Người tiêu dùng Việt có xu hướng ủng hộ những công ty có trách nhiệm xã hội
Lê Hoàng
(TBKTSG Online) - Một khảo sát của Visa được công bố vào ngày 25-2 cho thấy người tiêu dùng Việt Nam đang dẫn trước so với mức trung bình thế giới trong việc xây dựng lối sống lành mạnh - bền vững và họ có xu hướng ủng hộ những công ty có trách nhiệm với xã hội.
Người tiêu dùng Việt Nam đang dẫn trước so với mức trung bình thế giới trong việc xây dựng lối sống lành mạnh - bền vững. Ảnh minh họa: Visa |
Khảo sát người tiêu dùng do GlobeScan thực hiện với sự ủy quyền của Visa, công ty công nghệ thanh toán điện tử, cho rằng Việt Nam đang dẫn trước so với mức trung bình thế giới về các lựa chọn để xây dựng lối sống lành mạnh và bền vững.
Có tổng cộng 27.000 người dùng từ 27 thị trường đã tham gia cuộc khảo sát về thái độ, quan điểm và hành vi xây dựng lối sống lành mạnh và bền vững hơn. Trên toàn cầu, người tiêu dùng đang đối mặt với những tình huống khó lường và phải thích nghi với lối sống mới.
Những kết quả chính khảo sát cho thấy người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng ủng hộ những công ty có trách nhiệm với xã hội. Cụ thể có 47% số người tiêu dùng Việt cho biết họ đã lựa chọn công ty có trách nhiệm với xã hội trong năm qua, so với mức trung bình trên thế giới là 33%.
Người tiêu dùng Việt Nam tích cực tìm kiếm thông tin về các lối sống lành mạnh. 82% người được khảo sát cho biết họ đã tìm kiếm thông tin liên quan đến lối sống lành mạnh, cao hơn mức trung bình trên thế giới là 56%.
Người tiêu dùng Việt cũng quan tâm đến các lối sống thân thiện với môi trường nhiều hơn các nước khác. 81% người dùng đã tìm kiếm thông tin về lối sống thân thiện với môi trường trong năm qua, so với mức trung bình trên thế giới là 47%.
Khảo sát được thực hiện ở các quốc gia gồm: Argentina, Úc, Brazil, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia, Ý, Nhật Bản, Kenya, Mexico, Nigeria, Nga, Ả Rập Xê-út, Singapore, Nam Phi, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan, Anh, Mỹ và Việt Nam. |
Cũng theo khảo sát này, có 90% người Việt được khảo sát cho biết họ đã có những thay đổi hướng đến lối sống thân thiện hơn với môi trường trong năm qua, trong khi đó 87% đã thay đổi lối sống của mình để trở nên khỏe mạnh hơn và 84% người khảo sát cho biết đang cố gắng giúp đỡ người xung quanh nhiều hơn.
Theo bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào, người tiêu dùng Việt Nam đã và đang có những thay đổi rõ rệt để xây dựng lối sống lành mạnh và bền vững hơn, và đây là một xu hướng rất đáng khích lệ.
"Trong bối cảnh Covid-19 với nhiều khó khăn, chúng tôi mong muốn được hợp tác với các đối tác và tổ chức trong cộng đồng để cùng đưa ra những giải pháp dễ tiếp cận với chi phí hợp lý cho các vấn đề xã hội và môi trường mà chúng ta phải đối mặt”, bà Dung nói thêm.
Trên toàn thế giới, những hoạt động người tiêu dùng quan tâm và sẽ thực hiện nhiều hơn trong năm nay gồm: quản lý tài chính và phúc lợi đi kèm (80%), tiết kiệm năng lượng tại nhà (80%), tránh lãng phí thực phẩm (78%), chăm sóc sức khỏe tinh thần (78%), dành nhiều thời gian cho gia đình và bạn bè (78%), và chọn thức ăn giàu dưỡng chất (78%). |
Khảo sát cũng cho thấy người tiêu dùng Việt đã sẵn sàng thay đổi để cải thiện cuộc sống của chính mình, của mọi người và môi trường xung quanh, tuy nhiên vẫn còn những khoảng cách để biến điều đó thành hiện thực. Quá trình thay đổi lối sống thân thiện hơn với môi trường cũng gặp phải vấn đề tương tự.
Điều này cho thấy những giải pháp để tiến đến lối sống lành mạnh và bền vững hơn đang thật cần thiết, đặc biệt là từ những đơn vị có tầm ảnh hưởng trên thế giới. Doanh nghiệp, chính phủ, tổ chức phi chính phủ và các nhà khoa học cần nỗ lực hợp tác để tìm ra giải pháp cho các vấn đề xã hội và môi trường.
Khi được hỏi các công ty có thể làm gì để giúp duy trì lốui sống lành mạnh và bền vững, người tiêu dùng Việt Nam đã bình chọn việc giới thiệu các sản phẩm để cải thiện sức khỏe con người và môi trường cần được ưu tiên nhất.
Đứng thứ hai là đưa ra các sản phẩm và dịch vụ có mức giá phải chăng. Đồng thời, người tiêu dùng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiết kiệm chi phí bằng việc giảm tiêu thụ năng lượng và quản lý tài chính và phúc lợi đi kèm, hai tiêu chí này được xếp hạng nhất và ba trong danh sách những điều mà người tiêu dùng muốn thực hiện nhiều hơn trong năm.
Khảo sát cũng chỉ ra rằng người tiêu dùng thường trì hoãn những công việc họ cảm thấy khó khăn. Trong quá trình duy trì lối sống lành mạnh và bền vững hơn, người tiêu dùng sẽ ưu tiên thay đổi những điều họ cảm thấy dễ thực hiện.
Thông thường, những hành vi này sẽ liên quan đến việc cải thiện những vấn đề cá nhân, mua sắm có trách nhiệm và thay đổi những sinh hoạt hàng ngày (tiết kiệm nước, dùng thực phẩm lành mạnh hơn, chọn các sản phẩm ít bao bì và mua sắm từ những thương hiệu có trách nhiệm với cộng đồng).
Để có thể thay đổi hành vi, khảo sát cho thấy cần xác định tầm quan trọng của việc loại bỏ các rào cản và cung cấp thông tin rõ ràng cho người tiêu dùng.
Nghiên cứu được thực hiện dựa trên 20 năm khảo sát người tiêu dùng của GlobeScan về các vấn đề về tính bền vững, uy tín và danh tiếng thương hiệu, đồng thời được thiết kế để thấu hiểu suy nghĩ đa dạng của người tiêu dùng trong quá trình hình thành nên những rào cản (hoặc động lực thúc đẩy) để duy trì cuộc sống lành mạnh và bền vững hơn. Mẫu khảo sát và thu thập dữ liệu được thực hiện bằng chương trình nghiên cứu hành vi người tiêu dùng chuyên biệt trực tuyến, khảo sát khoảng 1.000 người trưởng thành ở mỗi 27 quốc gia. Việc lấy mẫu được tối ưu hóa để đại diện cho người tiêu dùng theo dữ liệu điều tra dân số mới nhất cho những người từ 18 tuổi trở lên. Thời gian thu thập dữ liệu diễn ra vào tháng 6 năm 2020. |