- Colombia: Khuyến khích phát triển năng lượng xanh
- 500 tình nguyện viên tuyên truyền, kêu gọi tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng xanh, thiết bị điện cải tiến
- Năng lượng xanh
Phát biểu tại Lễ ký kết các bản ghi nhớ về việc hợp tác cung cấp móng cọc và cảng hậu cần của Dự án trang trại điện gió ngoài khơi La Gàn, tỉnh Bình Thuận bằng hình thức trực tuyến, Đại sứ Kim Højlund Christensen nhấn mạnh, việc phát triển các dự án đầu tư nước ngoài như Dự án La Gàn sẽ góp phần mở rộng hơn và tăng cường quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Đan Mạch - Việt Nam trong việc chia sẻ kiến thức, nâng cao năng lực cho các chuyên gia và lao động trong ngành, đặc biệt là trong chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi.
Dự án trang trại điện gió ngoài khơi La Gàn thuộc sở hữu của Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (Đan Mạch) và hai đối tác Asiapetro và Novasia có giá trị đầu tư lên đến hơn 10 tỷ USD.
Theo một nghiên cứu đánh giá tác động kinh tế do các chuyên gia quốc tế từ BVG Associates (chuyên gia tư vấn của Ngân hàng Thế giới) thực hiện, Dự án trang trại điện gió ngoài khơi La Gàn 3,5GW sẽ đóng góp hơn 4,4 tỷ USD cho nền kinh tế Việt Nam trong suốt thời gian thực hiện. Dự án dự kiến sẽ tạo ra hơn 45.000 việc làm toàn thời gian (FTE) cho các lao động trong nước tại Việt Nam, trong đó 1 đơn vị FTE tương đương với 1 người làm việc toàn thời gian trong thời gian 1 năm. Tổng tỷ lệ nội địa hóa ước tính chiếm khoảng 45% trong toàn bộ chuỗi cung ứng của dự án.
Khi hoàn thành và đi vào hoạt động hết công suất, dự án dự kiến sẽ cung cấp năng lượng cho hơn 7 triệu hộ gia đình Việt Nam mỗi năm và giúp giảm thiểu 130 triệu tấn khí thải CO2 trong suốt vòng đời dự án.
Các bản ghi nhớ được ký kết với các nhà thầu tại Việt Nam gồm: Tập đoàn CS Wind, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC (PTSC M&C), Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí miền Nam (Alpha ECC) và Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro.
Dự án trang trại điện gió ngoài khơi La Gàn là một trong những dự án, chương trình hợp tác tiêu biểu giữa hai nước Việt Nam - Đan Mạch trong lĩnh vực năng lượng xanh. Năm 2013, Việt Nam và Đan Mạch đã ký kết một hiệp định hợp tác dài hạn với mục đích thúc đẩy quá trình chuyển đổi tại Việt Nam sang nền kinh tế carbon thấp. Việc thực hiện hiệp định này do Chính phủ Đan Mạch tài trợ và Cơ quan Năng lượng Đan Mạch quản lý.
Cơ quan Năng lượng Đan Mạch đã hợp tác với Bộ Công Thương Việt Nam thông qua Chương trình Hợp tác đối tác năng lượng (DEPP) giữa Việt Nam - Đan Mạch. Chương trình bao gồm các lĩnh vực sử dụng hiệu quả năng lượng trong công nghiệp, tích hợp năng lượng tái tạo vào lưới điện và xây dựng mô hình kịch bản dài hạn của ngành năng lượng. Chương trình hiện đang bước vào giai đoạn thứ ba DEPP III (2020-2025).