Ông Nguyễn Ngô Quang: "Vắc xin sản xuất trong nước là ưu tiên số 1" - Ảnh: HOÀNG LỘC
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Ngô Quang - phó cục trưởng Cục Khoa học - công nghệ (Bộ Y tế) tại cuộc làm việc với Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen, đơn vị sản xuất và đang trong quá trình tiêm thử nghiệm lâm sàng vắc xin trên người.
Buổi làm việc có sự tham gia phản biện, thẩm định của các chuyên gia đầu ngành về vắc xin, gồm PGS.TS Trần Ngọc Hữu - nguyên viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, GS Phùng Đắc Cam - chuyên gia Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và GS Nguyễn Thị Kê - nguyên viện trưởng Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế Nha Trang.
Theo ông Quang, vừa qua 117.600 liều vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên đã về đến Việt Nam. Đây là sự kiện đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, qua đó cùng với vắc xin sản xuất trong nước góp phần mở ra cơ hội "phủ sóng" vắc xin ngừa COVID-19 trong toàn dân.
"Tuy tiếp nhận vắc xin nhập khẩu là tối quan trọng nhưng về tương lai, giải pháp bền vững ứng phó với các biến chủng của virus, việc sản xuất trong nước phòng ngừa cho mọi người dân sẽ là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ, Bộ Y tế", ông Quang khẳng định.
GS Nguyễn Thị Kê, nguyên viện trưởng Viện vắc xin và sinh phẩm y tế Nha Trang, góp ý cho nhà sản xuất tại cuộc họp - Ảnh: HOÀNG LỘC
Ông Quang cho biết đến nay cơ quản quản lý và hội đồng khoa học Bộ Y tế đánh giá vắc xin Nano Covax tiêm thử nghiệm trên người giai đoạn 1 an toàn.
Về tính sinh miễn dịch, hiện cả 3 liều 25mg, 50mg và 75mg đều có sinh miễn dịch đáp ứng khá tốt. Tuy nhiên vẫn chưa xác định được liều nào tối ưu, bởi số lượng người thử nghiệm còn ít, thời gian theo dõi còn ngắn.
"Để có một liều tối ưu chúng tôi quyết định giai đoạn 2 vẫn tiếp tục 3 nhóm liều/mỗi nhóm tiêm khoảng 180 người với các độ tuổi khác nhau (18 - 65) để có sự đánh giá dài hơi, từ đó có sự lựa chọn liều cho người dân một cách hiệu quả", ông Quang nói.
Về hiệu lực bảo vệ, ông Quang cho rằng chưa thể đánh giá, và tối thiểu phải kéo dài 6 tháng sau tiêm.
Ông Hồ Nhân, tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen, báo cáo tại cuộc họp - Ảnh: HOÀNG LỘC
Ở đợt thử nghiệm giai đoạn 2, theo ông Quang, có sự khác biệt so với giai đoạn 1 là có 4 nhóm thử nghiệm. Trong đó 3 nhóm sử dụng vắc xin, còn 1 nhóm sử dụng tá dược.
"Điều này hoàn toàn ngẫu nhiên, bản thân người nghiên cứu, nhân viên y tế và tình nguyện viên đều không biết để có sự khách quan. Mục đích của việc làm này là để đánh giá với từng đối tượng thì tỉ lệ sinh miễn dịch ra sao. Do đó giai đoạn 2 vô cùng quan trọng", ông Quang nói.
Tháng 12-2021 kết thúc nghiên cứu lâm sàng
Đó là báo cáo của đại diện Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen tại buổi làm việc với các chuyên gia.
Theo đó, quá trình thử nghiệm lâm sàng vắc xin Nano Covax được bắt đầu từ tháng 12-2020, trải qua 3 đợt tiêm thử nghiệm trên người và dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 12-2021.
TTO - Sẽ có 560 người tham gia vào quá trình thử nghiệm vắc xin đợt 2 ở Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) và ở Trung tâm Y tế huyện Bến Lức (Long An) vào ngày mai 26-2, ông Nguyễn Ngô Quang, phó cục trưởng Cục Khoa học - công nghệ (Bộ Y tế), nói.