Đại diện các trường đại học, cao đẳng tham quan một nhà máy tại Đồng Nai - Ảnh: VŨ THỦY
"Đài Loan xếp thứ 4 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Hiện có khoảng 4.600 doanh nghiệp Đài Loan đang đầu tư tại VN, tập trung nhiều nhất tại TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai. Các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tại Bình Dương thiếu hụt trầm trọng nhân sự cấp quản lý", bà Âu chia sẻ.
Các doanh nghiệp Đài Loan hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực công nghệ, dệt may, giày dép, gia công sản xuất đồ gỗ, yên xe, bất động sản và lâm nghiệp... "Văn phòng Kinh tế và văn hóa Đài Bắc tại TP.HCM đang tổ chức rất nhiều hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp Đài Loan với các trường đại học, cao đẳng, trường nghề tại VN để hai bên có thể hợp tác đào tạo, kết nối nhu cầu tìm việc làm, tuyển dụng nhân sự", bà nói thêm.
Theo bà, một trong những tiêu chí cần thiết là ứng viên cần biết tiếng Hoa để có thể đảm nhận được vị trí quản lý, làm việc với cấp lãnh đạo cao hơn trong các doanh nghiệp Đài Loan. "Lấy ví dụ, doanh nghiệp Đài Loan rất cần các luật sư biết tiếng Hoa để có thể tư vấn pháp luật cho các doanh nghiệp Đài Loan đang đầu tư tại Việt Nam. Nhưng hầu như sinh viên ngành luật không để ý tới nhu cầu này. Việc tìm một luật sư VN biết tiếng Hoa thật sự rất khó khăn", bà Âu chia sẻ.
Ngoài các tọa đàm, hội thảo với sự tham gia của các trường đại học, cao đẳng hàng đầu tại VN, từ tháng 10-2020 Văn phòng Kinh tế và văn hóa Đài Bắc tại TP.HCM đã tổ chức nhiều chuyến tham quan doanh nghiệp Đài Loan cho đại diện các trường đại học, cao đẳng, trường nghề...
"Thay đổi chương trình đào tạo nhưng lại không biết doanh nghiệp đang làm gì, phát triển ở mức nào, phương hướng phát triển như thế nào thì không thể nắm bắt được nhu cầu để đào tạo cho trúng" - bà Âu nói.
Đại diện 12 trường đại học, cao đẳng tại TP.HCM và Đồng Nai vừa có chuyến tham quan nhà máy của Vedan Việt Nam, gặp gỡ lãnh đạo doanh nghiệp để tìm hiểu về nhu cầu tuyển dụng.
"Việc tham quan, gặp gỡ doanh nghiệp giúp chúng tôi nắm bắt được các vị trí công việc mà doanh nghiệp có nhu cầu, loại công nghệ mà doanh nghiệp đang sử dụng... để có thể điều chỉnh, cập nhật chương trình học, giúp sinh viên có đủ khả năng làm việc tại doanh nghiệp ngay khi ra trường" - PGS.TS Đỗ Thành Trung, phó trưởng phòng khoa học và công nghệ Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, chia sẻ.
Gặp gỡ đại diện các trường tham quan các nhà máy, khu xử lý thải của Vedan tại Đồng Nai, ông Ni Chih Hao - phó tổng giám đốc điều hành Vedan Vietnam - cho biết hiện nay Vedan có rất nhiều nhân sự từ quản lý cho đến nhân viên kỹ thuật từng tốt nghiệp từ các trường ĐH, cao đẳng tại TP.HCM.
"Với mục tiêu kinh doanh lâu dài, chúng tôi mong muốn có thể có thêm ngày càng nhiều hơn sinh viên Việt Nam giỏi từ các trường để phát triển và bồi dưỡng, đồng thời có nhiều cơ hội để hợp tác sâu rộng hơn trong tuyển dụng và đào tạo với các trường", ông nói.
TTO - Dù muốn hay không, COVID-19 vẫn ảnh hưởng đáng kể đến tương lai lao động của nhiều ngành nghề. Việc nắm bắt bức tranh thị trường tuyển dụng sắp tới theo đó rất quan trọng, giúp bạn trẻ vạch ra những bước chuẩn bị, giải pháp cần thiết.
Xem thêm: mth.33562710252201202-man-teiv-yl-nauq-us-nahn-tahk/nv.ertiout