Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử mới đây đã gửi công văn, yêu cầu ngăn chặn hơn 40 website vi phạm bản quyền bóng đá ngoại hạng Anh theo kiến nghị của Công ty TNHH Truyền hình Số Vệ Tinh Việt Nam (K+).
Đặc biệt khi tình hình dịch bệnh diễn ra, lượng người truy cập vào các nền tảng online để xem tăng lên đáng kể. Thế nhưng lượt xem từ những nguồn không chính thống này đã gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế, cũng như uy tín cho các đơn vị sở hữu chính thức.
Với sức hút của các giải bóng đá như: Ngoại hạng Anh, Champions League, và Europa League, trong 1 tháng có đến 4000 đường link vi phạm được bên K+ phát hiện - tương ứng là hàng triệu lượt xem. Những lượt xem bất hợp pháp này đang gây thất thoát doanh thu cho đơn vị sở hữu bản quyền.
K+ cho biết bị thiệt hại đến 300 tỷ đồng/năm do vi phạm bản quyền
"Một năm chúng tôi bị thiệt hại do vi phạm bản quyền phải đến 300 tỉ. Nó sẽ thiệt hại lớn về kinh tế không chỉ cho đơn vị sở hữu bản, mà nó còn ảnh hưởng đến lợi ích của đất nước như bị thất thu về thuế. Hoặc khi đơn vị chủ sở hữu quyền bị vi phạm bản quyền thì việc có tài chính để tái đầu tư cho những sản phẩm tốt hơn cũng bị ảnh hưởng. Và việc không được tái đầu tư sẽ ảnh hưởng đến việc tạo công ăn việc làm cho xã hội", Luật sư Phạm Thanh Thủy - Công ty TNHH Truyền hình Số Vệ Tinh Việt Nam (K+) cho biết.
Thậm chí, việc vi phạm bản quyền đã khiến đơn vị bỏ tiền ra mua bản quyền các giải đấu bị dừng phát sóng. Điều này lại ảnh hưởng tới quyền lợi của khán giả chân chính, khi đã chấp nhận mua gói cước để thưởng thức bóng đá, nhưng lại không được xem.
"Chúng tôi là đơn vị sở hữu độc quyền của Champions League và Europa League mùa giải 2017 - 2018 nhưng vì tình trạng vi phạm bản quyền trên internet nên chúng tôi đã bị ngừng phát phóng hai giải đấu đó.
Trong năm 2020 vừa qua, chúng tôi đã xử lý hơn 30.000 video lậu trên Facebook, và hơn 8.000 video lậu trên Youtube. Ngoài ra còn các nền tảng trên mạng xã hội, cũng như là các nền tảng chia sẻ trực tiếp", ông Hán Việt Linh - Chuyên gia bản quyền của Tổng Công ty Truyền hình Cáp Việt Nam (VTVcab).
Các trang web đang vi phạm bản quyền, thường xuyên thay đổi tên miền, nơi hosting máy chủ, nên cứ bị diệt rồi lại mọc lên như nấm
"Ngoài cái việc họ thu phí ra, kinh doanh bất hợp pháp thì họ câu view, câu like để họ lấy lượng view nhất định để từ đấy họ bán quảng cáo họ thu tiền chứ họ không thu tiền trực tiếp từ người xem. Dù bất cứ hình thức nào đều là vi phạm khi không có sự đồng ý thoả thuận của chủ sở hữu bản quyền thì đã là vi phạm bản quyền rồi, còn không liên quan đến việc họ có thu tiền hay không", ông Phạm Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm Đo kiểm phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết.
Các trang web đang vi phạm bản quyền, thường xuyên thay đổi tên miền, nơi hosting máy chủ, nên cứ bị diệt rồi lại mọc lên như nấm. Ngoài việc dùng biện pháp kỹ thuật thì các đơn vị truyền hình cũng phải liên tục phối hợp với các cơ quan chức năng để có các biện pháp đồng bộ, xử lý triệt để.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.92465535072201202-ad-gnob-iaig-cac-neyuq-nab-mahp-iv-ib-iv-yt-mart-gnah-uht-taht/et-hnik/nv.vtv