờ con cái không đứa nào theo vì thấy mẹ mãi chẳng giàu được, chỉ đủ nuôi ba đứa con ăn học đàng hoàng" - bà Tuyết vừa tâm sự vừa tiếp tục gò lại đôi giày cho một vị khách có đôi chân nhỏ đặc biệt ở tận Vũng Tàu...
Không để cha chân trần trong ngày cưới con
Bà Tuyết nhớ lại câu chuyện một đôi giày đặc biệt vào ngày cưới của cô gái từ miền Bắc xa xôi tìm đến mình: "Cô gái đó đi đóng giày cho ba. Trời đất ơi, cổ đưa ba vào tận trong này, vừa nói vừa khóc. Cổ bảo cả đời ông cụ gần 80 tuổi chưa một lần được xỏ chân vào đôi dép vì chân bị khoèo, cả hai bàn chân đều quay ngược vào trong, không đâu chịu đóng dép cho ổng. Không lẽ để cha mình ngày cưới đi chân đất, mặc đồ vest dắt tay con lên lễ đường?".
Đôi giày cho người cha đặc biệt ấy bà Tuyết đóng gần một tháng mới xong, giao kịp ngày cưới. Đó cũng là đôi giày bà Tuyết đã quyết tâm đóng không chỉ đẹp mà còn phải đi thật êm, mềm mại, thoải mái cho vị khách đặc biệt.
TTO - Làm nghề chạy xe ba gác đã 5 năm, 'chú Đức ba gác' luôn có những vị khách hàng đặc biệt và chỉ nhận lời cám ơn, không nhận tiền. Đó là những cuốc xe nhận chở đồ miễn phí cho các bạn sinh viên có nhu cầu chuyển chỗ trọ.
Xem thêm: mth.4291650152201202-tat-gnouht-nahc-iod-gnuhn-ohc-yaig-gnod-iougn/nv.ertiout