Ròng rã 32 năm khiếu nại, giữ vững niềm tin vào lẽ phải, đến đầu năm 2021 này ông Nguyễn Ngọc Lợi cũng không ngờ vụ việc của mình đến đoạn cuối lại được giải quyết nhanh như vậy.
Ông Nguyễn Ngọc Lợi (trái), người đi khiếu nại suốt 32 năm và thanh tra viên cao cấp Nguyễn Mạnh Cường. Ảnh: ĐẠI THANH
Cán bộ thanh tra chịu nghe, dân nói… cả ngày
Vào một ngày tháng 12-2020, PV nhận được một cuộc điện thoại từ Thanh tra Chính phủ (TTCP) nói cần hỗ trợ cho ông Nguyễn Ngọc Lợi, người đã khiếu nại đòi quyền lợi 32 năm và vụ này có thể giải quyết… được. Mấy ngày sau ông Lợi đến gặp PV.
Ông Lợi trong bộ quân phục kể: 32 năm qua, ông đã khiếu nại đến nhiều cơ quan, từ Trường ĐH Y Dược, ĐH Thái Nguyên, Sở Y tế tỉnh Phú Thọ, Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT… Ông là cán bộ đi B, được cả cố Thủ tướng Phan Văn Khải tiếp tại nhà riêng, rồi bút phê vào đơn của ông Lợi gửi cho ông Nguyễn Xuân Phúc lúc còn là Phó Thủ tướng năm 2014. Ông Nguyễn Tấn Dũng hồi còn làm Thủ tướng cũng quan tâm vụ việc này.
Dù có một số vấn đề được giải quyết và quyền lợi được bù đắp một phần nhưng theo ông Lợi mới là “hớt váng trên mặt nồi”, mấu chốt trong câu chuyện khiếu nại của ông vẫn chưa được giải tỏa. Tháng 10-2020, sau khi Thủ tướng giao cho TTCP vào cuộc, rà soát lại vụ khiếu nại của ông Lợi, chủ trì cùng Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT, các cơ quan liên quan để có giải pháp giải quyết vụ việc theo đúng pháp luật, có lý, có tình… thì vụ việc mới bắt đầu được xem xét đúng bản chất.
Tôi xem hồ sơ, thấy rõ có oan ức trong vụ này. Một người lẽ ra 32 năm được hưởng chính sách vì các cống hiến thì lại chỉ do một mâu thuẫn nhỏ, tự ái với nhau mà người ta nỡ làm thế với ông. Tôi và anh em làm vụ này vì cái tâm mình. Ông TRẦN NGỌC LIÊM, Phó Tổng TTCP |
Vụ việc được giao cho Phó Tổng TTCP Trần Ngọc Liêm và Vụ III tiến hành rà soát, kiểm tra. Thanh tra viên cao cấp Nguyễn Mạnh Cường được Tổng TTCP quyết định làm tổ trưởng tổ rà soát, kiểm tra. Tháng 11-2020, ông Lợi được mời đến TTCP.
“Ông Lợi lúc đó đang rất bức xúc” - ông Cường nhớ lại. Còn ông Lợi kể: Khi nhìn thấy những cán bộ TTCP tiếp mình toàn những người trẻ, ông không tin vụ việc của mình sẽ được giải quyết. Bởi theo ông Lợi, những cán bộ này sẽ phải “đấu” với các cán bộ ở những bộ khác, toàn “giáo sư, tiến sĩ”.
Tuy vậy, ông Lợi thuật lại: Khi bắt đầu cuộc làm việc, ông Cường nói: “Bác cứ thoải mái trình bày hết các vấn đề”. Thế là ông Lợi như được cởi tấm lòng, nói một mạch. Ông Lợi để ý và thấy các ý kiến của ông đều được ghi chép cẩn thận. “Họ để tôi nói thoải mái, không áp đặt. Có lúc bức xúc tôi đã để câu chuyện đi hơi xa trọng tâm vì bị cảm xúc chi phối nhưng họ vẫn khéo léo, kiên trì dẫn tôi về lại nội dung chính cần tìm cách giải quyết” - ông Lợi nói.
