Buôn lậu công khai
Lực lượng Công an thành phố Biên Hòa vừa kiểm tra cơ sở kinh doanh do ông Đào Doãn Dự (49 tuổi), địa chỉ 158/7, khu phố 5B, phường Tân Biên làm chủ. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện bên trong kho xưởng rộng 600m2 có 20 người đang bán hàng bằng hình thức livestream qua mạng xã hội Facebook và chốt đơn hàng. Bên trong kho hàng chứa hàng chục nghìn sản phẩm của nhiều thương hiệu nổi tiếng gồm mỹ phẩm, dược phẩm, quần áo, giày dép, đồng hồ, mắt kính... Tổng trị giá ước tính lên đến hàng tỷ đồng.
Làm việc với cơ quan chức năng, chủ cơ sở không chứng minh được hóa đơn, chứng từ của các sản phẩm trong kho. Ông Dự cho biết, toàn bộ hàng hóa tại kho được nhập từ Mỹ về Việt Nam. Theo tìm hiểu, đây là số hàng do khách hàng tại Việt Nam đặt từ mua từ trang facebook Shop Mơ Đào do bà Đào Thị Thanh Mơ (chị ruột của ông Dự) livestream bán hàng trực tiếp từ Mỹ.
Làm rõ trách nhiệm
Liên quan đến kho hàng lậu ở Đồng Nai mới đây, Thượng tá Huỳnh Yên Nam, Trưởng Công an thành phố Biên Hòa cho biết: “Nguồn gốc hàng hóa đã xác định là hàng nhập từ nước ngoài vào Việt Nam và không có hóa đơn chứng từ. Hiện cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ số lượng hàng hóa này được nhập về bằng phương cách nào”.
Ông Võ Thái, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đồng Nai thông tin, việc phát hiện kho hàng nhập lậu này là do Công an thành phố Biên Hòa điều tra làm rõ. Qua kiểm tra cho thấy, trước đây cơ sở này khi chưa dùng hình thức bán hàng qua mạng cũng đã bị Đội 1 và Đội 2 Quản lý thị trường (QLTT) xử phạt 2 lần về hành vi bán hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. “Bán hàng qua mạng là hình thức mới hiện nay, đối với những điểm bán hàng qua mạng có tên miền rõ ràng thì dễ quản lý, nhưng đối với hình thức bán hàng livestream qua facebook hiện nay việc quản lý thị trường đối với lĩnh vực này cần phải có nghiệp vụ”, ông Thái nói và cho biết thêm, những loại hàng nhập này vào Việt Nam qua nhiều hình thức chủ yếu sẽ là đường tàu biển, hàng không…
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM cho rằng, livestream là một hình thức thương mại nên phải đăng ký kinh doanh tại Việt Nam và khi phát sinh thu nhập thì tổ chức và cá nhân có thu nhập phải nộp thuế theo quy định, giống như các youtuber.
“Theo tôi, cần có quy định pháp luật để định hướng, quản lý ngành nghề này. Cần có cơ sở pháp lý để hoạt động này diễn ra trật tự, được pháp luật bảo vệ. Bộ Tài chính cần thông tư hướng dẫn và trên cơ sở đó, các cơ quan thuế phải thu thuế theo quy định pháp luật” - luật sư Hậu nói.
Ông Lê Duy Minh, Cục trưởng Cục Thuế TPHCM cho biết, phương thức mua sắm của người tiêu dùng cũng như người bán hàng đã thay đổi nhiều sau dịch COVID-19. Trước đây người tiêu dùng đến mua sắm ở các cửa hàng thì sau dịch có thói quen mua hàng qua mạng nhiều hơn. Người bán hàng cũng vậy, trả mặt bằng và chủ yếu bán hàng online, livestream để tiết kiệm chi phí thuê mặt bằng. Người mua đặt hàng qua mạng, người bán giao hàng tận nhà và thanh toán trả bằng tiền mặt dẫn đến việc kiểm soát thuế không đơn giản.
Đối với hoạt động thanh toán qua tài khoản ngân hàng, cơ quan thuế có thể thực hiện phối hợp cùng ngân hàng thực hiện truy thu thuế đối với các giao dịch thương mại, nhưng với thanh toán bằng tiền mặt thì không dễ. Cục Thuế TPHCM đã có đề xuất phối hợp với Tổng cục Thuế phương thức quản lý chống thất thu thuế trong các hoạt động thương mại điện tử. Việc phối hợp xây dựng phương thức chống thất thu thuế sẽ được sớm triển khai trong thời gian tới, trong đó có nghiên cứu đến chương trình kiểm soát hoạt động bán hàng, đặt hàng trên mạng...
Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT nhận định, nhờ thành tựu của khoa học công nghệ nên việc mua bán online ngày càng trở nên phổ biến và có thể nói “cửa khẩu nằm ở cửa nhà của mỗi người dân” nên một số thủ đoạn mới đang xuất hiện trên nền tảng thương mại điện tử tập trung vào nhóm hàng hóa có giá trị cao, những mặt hàng do nước ngoài sản xuất.
Vì thế, Tổng cục QLTT đã lập một bộ phận đặc nhiệm chuyên trách riêng. Qua nắm bắt thông tin và những biện pháp nghiệp vụ, lực lượng đã tấn công, xử lý một số đường dây, ổ nhóm quy mô lớn trên môi trường internet, đặc biệt là mô hình kinh doanh mới, như trên các mạng xã hội, kênh bán hàng đa kênh livestream. “Thương mại, thương mại điện tử chi phối rất nhiều cách thức mà người dân và doanh nghiệp trao đổi. Vì vậy, việc mua bán gian lận thương mại trên môi trường internet sẽ được lực lượng quản lý thị trường đẩy mạnh triển khai trong thời gian tới”, ông Trần Hữu Linh khẳng định.
Tháng 7/2020, Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động và Cục A05, Bộ Công an đã phối hợp với quản lý thị trường đột kích kho hàng lậu rộng hơn 10.000m2 tại thành phố Lào Cai. Chủ kho là Trần Thành Phú, sinh năm 1992, có hộ khẩu thường trú tại Lào Cai, cùng em gái điều hành kho hàng. Các mặt hàng tại kho hàng cũng chính là các mặt hàng được Phú tổ chức livestream kinh doanh trên các trang Facebook có tên: Thảo Trần, Giầy đồng giá,... như: giầy dép, kính mắt, đồng hồ, hàng tiêu dùng... Cơ quan chức năng cho hay, từ tháng 10/2018 tới khi bị “sờ gáy”, tổng lũy kế giao dịch qua tài khoản của Trần Thành Phú và 5 đối tượng trong nhóm là hơn 649 tỷ đồng.
Dương Lê
Uyên Phương-Mạnh Thắng
Tiền Phong
Xem thêm: nhc.36565228062201202-ioh-ax-gnam-oan-iad-ual-gnah-nab-maertsevil/nv.zibefac