Khoa hồi sức tích cực Bệnh viện dã chiến số 2, Hải Dương, nơi đang tiếp nhận điều trị cho 7 bệnh nhân COVID-19 nặng - Ảnh: PHẠM TUẤN
Khoa hồi sức tích cực thuộc Bệnh viện dã chiến số 2 (TP Hải Dương) là nơi tiếp nhận những bệnh nhân COVID-19 nặng, vì thế những nữ điều dưỡng làm việc tại đây phải làm việc liên tục, theo sát mọi diễn biến của bệnh nhân.
Hiện tại khoa bệnh nói trên đang điều trị cho 7 bệnh nhân COVID-19 diễn biến nặng, trong đó có bệnh nhân suy hô hấp, phải thở máy và lọc máu liên tục. Nhiều điều dưỡng phải làm việc xuyên tết để giúp những bệnh nhân nặng vượt qua cơn nguy kịch.
Điều dưỡng viên Nguyễn Thị Hoa (36 tuổi), người trực tiếp chăm sóc những bệnh nhân tại đây, cho biết chị bắt đầu nhận nhiệm vụ từ mùng 1 Tết tới nay và với các bệnh nhân nặng, những điều dưỡng như chị phải chăm sóc toàn diện.
90% sinh hoạt của bệnh nhân đều được sự hỗ trợ của các điều dưỡng viên tại đây - Ảnh: PHẠM TUẤN
"Chúng tôi chăm sóc bệnh nhân từ ăn uống, vệ sinh, uống thuốc thang… Ở khoa này là nơi có nguy cơ phơi nhiễm COVID-19 cao nhất, tuy nhiên đây là lúc người dân cần những y, bác sĩ nhất nên chúng tôi phải hoàn thành tốt công việc", chị Hoa chia sẻ.
Được biết, chồng chị Hoa và bố mẹ chồng cũng đang tham gia công tác chống dịch COVID-19. Cho nên từ tết đến nay cả nhà chưa được gặp nhau, hai con nhỏ của chị đang ở với cố nội năm nay đã hơn 90 tuổi.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Hoa đã trực liên tục tại khoa hồi sức tích cực từ mùng 1 Tết đến nay - Ảnh: PHẠM TUẤN
"Nhớ nhà và con lắm, đó là động lực để chúng tôi cố gắng hoàn thành tốt công việc để sớm về bên gia đình", chị Hoa nói thêm.
Mỗi ngày, tại khoa hồi sức tích cực có 3 ca, 4 kíp trực thay phiên nhau liên tiếp, mỗi kíp trực sẽ có 4 điều dưỡng và 2 bác sĩ để đảm bảo bệnh nhân COVID-19 điều trị tại đây luôn được chăm sóc, điều trị khi cần thiết.
Mọi diễn biến về sức khỏe của người bệnh đều được điều dưỡng Hoa theo sát, nắm bắt tình hình để báo cáo thường xuyên cho bác sĩ - Ảnh: PHẠM TUẤN
Chị Hoa và 1 điều dưỡng khác trong kíp trực vỗ rung cho bệnh nhân, giúp bệnh nhân COVID-19 dễ thở hơn - Ảnh: PHẠM TUẤN
Tấm chắn giọt bắn của chị Hoa bám đầy hơi nước vì phải đeo suốt ca trực - Ảnh: PHẠM TUẤN
Những bệnh nhân điều trị tại khoa hồi sức tích cực đều là những ca bệnh nặng, phải can thiệp máy thở và lọc máu - Ảnh: PHẠM TUẤN
Ở bệnh viện chống dịch COVID-19, gần một tháng nay chị Hoa và các y bác sĩ tại đây chưa được về nhà, phải làm việc giữa tết - Ảnh: PHẠM TUẤN
TTO - Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 tỉnh Gia Lai lần đầu cho 6 bệnh nhân cùng người nhà xuất viện sau 13 ngày đi vào hoạt động.