Giá vàng trong nước và thế giới đang chênh lệch ở mức kỷ lục
V.Dũng
(TBKTSG Online) - Thị trường vàng thế giới đang rơi vào trạng thái tiêu cực khi cả giá giao ngay và tương lai đều liên tục giảm sâu và đối diện với áp lực bán tháo. Trong khi đó khoảng cách so với giá vàng trong nước đang được kéo dãn lên mức kỷ lục 7,7 triệu đồng.
Giá vàng trong nước đang có khoảng chênh lệch so với giá vàng quốc tế ở mức 7,7 triệu đồng/lượng. Ảnh minh họa: TTXVN |
Sáng ngày 27-2, giá vàng miếng tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC được giao dịch 55,6 - 56,1 triệu đồng/lượng. So với cuối ngày hôm trước, giá vàng giảm 350.000 đồng ở chiều mua vào và giảm 250.000 đồng ở chiều bán ra. Chênh lệch giữa giá mua và bán của SJC vẫn duy trì ở mức 500.000 đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng giao ngay trên sàn New York và Kitco đêm qua ghi nhận mức giảm 34,5 đô la/ounce so với phiên liền trước (tương đương 2% giá trị), đóng cửa tuần ở 1.735,6 đô la/ounce. Đây đã là phiên giảm mạnh thứ 2 liên tiếp và là phiên giảm thứ 4 trong tuần này của kim loại quý.
Nếu so với cuối phiên 24-2 (giờ Mỹ), giá vàng giao ngay hiện thấp hơn gần 70 đô la, tương đương mức giảm ròng 3,8% sau hai ngày. Còn nếu so với phiên đầu tuần (22-2), kim loại quý đã mất 77,5 đô la, tương đương mức giảm ròng 4,3%.
Trên sàn Comex, giá hợp đồng vàng tương lai giao tháng 4 cũng giao dịch kém tích cực khi giảm 2,6% giá trị đêm qua, hiện cố định ở mức 1.729,1 đô la/ounce.
Phiên 26-2 là phiên giao dịch cuối cùng của tháng 2 và kim loại quý thế giới đã chạm mốc thua lỗ 2 tháng liên tiếp. So với mức 1.912 đô la/ounce đầu năm, giá vàng thế giới hiện thấp hơn gần 180 đô la, tương đương mức giảm 9% từ đầu năm 2021.
Với diễn biến giá vàng thế giới lao dốc nhưng trong nước chỉ giảm nhỏ giọt khiến mỗi lượng vàng miếng SJC đang cao hơn thế giới 7,75 triệu đồng/lượng. Đây là mức chênh lệch kỷ lục, bất chấp giao dịch trên thị trường vàng trong nước khá thấp sau ngày vía Thần tài.
Theo các chuyên gia phân tích của sàn Kito Metal, việc giảm hơn 9% giá trị từ đầu năm 2021 và ghi nhận tháng thua lỗ thứ hai liên tiếp đang đặt vàng rơi vào trạng thái tiêu cực nhất nhiều năm. Nếu giá kim quý không giữ được mức 1.725 đô la hoặc 1.700 đô la vào tuần tới, đợt bán tháo lần này sẽ không thể kết thúc.
Nguyên nhân chính khiến vàng đi xuống trong cả tuần này và giảm mạnh hai phiên cuối tuần là do lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng mạnh, hiện ở mức cao nhất trong một năm là 1,6%. Trên thị trường tài chính, trái phiếu kho bạc luôn được nhà đầu tư coi là tài sản an toàn cạnh tranh trực tiếp với vàng.
Ngoài lợi suất trái phiếu Mỹ tăng mạnh, giá trị đồng đô la tăng đêm qua cũng là nguyên nhân khiến vàng giảm sâu.
Theo ông Peter Hug, Giám đốc giao dịch toàn cầu của Kitco Metals, hành động bán tháo vàng phiên cuối tuần của nhà đầu tư còn được đẩy nhanh nhờ yếu tố kỹ thuật sau khi kim loại quý giảm xuống dưới mức trung bình 200 ngày.
Vị chuyên gia cho biết thêm các nhà đầu tư cũng đang bắt đầu thoát khỏi chứng khoán và chuyển sang nắm giữ tiền mặt, một điều không tốt cho vàng.
"Việc các nhà đầu tư bán hầu hết tài sản an toàn và rủi ro thời gian qua cho thấy tâm lý đang dần chuyển sang nắm giữ tiền mặt, điều luôn bất lợi với các thị trường hàng hóa như vàng và bạc”, Hug nhấn mạnh.
Phát biểu trên CNBC, Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Oanda Corp, nhận định kim loại quý đang khởi đầu năm mới khó khăn và điều duy nhất có thể “cứu” được vàng lúc này là việc Ngân hàng Trung ương Mỹ kiểm soát đà tăng của lợi suất nhằm ngăn chặn nó tăng vọt, tuy nhiên, có vẻ như họ vẫn chưa có kế hoạch làm vậy. Nhưng ông cũng cho rằng tốc độ gia tăng trong lợi suất trái phiếu khó có thể duy trì lâu, vì vậy vàng sẽ sớm ổn định trở lại.
Xem thêm: lmth.cul-yk-cum-o-hcel-hnehc-gnad-ioig-eht-av-coun-gnort-gnav-aig/390413/nv.semitnogiaseht.www