Sau phiên giao dịch đầy ức chế hôm qua, thị trường đã cân bằng trở lại nhưng trên nền thanh khoản khá thấp. VN-Index tăng 3,42 điểm chủ đạo nhờ "tứ trụ" ACB, VIC, GAS và SAB.
Bình thường sau các phiên giảm sốc đột ngột, thị trường thường phục hồi. Hôm nay cũng không ngoại lên, nhưng đà phục hồi lại không đủ ấn tượng. Mức tăng 3,42 điểm phiên này còn xa mới bù được mức giảm gần 16 điểm hôm qua.
Lý do đơn giản là ở các phiên đảo chiều hồi kỹ thuật, sức mạnh cổ phiếu phân hóa rất nhiều. Lúc giảm cổ phiếu có thể giảm hàng loạt, nhưng khi tăng lại thường phân hóa. Có thể thấy rõ điều này qua độ rộng. Chẳng hạn, hôm qua HSX có 258 cổ phiếu giảm giá thì hôm nay chỉ 172 cổ phiếu tăng giá. Hôm qua khoảng 110 mã giảm trên 2% thì phiên này chưa tới 60 mã tăng được trên 2%.
Các phiên phục hồi cũng thường dựa nhiều hơn vào yếu tố kéo trụ. Các cổ phiếu còn lại tăng "dựa hơi" được đến mức nào thì còn tùy. ACB, VIC, GAS, SAB là 4 cổ phiếu lớn đẩy VN-Index đáng kể nhất trong phiên, khi cộng tới 2,5 điểm.
Trong số này ấn tượng nhất là ACB khi chính thức đóng cửa ở đỉnh cao lịch sử mới kể từ khi niêm yết. ACB tăng 3,85% sau khi giảm 1,6% hôm qua. ACB là một trong rất hiếm cổ phiếu đạt mức tăng mạnh hơn mức giảm phiên trước. Thanh khoản của mã này cũng khá lớn với trên 15 triệu cổ phiếu khớp lệnh trị giá xấp xỉ 476 tỷ đồng, đứng thứ 4 thị trường về giá trị.
Nhóm ngân hàng phân hóa nhưng nhìn chung nhóm giảm cũng khá nhẹ: CTG giảm 0,53%, VPB giảm 0,25%, BID giảm 0,23%, TPB giảm 0,18%. Các mã tăng ngoài ACB có HDB tăng 0,2%, MBB tăng 1,11%, VCB tăng 0,1%, STB tăng 0,82%.
Như vậy có thể thấy ngoài ACB, ngân hàng không đóng vai trò lớn trong diễn biến phục hồi chung của thị trường.
Nhóm dầu khí tăng khá nhất với hai trụ lớn là GAS tăng 1,25% và PLX tăng 1,92%. Đây là hai cổ phiếu thuộc nhóm VN30 và vốn hóa lớn nhất. Nhiều mã dầu khí khác cũng tăng ấn tượng hơn hẳn ngân hàng: PVD tăng 2,4%, PVS tăng 3,21%, PVC tăng 1,15%... Nhóm Vin tăng cũng đuối. VIC tăng 0,65%, VRE tăng 0,15% còn VHM tham chiếu.
Tổng thể rổ VN30 chỉ có 14 mã tăng và 13 mã giảm, chỉ số tăng 0,23%. Hôm qua VN30-Index giảm 1,3%. Áp lực giảm lớn nhất là VNM giảm 1,13% và MSN giảm 1,54%.
Thống kê với nhóm VN100 thì hôm nay chỉ có 23 cổ phiếu san bằng được mức giảm của ngày hôm qua, còn VNSmallcap chỉ có 47 mã. Đây là tỷ lệ rất nhỏ cho thấy phần lớn cổ phiếu tuy có phục hồi nhưng quá yếu.
Thanh khoản sàn HSX hôm nay cũng giảm rất nhiều. Tổng giá trị giao dịch chỉ tới 13.351 tỷ đồng, giảm 11% so với phiên trước. Mức khớp lệnh cũng giảm 11%, đạt 12.573,1 tỷ đồng. Đây là quy mô khớp lệnh kém nhất 7 phiên trở lại đây.
Mức thanh khoản thấp này khiến các nhịp tăng trong phiên không thật sự chắc chắn. VN-Index đánh võng liên tục với biên độ hẹp trong sáng và chiều phản ánh nỗ lực bắt đáy không tạo sức lan tỏa, chỉ có thể nhờ các cổ phiếu trụ để phục hồi. Ví dụ nhịp phục hồi nhanh từ 1h30 đến sau 2h chiều của VN-Index hoàn toàn đến từ biến động của VHM. Mã này từ đáy 101.500 đồng hồi lên 102.900 đồng tương đương tăng 1,38%. VN-Index tương ứng từ 1.155,74 điểm hồi lên 1.166 điểm, tăng 0,89%.
Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay giảm bán nhưng tiếp tục duy trì quy mô vốn rút ròng khỏi HSX cỡ 460,8 tỷ đồng. VNM bị bán ra hơn 2,91 triệu cổ trong khi mua vào chưa tới 700.000 cổ. Lượng bán ra của khối ngoại chiếm hơn 68% thanh khoản của VNM, là nguyên nhân khiến giá giảm 1,13%. VNM cũng trải qua 5 phiên sụt giảm liên tục, bốc hơi 4,04% giá trị.
Ngoài VNM, DXG, KDH, SSI, PLX, HDB, STB, NT2, POW, CTG, HPG cũng bị bán ròng lớn. Phía mua ròng chỉ có VHM là tương đối tốt. Tính riêng nhóm VN30 thì khối ngoại xả ròng gần 342 tỷ đồng hôm nay.
Xem thêm: mth.20623835152201202-hnam-maig-xsh-naohk-hnaht-tauht-yk-ioh/nv.ymonocenv