Thiếu nhi tham gia hoạt động tại Cung thiếu nhi Hà Nội - Ảnh: HÀ QUÂN
Một số địa phương như Long An, Hải Phòng "xóa sổ" hoàn toàn mô hình nhà thiếu nhi cấp huyện dù có nhiều đơn vị đang hoạt động hiệu quả.
Cung thiếu nhi đủ sức tự chủ tài chính
Lý do chính được đưa ra là hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị vui chơi cho trẻ em tại nhiều nhà thiếu nhi đã xuống cấp, không còn sử dụng được; các hoạt động thiếu nhi không có nhiều đổi mới do nguồn lực hạn chế, xé nhỏ...
Đại diện Thành đoàn Hải Phòng cho biết việc sáp nhập nhà thiếu nhi với các đơn vị sự nghiệp khác nhằm "thực hiện chủ trương chung của thành phố".
Tuy vậy, Thành đoàn Hải Phòng thừa nhận Cung văn hóa thể thao thanh niên sau khi sáp nhập có đặc thù chỉ có 1 cán bộ phụ trách thiếu nhi; lực lượng cán bộ phụ trách hoạt động cho các đối tượng khác nhau như thanh niên, nhi đồng...
Do đó việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, các lớp kỹ năng, câu lạc bộ, đội nhóm dành riêng cho thiếu nhi gặp khó khăn.
Anh Lê Quang Đại, giám đốc Cung thiếu nhi Hà Nội, đưa ra quan điểm thời điểm các tỉnh, thành phố tiến hành sáp nhập thì Thành đoàn Hà Nội quyết định "không nên hợp nhất". Anh Đại lý giải Cung thiếu nhi Hà Nội là địa điểm sinh hoạt quen thuộc, gần gũi dành cho thiếu nhi, có bề dày truyền thống.
Thứ hai, việc tự chủ tài chính của Cung thiếu nhi hoàn toàn có thể thực hiện tốt song song với nâng cao chất lượng hoạt động sinh hoạt dành cho trẻ em.
Tính đến tháng 12-2020, có 50 nhà thiếu nhi cấp huyện đã sáp nhập với trung tâm văn hóa huyện ở một số tỉnh. Cả nước hiện có 124 cung, nhà thiếu nhi (25 đơn vị cấp tỉnh, 99 đơn vị cấp huyện).
Không đáp ứng quyền lợi cho thiếu nhi
Chị Nguyễn Phạm Duy Trang - ủy viên Ban thường vụ Trung ương Đoàn, phó chủ tịch thường trực Hội đồng Đội trung ương - cho biết việc sáp nhập nhà thiếu nhi vào các trung tâm văn hóa, thể thao, đài phát thành, thư viện... không tương đồng về chức năng, nhiệm vụ gây ra nhiều bất cập.
Ví dụ, lớp bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, đội nghi thức, đội nghi lễ... chỉ có thể tổ chức tại nhà thiếu nhi, do cán bộ Đoàn phụ trách hướng dẫn theo tài liệu quy chuẩn và được tập huấn bài bản.
Thứ hai, nhà thiếu nhi là nơi tổ chức, duy trì và hướng dẫn hoạt động của các câu lạc bộ quyền trẻ em - kênh thông tin để thể hiện tiếng nói của các em vào các vấn đề của trẻ em. Từ đó, Trung ương Đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em được quy định trong Luật trẻ em 2016.
"Khi sáp nhập, các trung tâm văn hóa - thể thao không thể thực hiện được các chức năng đặc thù chỉ có ở nhà thiếu nhi", chị Trang nhấn mạnh.
Về phía phụ huynh cũng có ý kiến cho rằng mô hình sinh hoạt chung giữa thiếu nhi và các anh chị thanh niên là không hợp lý. Mỗi độ tuổi có cá tính, tâm sinh lý khác hẳn nhau. Nếu chúng ta không có giải pháp dung hòa thì không ổn.
"Giữ nguyên mô hình nhà thiếu nhi như hiện nay nhưng tăng cường xã hội hóa. Phụ huynh sẵn sàng đóng thêm học phí để nâng cao chất lượng buổi học" - anh Hồ Hữu Trọng (30 tuổi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) bày tỏ.
Chị Duy Trang cũng cho rằng việc sinh hoạt chung với thanh niên, các bạn nhỏ có thể học theo hành động, cử chỉ, ngôn từ "người lớn"... không phù hợp lứa tuổi, ảnh hưởng quá trình hình thành nhân cách của các bạn.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Nga - cục phó Cục Trẻ em, Bộ Lao động - thương binh và xã hội - khẳng định việc sáp nhập các thiết chế như cung, nhà thiếu nhi vào các đơn vị sự nghiệp không đảm bảo vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em.
Thứ nhất, người lao động, thanh niên, trẻ em... có những nhu cầu, mục đích, yêu cầu khác nhau. Thứ hai, việc xây dựng và tổ chức các hoạt động dành cho trẻ em là đặc thù.
Bà Nga cho rằng các bộ ngành liên quan cần thống nhất có đánh giá cụ thể rồi trình cho lãnh đạo Chính phủ để định hướng sắp tới làm sao đảm bảo quyền vui chơi, giải trí cho trẻ em.
Trung ương Đoàn không ủng hộ sáp nhập
Trong công văn 281-CV/TWĐTN-CTTN gửi Ban Dân vận trung ương, anh Lê Quốc Phong, khi đó là bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, đã nhấn mạnh rằng: "Việc sáp nhập nhà thiếu nhi vào các trung tâm văn hóa, trung tâm thể thao, nhà văn hóa... là không hợp lý, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình tập hợp, tổ chức các hoạt động cho thiếu nhi. Mặt khác, sẽ làm mất đi một điểm sinh hoạt, vui chơi giải trí lành mạnh cho các em".
Trước kiến nghị của Trung ương Đoàn, Văn phòng Chính phủ đã ra thông báo số 182/TB-VPCP (ngày 14-2-2018) kết luận của Thủ tướng với nội dung "đồng ý không sáp nhập các cung thiếu nhi, nhà thiếu nhi với các đơn vị sự nghiệp có chức năng không tương đồng; giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề xuất phương án xử lý cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền".
TTO - Công trình Nhà Thiếu nhi Khánh Hòa lại tiếp tục mấy mươi năm "lận đận" chưa yên trên khu "đất vàng" Ngã 6 TP Nha Trang.
Xem thêm: mth.81723010172201202-gnohk-yah-nen-ihn-ueiht-ahn-pahn-pas/nv.ertiout