Đến 12 giờ trưa, ông cũng không để ý là thời gian đã muộn như vậy. Ông ngỏ ý mời các cán bộ TTCP đi ăn trưa nhưng ông Cường nói: “Mời bác xuống căn tin của TTCP ăn trưa cùng chúng tôi”. Ông Lợi bất ngờ, cũng ngại ngùng…
Còn ông Cường kể: Khi được mời ăn cơm, ông Lợi vừa lúng túng vừa xúc động vì thấy mình được quan tâm. Sau khi ăn trưa ở căn tin TTCP thì đoàn mời ông Lợi lên phòng nghỉ ngơi. Đầu giờ chiều lại mời ông Lợi nói tiếp. Mãi đến 15 giờ 30 hôm đó mới lập xong biên bản.
“Vì đã trải qua 32 năm chưa thỏa nguyện nên ông Lợi rất bức xúc. Chúng tôi phải để cho ông Lợi trình bày dù có tốn thời gian đến đâu. Sau buổi đó, tôi có hỏi ông Lợi xem còn gì cần nói nữa không thì ông Lợi nói đã rất thỏa mãn” - ông Cường kể.
Bữa cơm “chia oan” của đồng đội cũ
Bà Nguyễn Hồng Dung, thành viên tổ kiểm tra, rà soát, khi thấy ông Lợi đi đôi tất bạc màu, chiếc áo ông mặc cũng cũ liền mua cho ông mấy đôi tất và một cái áo. Ông Lợi bảo: “Điều đó làm tôi rất xúc động, bất ngờ, vì tôi chưa mấy khi được quan tâm như vậy”.
Ông Lợi cho hay các thành viên trong tổ rà soát, kiểm tra phải đi đến nhiều nơi để xác minh và tìm thêm tài liệu, từ Trường ĐH Y Dược, ĐH Thái Nguyên cho đến Trung tâm Lưu trữ quốc gia. “Tiền xe họ tự bỏ, họ còn “bao” cả tiền ăn uống cho tôi. Anh Cường, chị Dung, chị Hằng… còn góp tiền đóng học phí cho con tôi đang học đại học năm thứ ba vì họ biết tôi phải nghỉ cả tháng để đeo theo vụ khiếu nại thì làm gì có tiền” - ông Lợi cho biết.
Còn ông Cường kể: “Nhiều lần ông Lợi mời tổ công tác ăn cơm nhưng chúng tôi đều nói bác không phải lo. Có lần bác ấy giành trả tiền, khi ra hỏi chủ quán cơm thì chị chủ quán nói cơm đã được trả tiền rồi. Điều làm ông Cường và tổ công tác xúc động khi biết chị chủ quán đó là người đồng đội cũ và rất rõ nỗi oan của ông Lợi”.
“Có lần khi chúng tôi nói bác để chúng tôi trả tiền thì bác ấy giơ điện thoại ra để cho xem tin nhắn chuyển tiền của một vị thủ trưởng cũ. Còn nhiều tin nhắn khác của các đồng đội bác ấy từ hồi đi B, người 5 triệu, người 10 triệu… để hỗ trợ bác ấy. Mà không phải chỉ trong tháng 11-2020 đồng đội mới giúp bác ấy, mà trong suốt 32 năm khiếu nại, bác ấy luôn được đồng đội, thủ trưởng cũ hỗ trợ một phần” - ông Cường kể.
