Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP cho cả năm 2021 là 6,5%, trong đó, quý 1 là 5,12%; quý 2 là 7,11%; quý 3 là 6,71% và quý 4 là 6,67%.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trường hợp dịch Covid-19 được khống chế kịp thời trong quý 1, ước tính GDP quý 1/2021 tăng 4,46%, thấp hơn 0,66 điểm phần trăm so với mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP. Với mức giảm trên, nếu hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng của các quý sau theo Nghị quyết 01/NQ-CP, tăng trưởng cả năm ước đạt 5,84%, thấp hơn mục tiêu tăng trưởng của Quốc hội (6%) và mục tiêu tăng trưởng tại Nghị quyết 01/NQ-CP (6,5%).
TĂNG TRƯỞNG GDP DƯƠNG TRONG QUÝ 1 LÀ KHÔNG DỄ
Dự báo tăng trưởng GDP quý 1/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư dựa trên đà của quý 4/2020 khi dịch bệnh chưa bùng phát lại lần thứ 3. TS Nguyễn Đức Thành, Nhà sáng lập - Cố vấn trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, không dễ để đạt mức tăng trưởng GDP đạt được dương trong quý 1/2021.
Lý giải cho nhận định này, theo TS Nguyễn Đức Thành, quý 1 năm 2020 dịch bệnh chưa ảnh hưởng nhiều, dịp Tết Nguyên đán mọi hoạt động kinh tế xã hội vẫn vận hành trong điều kiện bình thường. Tuy nhiên, quý 1 năm nay bị ảnh hưởng ngay từ đầu khi Tết Nguyên đán mọi thứ đều giảm, dịch bệnh bùng phát, kinh tế tiêu điều, tăng trưởng mạnh như dự báo 4,46% là khó.
“Việc đạt được tăng trưởng dương rất khó, không đơn giản trong quý 1/2021”, ông Thành nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế vĩ mô, TS Bùi Trinh cho rằng, nền kinh tế Việt Nam 30% dựa vào hộ cá thể, hệ thống doanh nghiệp chưa đến 10%, FDI khoảng 20%, trong đó các hộ cá thể trầm lắng, Tết Nguyên đán 2021 khác hẳn so với năm 2020, người dân khó khăn, tăng trưởng GDP do đó sẽ bị ảnh hưởng.
Tuy vậy, theo TS Bùi Trinh, Chính phủ đặt mục tiêu kép, vừa phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, vừa chống dịch hiệu quả cho nên đối với những địa phương dịch bùng phát như Hải Dương, Hải Phòng đóng cửa, giãn cách xã hội, còn các tỉnh thành khác vẫn kinh doanh sản xuất bình thường. Nhờ đó, tăng trưởng GDP quý 1/2021 tất nhiên không được 4,46% nhưng có thể sẽ rơi vào khoảng 2,8-3%.
Dự báo về tăng trưởng GDP cả năm 2021, theo TS Nguyễn Đức Thành, các quý tiếp theo còn tiếp tục phụ thuộc vào dịch bệnh, trong kịch bản vaccin được tiêm tương đối đầy đủ giúp duy trì hoạt động kinh tế trong nước, nền kinh tế mở cửa thì tăng trưởng GDP sẽ đạt được khoảng 3-4%, thấp hơn so với con số 5,84% mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra mới đây.
NIỀM HI VỌNG MỚI TỪ VACCINE
Bắt nguồn từ Thành phố Chí Linh (Hải Dương) từ ngày 27/1/2021, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 3 đã lây lan đến nhiều địa phương trên cả nước với tốc độ nhanh hơn, tình trạng nguy hiểm hơn. Báo cáo kinh tế vĩ mô “Lạc quan trong thận trọng” của VnDirect mới công bố cho rằng, đợt bùng phát Covid-19 mới sẽ làm chậm đà phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trong nửa sau quý 1/2021.
Theo VnDirect, ngành dịch vụ chịu tác động mạnh nhất bởi làn sóng Covid-19 thứ 3 này. Sự phục hồi của ngành du lịch có thể bị chững lại do làn sóng Covid mới. Báo cáo từ các công ty du lịch và hàng không cho thấy nhiều du khách đã hủy đặt chuyến bay và đặt phòng khách sạn, hoặc tạm hoãn kế hoạch.
Thứ hai, việc phong tỏa Thành phố Chí Linh và đóng cửa một số dịch vụ không thiết yếu ở các tỉnh, thành phố khác có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng của một số phân ngành dịch vụ, đặc biệt là phân ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống, du lịch và giải trí.
Tuy vậy, niềm vi vọng của nền kinh tế Việt Nam là AstraZeneca và Công ty Cổ phần Vắc xin Việt Nam (VNVC) đang hợp tác để phân phối khoảng 30 triệu liều vắc xin Covid-19 tại Việt Nam, từ quý 1/2021. Do đó, VnDirect tin rằng việc tiêm chủng vắc xin Covid-19 kể từ quý 1/2021 sẽ giúp ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19 tại Việt Nam, từ đó tạo nền tảng vững chắc cho sự phục hồi bền vững của nền kinh tế Việt Nam trong những quý tiếp theo.
Xem thêm: mth.17012316142201202-1202-1-yuq-gnort-gnoud-pdg-gnourt-gnat-cum-tad-ed-gnohk/nv.ymonocenv