Hé lộ góc khuất cơn sốt đào Pi
Cơn sốt Bitcoin đã châm ngòi cho hiện tượng đào Pi tại Việt Nam. Thế nhưng, liệu giấc mộng đào tiền số có toàn "màu hồng" hay không?
Tờ Đầu tư sáng nay chỉ ra nhiều điểm đáng ngờ trong mô hình này. TS. Đặng Minh Tuấn (Học viện Công nghệ bưu chính - viễn thông) cho rằng, trước hết, điều mà chủ dự án Pi có được là thông tin cá nhân của 13 triệu người dùng tính đến thời điểm hiện tại. Với lượng người dùng này, họ có thể kiếm tiền không hề khó, đồng nghĩa, người đào Pi có thể sẽ mất thông tin cá nhân.
TS Tuấn cho biết thêm, Pi Network hiện không có chút giá trị nào vì mã nguồn đóng, tiền đào ra chỉ được lưu trên điện thoại người dùng hoặc trên máy chủ tập trung. Một khi được lưu trên máy chủ, người quản trị có toàn quyền thay đổi, tạo ra bao nhiêu tùy thích.
Dần dần, hệ thống Pi Network có thể cho ra sàn giao dịch Pi mà giá tăng lên hàng ngày. Người dùng sẽ được khuyến cáo là trả thêm một ít tiền Việt thì sẽ mua được rất nhiều tiền Pi. Đó là lúc người chơi bị rút tiền. Và cuối cùng, xin được nhắc lại, tiền ảo không được cấp phép là phương tiện thanh toán của Việt Nam. Khi có tranh chấp xảy ra thì quyền lợi của nhà đầu tư sẽ rất khó được bảo vệ.
Sự phân hóa trên thị trường bất động sản rõ rệt trong năm 2020
Doanh nghiệp bất động sản đã vươn lên trở thành nhà phát hành trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất trong năm 2020. Thế nhưng, năng lực tài chính của các doanh nghiệp này vẫn còn những lo ngại đó là phản ánh sáng nay trên tờ Đầu tư.
Sự phân hóa trở nên rõ rệt trong năm 2020 giữa những "cánh chim đầu đàn" như Vinhomes và các đơn vị còn lại. Khi bỏ nhà phát hành này sang một bên thì sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp còn lại trong ngành đã bị suy yếu rõ rệt. Hệ số chi trả lãi vay năm 2020 giảm về mức 0,7 lần, tức là lợi nhuận tạo ra không đủ trang trải lãi vay.
Do đó, nếu thị trường bất động sản không hồi phục mạnh hơn, rủi ro thanh khoản đến các nhà phát hành trái phiếu cũng như nhà đầu tư sẽ lớn hơn.
Nhiều doanh nghiệp dệt may phải thay đổi chiến lược sản xuất
Năm 2020, xuất khẩu dệt may Việt Nam giảm xấp xỉ 10%, có đến gần 23% doanh nghiệp không thể xuất khẩu. Áp lực trên khiến nhiều doanh nghiệp dệt may thay đổi chiến lược sản xuất, trong đó tăng mạnh nhu cầu liên kết với các doanh nghiệp nội địa khác. Câu chuyện trên tờ Diễn đàn doanh nghiệp.
Khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ lao động cho thấy, 46% doanh nghiệp đã thực hiện việc liên kết với doanh nghiệp khác.
Cụ thể, nhu cầu liên kết gồm: mua bán nguyên vật liệu trong nước để thay thế nguồn cung nhập khẩu bị gián đoạn hoặc có giá thành cao hơn; chia sẻ đơn hàng; học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.
Đơn cử, đơn vị lớn như Công ty Sợi Phú Bài đã thúc đẩy việc bán sợi cho nhiều doanh nghiệp trong nước. Nhiều nhà máy may cũng cho biết, họ đã và đang thuyết phục nhãn hàng sử dụng vải và nguyên phụ liệu Việt Nam thay vì nhập khẩu hoàn toàn như trước đây.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.68164000162201202-man-teiv-o-ip-oad-tos-noc-tauhk-cog-ol-eh/et-hnik/nv.vtv