15 ngày, tổ công tác đã dự thảo được kết luận Theo tìm hiểu của chúng tôi, vì kế thừa các kết quả thanh tra, kiểm tra trước đó nên chỉ trong vòng 15 ngày thì tổ công tác đã có thể dự thảo được kết luận. Thực tế trong suốt 32 năm cũng có một số cơ quan lúc đầu rất nhiệt tình, cẩn thận, biên bản chính xác nhưng cuối cùng kết luận lại bác khiếu nại của ông. Mấu chốt nằm ở kết luận của Bộ Y tế hồi năm 1991. Theo đó, dù kết luận ông Lợi thuộc diện cán bộ được cử đi học, được Ủy ban Thống nhất và Trường ĐH Y Bắc Thái trả lương nhưng lại áp dụng các quy định của học sinh, sinh viên… cho ông Lợi. Kết luận chưa chính xác này là căn cứ để các cơ quan liên quan khác như Sở Y tế tỉnh Phú Thọ, Bộ GD&ĐT… liên tục bác đơn của ông. |
Để đừng có những vụ khiếu nại 5, 10 hoặc 32 năm “Tôi đã theo đuổi vụ việc từ khi còn là thanh niên tới tuổi già, thực chất là 37 năm. Sau khi Thanh tra Chính phủ (TTCP) công khai thông báo về kết luận thanh tra tôi như hồi sinh, nói như một người bạn tôi là như đã có án tử hình nhưng bây giờ lại có một cái giấy khai sinh” - ông Nguyễn Ngọc Lợi nói với báo chí về hành trình 32 năm khiếu nại của mình. Những người dân kiên trì khiếu nại, đòi quyền lợi không phải hiếm. Trước đây đã có những trường hợp như ông Trần Văn Thêm bị oan khuất 46 năm, mãi đến năm 2016 mới được TAND Tối cao tuyên bố minh oan. Hoặc hàng trăm người dân Thủ Thiêm, TP.HCM hơn 20 năm khiếu nại vì quyền lợi của mình bị xâm phạm và phải đến năm 2019 TTCP mới ban hành kết luận, giải quyết được vụ khiếu nại đông người, kéo dài ngày này. Trong vụ ông Lợi, đúng ra không có gì lớn, rối rắm mà chỉ là sự “vô duyên” của một con người với tổ chức, hệ thống quan quyền. Ông Lợi đúng là một cán bộ đi B, sau đó công tác ở Ủy ban Thống nhất của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Nhưng những rắc rối mà ông Lợi gặp phải bắt nguồn từ tính “cương” của ông trước một hệ thống quan liêu với những người đứng “đầu ngành” không bao dung, không vì lợi ích chung và thiếu hẳn sự thẳng thắn nhận cái sai do mình gây ra. Phải ba đời thủ tướng và phải đợi đến khi TTCP thừa ủy quyền của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình vào cuộc làm rõ thì họ, các quan “đầu ngành” mới thừa nhận sai sót. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng khẳng định: “Vụ việc này phải làm nghiêm, đúng đắn”. TTCP vào cuộc quyết liệt hơn. Phó Tổng TTCP Trần Ngọc Liêm nói: “Phải đặt mình vào vị trí ông Lợi mới thấy hết được sự bức xúc. Nếu mình là ông Lợi thì sao, có khi mình còn bức xúc hơn!”. Thủ tướng hồi tháng 1-2021 khi đề cập vụ việc ông Nguyễn Ngọc Lợi khiếu nại 32 năm đã đặt câu hỏi: “Chúng ta có những vụ việc kéo dài như vậy, có đáng không? Cái gì đúng thì phải bảo vệ, cái gì sai phải đấu tranh”. Câu trả lời hẳn nhiên là KHÔNG. Vì các lẽ: Nếu các khiếu nại, tố cáo được giải quyết kịp thời, ngay từ cơ sở thì chắc sẽ không có những vụ kéo dài 5, 10 hoặc hàng chục năm. Nếu các khiếu nại, tố cáo được giải quyết kịp thời thì chắc chắn quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và sự ổn định xã hội sẽ được bảo đảm. Việc giải quyết nhanh các khiếu nại của ông Lợi có thể là một “án lệ” để TTCP giải quyết 500 vụ khiếu nại, tố cáo kéo dài mà cơ quan này đã thống kê. ĐẠI THANH |